Vì sao giá dầu ăn tăng cao kỷ lục?

Sự thiếu hụt dầu hướng dương do xung đột ở Ukraine đã tạo ra hiệu ứng domino, khiến giá dầu ăn thế giới tăng cao kỷ lục.

“Cuộc xung đột đang làm cho mọi thứ trở nên điên rồ hơn", ông Luciano Chiumiento, Giám đốc thương mại của hãng sản xuất sốt pesto Italy CLAS SpA, cho biết. Công ty của ông là một trong những đơn vị tiêu thụ dầu hướng dương lớn trên thế giới, đang chịu ảnh hưởng từ giao tranh ở Ukraine.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Mintec, Ukraine đã xuất khẩu 5,27 triệu tấn dầu hướng dương trong giai đoạn 2020-2021, chiếm khoảng 47% tổng lượng xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của nước này đã phải tạm dừng khi xung đột nổ ra.

Sự thiếu hụt dầu hướng dương đã gây ra hiệu ứng domino, khiến giá dầu hạt cải, dầu cọ và dầu ô liu trên thế giới tăng cao kỷ lục.

 Một phụ nữ xem xét giá dầu hướng dương tại một siêu thị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Zuma Press.

Một phụ nữ xem xét giá dầu hướng dương tại một siêu thị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Zuma Press.

Không thể thay thế

Giá dầu hướng dương thế giới đã tăng 44% vào cuối tháng 3 so với một năm trước đó, trong khi dầu hạt cải đã tăng 72%, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintec.

Giá dầu đậu nành cũng tăng 41%, dầu cọ tăng 61% và dầu ô liu tăng hơn 15%. Mintec cho biết ngoài dầu ô liu, tất cả sản phẩm dầu ăn còn lại đều đạt mức giá cao kỷ lục trong tháng 3.

Trong nhiều thập kỷ, Ukraine là điểm đến của nhiều nhà kinh doanh nông sản lớn trên thế giới, bao gồm Cargill, Archer Daniels Midland và Bunge. Những công ty này đã đầu tư vào các cảng, cơ sở ngũ cốc và nhà máy chế biến ở khu vực biển Đen ít nhất từ đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, kể từ sau khi xung đột nổ ra, cả Bunge, ADM và Cargill đều đã đình chỉ các hoạt động tinh chế hướng dương ở Ukraine.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà sản xuất thực phẩm đã phải chuyển sang sử dụng dầu hạt cải - sản phẩm thay thế dễ dàng nhất cho dầu hướng dương, ông Gary Lewis, người đứng đầu công ty bán thành phẩm và nguyên liệu làm dầu ăn KTC Edibles Ltd có trụ sở tại Anh, cho biết. Điều này đẩy giá dầu hạt cải tăng vọt từ 40% đến 50%.

Nhưng loại dầu này cũng đang dần cạn kiệt, ông Lewis cho biết. Công ty của ông hiện không thể cung cấp dầu hướng dương hay dầu hạt cải vì thiếu nguồn cung.

“Thế giới đang nhận ra rằng không dễ dàng để thay thế một mặt hàng chính như dầu hướng dương bằng một sản phẩm khác”, ông nói.

 Hoa hướng dương trên núi Totokha ở miền Trung Ukraine. Ảnh: Zuma Press.

Hoa hướng dương trên núi Totokha ở miền Trung Ukraine. Ảnh: Zuma Press.

Dầu hướng dương là một loại dầu ăn phổ biến, cũng như thành phần quan trọng trong các sản phẩm như sốt mayonnaise và bơ thực vật, đặc biệt là ở châu Âu.

Việc thay thế bằng dầu cọ có thể gặp khó khăn vì nó có kết cấu đặc hơn, trong khi dầu đậu nành làm tăng nguy cơ dị ứng và lo ngại về các thực vật biến đổi gene, ông Albert McQuaid, Giám đốc khoa học và công nghệ của nhà sản xuất nguyên liệu Ailen Kerry Group PLC, cho biết

Dầu ô liu cũng không thể trở thành một mặt hàng thay thế thích hợp do có sự chênh lệch lớn về giá. Theo ông Walter Zanre, người đứng đầu thương hiệu dầu ô liu Italy Filippo Berio, giá dầu ô liu tinh luyện thường có xu hướng cao hơn khoảng 4 lần so với dầu hướng dương.

Ngoài giá nguyên liệu tăng, các công ty như CLAS cũng đang phải vật lộn với chi phí nhiên liệu và vận chuyển tăng cao, trong khi giá lọ thủy tinh - một sản phẩm thường được sản xuất ở Ukraine - đã tăng tới 45%, ông Chiumiento nói.

Kể từ khi giao tranh nổ ra ở Ukraine, CLAS đã tăng giá các loại sốt pesto 30-50% và sẽ cần phải tăng giá tới 60-70% nếu muốn giữ nguyên công thức sản phẩm, ông nói thêm.

Khó khăn chồng chất

Các cửa hàng tạp hóa ở một số nước châu Âu, bao gồm Bỉ và Tây Ban Nha, đã giới hạn số lượng dầu hướng dương mỗi khách hàng được mua. Trong khi đó, chuỗi siêu thị Iceland của Anh gần đây cho biết họ sẽ bổ sung dầu cọ để ứng phó với tình trạng thiếu dầu hướng dương.

Iceland đã đưa ra quyết định với "sự hối tiếc rất lớn", vì trước đó, công ty này đã cam kết sẽ loại bỏ dầu cọ khỏi các sản phẩm mang nhãn hiệu của mình, do lo ngại về nạn phá rừng.

“Nếu không muốn sử dụng dầu cọ trong hoàn cảnh hiện tại, giải pháp duy nhất là dọn sạch hàng loạt mặt hàng chủ lực (của công ty), bao gồm khoai tây chiên đông lạnh và các sản phẩm từ khoai tây khác”, Giám đốc điều hành Iceland Richard Walker, cho biết.

 Thu hoạch hướng dương ở Ukraine vào năm 2021. Ảnh: Shutterstock.

Thu hoạch hướng dương ở Ukraine vào năm 2021. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi đó, Nga - nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới - thông báo sẽ cấm xuất khẩu hạt hướng dương và hạt cải dầu từ tháng 4 đến cuối tháng 8 để bảo vệ nguồn cung trong nước khi giá tăng.

Trước tình hình này, những người nông dân Mỹ đang tìm cách tăng sản lượng hạt hướng dương lên 30-40% trong vụ gieo trồng sắp tới, để bù đắp thiếu hụt, ông John Sandbakken, người đứng đầu Hiệp hội Hoa hướng dương Quốc gia Mỹ, cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không kỳ vọng vào hiệu quả của giải pháp này. Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ sản lượng xuất khẩu và thường cung cấp dầu hướng dương cho các quốc gia như Mexico và Canada, vốn không phụ thuộc vào nguồn cung từ Ukraine.

Theo ông Zanre, một số quốc gia sản xuất dầu hướng dương khác đang từ chối bán hoặc thậm chí báo giá, với hy vọng giá có thể tăng hơn nữa. Nhưng ngay cả khi họ tiếp tục giao dịch, vẫn sẽ có khoảng trống trên thị trường.

“Đơn giản là phần còn lại của thế giới không thể (sản xuất) đủ dầu hướng dương để bù đắp sự thiếu hụt từ Ukraine”, ông nói.

Hải Linh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-dau-an-tang-cao-ky-luc-post1307918.html