Vì sao doanh nghiệp không thích thưởng tiền cho nhân viên?

Theo các doanh nghiệp, việc thưởng bằng tiền có thể không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, để ghi nhận sự đóng góp, cải tiến của nhân viên, doanh nghiệp thường chọn các hình thức tán thưởng khác nhau.

Quản lý, điều hành đơn vị có được tính hệ thống, hoạt động trôi chảy và luôn được kiểm soát là mục tiêu của bất kỳ người người chủ doanh nghiệp nào. Một trong những “công cụ” hay được sử dụng là chính sách thưởng như một hình thức ghi nhận và tán dương người có thành tích xuất sắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thưởng bằng hình thức gì cũng là một vấn đề cần bàn luận.

Tại hội nghị Xây dựng doanh nghiệp xuất sắc bền vững do Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ tổ chức ngày 26-3, GS. TS. Gerhard Plenert cho biết tại Mỹ, các doanh nghiệp thường không thưởng bằng tiền. Thay vào đó, họ thưởng một buổi tiệc, buổi ăn cho cả nhóm, dù chỉ có một thành viên đưa ra ý kiến hay hoặc đôi khi là một ngày nghỉ dành cho những nhân viên có ý tưởng cải tiến tốt.

“Người lãnh đạo cần biết nhân viên muốn gì và thưởng đúng những gì họ muốn”, GS. TS. Gerhard Plenert nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Thanh Bằng, Phó Tổng giám đốc sản xuất NS BlueScope Việt Nam, cho biết công ty cũng không bao giờ thưởng tiền mặt cho nhân viên. Nguyên nhân là khi chi tiền, doanh nghiệp cần phải có hóa đơn cụ thể. Do đó, thay vì thưởng tiền, công ty chọn chuyển sang hình thức voucher mua hàng.

Các diễn giả chia sẻ tại hội nghị Xây dựng doanh nghiệp xuất sắc bền vững do Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ tổ chức ngày 26-3. Ảnh: Minh Anh

Tương tự, bà Phạm Thị Minh Huệ, Trưởng phòng Cải tiến và Tiêu chuẩn hóa Tập đoàn Golden Gate, nói rằng bên cạnh việc tặng voucher cho nhân viên dùng bữa tại các nhà hàng, có thể kết hợp tăng hạng thành viên, tính toán ưu tiên đối với những nhân viên có năng lực cải tiến.

Ông Lưu Nhật Huy, Giám đốc điều hành Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ IMT, cũng chia sẻ khi tặng tiền thưởng, đôi khi có tác dụng ngược khiến các ý tưởng cải tiến ngày càng giảm sút.

“Thưởng ít thì dễ dàng, đến khi số tiền thưởng tăng cao, người chủ doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc. Khi đó số lượng phần thưởng sẽ giảm dần khiến nhân viên nảy sinh sự chán nản với việc tìm ý tưởng mới”, ông Lưu Nhật Huy chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia cho biết thực tế các doanh nghiệp thường tìm đến những công cụ như KPI, OKR, ISO, ERP, MES, Lean… để quản lý hệ thống. Sau khi tự áp dụng hoặc thực hiện các dự án tư vấn, đa số các doanh nghiệp đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, sau đó điểm yếu từ việc áp dụng các công cụ dần hiện ra với những kết quả không mấy tích cực.

Có thể kể đến như việc áp dụng KPI lại tạo ra văn hóa đối phó hơn là hiệu suất thực; ISO tạo ra các quy trình đẹp nhưng người thực hiện mất đi sự quan tâm; các công cụ Lean không thắng được thói quen làm việc thuận tiện truyền thống; những hệ thống ERP/MES nhiều triệu đô la không sử dụng được do dữ liệu nhập vào sai lệch so với thực tế do nhân công e ngại số thực thấp sẽ khiến họ bị đánh giá thấp.

Từ những vấn đề cụ thể trong quá trình quản lý, GS. TS. Gerhard Plenert cho rằng hệ thống tốt là hệ thống giúp cho việc đúng dễ làm hơn việc sai. Theo đó, trong khi các mô hình vận hành xuất sắc khác tập trung vào chuỗi giá trị và các công cụ như Lean, TPM, mô hình Shingo tạo ra sự khác biệt vì chỉ ra được sự nối kết giữa khả năng làm ra kết quả cuối bằng cách tích hợp thống nhất công cụ, hệ thống và văn hóa.

Theo ông Gerhard Plenert, mô hình Shingo sẽ tập trung vào hành vi để dẫn đầu hiệu suất, định hình những hành vi cần giáo dục cho đội ngũ để mang lại kết quả cao; làm cơ sở để đánh giá tổ chức từ đó lập kế hoạch cải tiến liên tục và toàn diện. Cùng với đó, mô hình này sẽ giúp xây dựng một tổ chức học tập, thúc đẩy tính thông suốt trong suy nghĩ và hành động; sử dụng làm chuẩn mực cho sự xuất sắc ở cấp độ cao nhất; sử dụng để điều chỉnh tất cả các yếu tố của một tổ chức xoay quanh nguyên lý dẫn hướng và phương pháp chuyển đổi đã được chứng thực.

“Nguyên lý dẫn hướng tập trung vào 2 yếu tố thúc đẩy văn hóa là thật sự tôn trọng từng cá nhân và lãnh đạo bằng sự khiêm nhường. Cùng với việc cải tiến liên tục và đồng bộ hóa tổ chức, mô hình này là một hệ thống tư duy mới hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi văn hóa tổ chức, đạt được kết quả dựa trên hệ thống và nguyên lý về sự vận hành xuất sắc”, GS. TS. Gerhard Plenert nhấn mạnh.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-doanh-nghiep-khong-thich-thuong-tien-cho-nhan-vien/