Vì sao gắng sức lại dẫn đến ngừng tim?

Vận động trong các môn thể thao, thể dục, vận động thể lực phù hợp là tốt cho sức khỏe tim mạch và luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, vận động gắng sức có thể xuất hiện rối loạn nhịp tim, dễ gây ngừng tim.

Theo thống kê, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là bệnh nhân có bệnh lý tim mạch từ trước. Có thể người đó chưa phát hiện ra bệnh lý nhưng cũng có thể đã biết và cho rằng chỉ nhẹ thôi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu chơi môn thể thao đối kháng.

Các bác sĩ cho biết, khi làm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi thậm chí siêu âm tim đối với những người hoàn toàn khỏe mạnh thì không thể hiện bất thường về tim. Tuy kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức như hội chứng rối loạn nhịp tim hiếm gặp (Brugada), hội chứng tiền kích thích trong rối loạn nhịp tim (WPW), bệnh cơ tim phì đại... Những người bị hội chứng này có thể không hề có yếu tố khởi phát nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300 - 400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.

Ảnh minh họa.

Người bị hội chứng đó khi tập luyện quá sức có thể bị rối loạn nhịp tim, dễ dẫn đến đột tử, thậm chí nếu uống rượu cũng dễ bị đột tử do ngưng tim.

Vận động bao giờ cũng tốt hơn là chỉ ngồi 1 chỗ hay lối sống tĩnh tại. Với tim mạch, vận động bao giờ cũng được khuyến khích, bạn có thể lựa chọn các môn thể thao, vận động thể lực phù hợp. Người suy tim thì phải tập nhẹ hơn so với người không có bệnh về tim. Người trẻ thì khả năng vận động, bài tập cũng sẽ nặng hơn với người cao tuổi. Bên cạnh đó, bạn cần ý thức được rằng, vận động là tốt cho sức khỏe tim mạch nhưng cần phù hợp và nên kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu chơi môn thể thao đối kháng.

Các trường hợp có bệnh về tim mạch, kể cả những trường hợp suy tim nhẹ cũng được khuyến khích tập thể dục, vận động thể lực. Người bệnh tăng huyết áp là bệnh gây ra các biến chứng ở tim cũng được khuyên nên tập thể dục, vận động thể lực hàng ngày sẽ giúp làm giảm được số huyết áp. Duy trì được việc vận động phù hợp kết hợp dùng thuốc thì hiệu quả điều trị tăng huyết áp sẽ cao hơn.

Các môn tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ sẽ phù hợp với hầu hết mọi lứa tuổi, từ người trẻ đến người cao tuổi. Đối với những môn tập luyện đòi hỏi mất sức nhiều hơn như chạy, tenis, đá bóng… thì nên được kiểm tra sức khỏe để biết về tình trạng sức khỏe, bệnh tật. Trường hợp có bệnh lý cần có hướng dẫn về việc tập thể lực từ bác sĩ để phù hợp với sức khỏe, thể trạng.

Ảnh minh họa.

Mỗi người sẽ có khả năng tập thể lực khác nhau, do đó bạn cần phải lắng nghe cơ thể mình khi tập luyện. Việc tập luyện phù hợp sẽ giúp bạn có thể thấy thoải mái, học tập, lao động bình thường sau khi tập luyện. Tuy nhiên, nếu tập xong mà thấy mệt mỏi hoặc trong khi tập thấy khó thở, tức ngực, chóng mặt thì có thể đã tập hơi quá sức và cần được điều chỉnh, nghỉ ngơi.

Khi tập với cường độ nặng, bạn cần bù lại năng lượng đã tiêu hao bằng chế độ ăn uống phù hợp. Tập luyện sẽ khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, mất nước, mất điện giải, vì vậy cần bù đắp kịp thời với lượng dinh dưỡng phù hợp. Nếu tập lại ăn kiêng, nhịn ăn sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, gây thiếu máu, gây suy các cơ quan trong cơ , ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim.

Lan Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-gang-suc-lai-dan-den-ngung-tim-5654249.html