Vì sao hành khách không 'mặn mà' dù bến xe nâng cấp khang trang

Mặc dù những năm gần đây các bến xe đã thay đổi diện mạo khang trang, sạch sẽ hơn nhưng khách vào bến xe ngày càng giảm, nhiều nhà xe thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động.

Chiều 24/4, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm “Vì sao hành khách chưa quay trở lại bến xe?". Tại đây, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ đã thực hiện việc kết nối từ Hà Nội đi 41 tỉnh với 897 tuyến vận tải, tương đương 3.556 chuyến/ngày. Trong số này có 52 đơn vị vận tải thuộc Hà Nội với 730 xe từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Sơn Tây và Nước Ngầm.

Lượng xe vào bến Giáp Bát giảm khoảng 40%. Ảnh: N. Huyền

Những năm gần đây, các bến xe khách được xây dựng mới với nhiều tiện ích, ứng dụng nhiều công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp nhưng hành khách vào bến ngày một thưa vắng. Hàng loạt đơn vị vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động.

Bến xe Giáp Bát là bến xe loại 1, công suất tiếp nhận mỗi ngày là 1.150 xe nhưng kể từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì chỉ phục vụ khoảng 600 - 700 xe/ngày (giảm 40- 45 %). Trong rất nhiều nguyên nhân, lãnh đạo bến thừa nhận còn do sự bùng nổ loại hình vận tải khác (xe hợp đồng, xe ghép).

Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho rằng, hiện nay số lượng xe loại hình xe hợp đồng đã thật sự lấn át xe tuyến cố định.

"Điều quan trọng nhất là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử nghiêm xe hợp đồng vi phạm với những vấn đề như dừng đón trả khách, bán vé, gom khách ... Các sai phạm đều được cơ quan chức năng thấy rõ, nhưng tại sao thực trạng không được xử lý đến nơi đến chốn?

Tôi thấy tiếc vì với những vụ việc như tài xế, phụ xe hành hung hành khách mà cơ quan quản lý lại không giải quyết triệt để. Người dân có thể thấy rõ ảnh hưởng khi đi các xe hợp đồng trá hình”, ông Lập nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: N. Huyền

Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam lại cho rằng, các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà vào bến không phải vì họ không muốn vào mà do bến chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như hành khách.

“Trước hết là vấn đề quy hoạch”, bà Hiền nói và lấy dẫn chứng bến xe Miền Đông (TP. HCM) dù cơ sở vật chất tại đây rất hiện đại khang trang nhưng không có khách.

“Tất cả nhà xe đều nói chúng tôi sẵn sàng vào nếu có khách. Có thể ở một giai đoạn, phạm vi nào đó, quy hoạch bến xe miền Đông chưa phù hợp”, bà Hiền phân tích.

Vấn đề thứ hai theo bà Hiền là việc tổ chức giao thông đô thị. Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tổ chức giao thông đô thị phải hướng tới các mục tiêu đi lại của hành khách.

“Thứ ba là tính kết nối không chỉ bao gồm vị trí bến xe. Thực tế, không thể chỉ đổ tội cho doanh nghiệp hay bến xe, tôi từng chứng kiến người nhà tôi đi xe được trả ở đầu đường cầu vượt. Dân muốn đi vì thuận tiện, họ có thể bắt được các xe kết nối”, bà Hiền nói.

Nguyên nhân khác theo bà Hiền là sự tiện nghi. "Thực tế, ở một số loại xe giường nằm như xe của doanh nghiệp Văn Minh, có lần người nhà tôi phải nhờ mới mua được vé của hãng này. Có thể nói, ở một nhóm khách nhất định nếu đạt được nhu cầu chất lượng, giá cả, tiện nghi và an toàn người ta vẫn chọn vào bến. Cần phải nhìn nhận thẳng thắn chất lượng của các xe tuyến cố định đã đáp ứng được hay chưa?", bà Hiền nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam còn nêu một yếu tố khách quan khác. Đó là sau Covid-19, người dân đã thay đổi một số thói quen. Hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với mục đích đi lại.

"Vừa qua, ở một cuộc họp của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội vận tải hành khách, tôi đã nhìn thấy họ cùng ngồi lại để bàn cách để vào bến tốt nhất. Tôi hy vọng có sự phối hợp chặt giữa doanh nghiệp và bến xe, giúp chất lượng đảm bảo, kết nối tốt thì hành khách sẵn sàng vào bến", bà Hiền chia sẻ.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-hanh-khach-khong-man-ma-du-ben-xe-nang-cap-khang-trang-2274233.html