Vì sao đấu thầu vàng chưa thu hút người mua?

Việc tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC hiện nay vẫn chưa thu hút các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nguyên nhân do giá đấu thầu còn cao, điều khoản hủy đặt cọc chưa phù hợp... Do vậy đòi hỏi có biện pháp điều chỉnh để đấu thầu vàng đem lại nguồn cung cần thiết cho thị trường, góp phần bình ổn giá vàng.

Mức giá đấu thầu chưa hợp lý

Thời gian qua, giá vàng trong nước có nhiều biến động, có thời điểm vàng trong nước cao hơn vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng, gây tâm lý bất ổn cho người dân. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ.

Trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. Bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo việc làm, sinh kế cho người lao động.

Hoạt động mua, bán vàng tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ảnh: THANH XUÂN

Thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, chiều 19-4-2024, NHNN Việt Nam đã thông báo rộng rãi việc đấu thầu bán vàng miếng trên trang thông tin điện tử của NHNN Việt Nam và thông báo trực tiếp đến 15 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện để tham gia đấu thầu vàng.

Kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23-4-2024: Có hai thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng vàng; giá trúng thầu cao nhất là 81.330.000 đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng. Tiếp đó, ngày 25-4-2024, NHNN Việt Nam dự kiến tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, NHNN Việt Nam đã phải hủy phiên đấu thầu vàng sáng 25-4 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Sau hoạt động đấu thầu, giá vàng miếng SJC trên thị trường vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chiều hôm qua (26-4), giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 85,2 triệu đồng/lượng, đạt mức cao nhất trong lịch sử. Câu hỏi đặt ra ở đây là mặc dù NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát nhưng vì sao giá vàng vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt? Phải chăng, các biện pháp thực hiện kiểm soát giá vàng chỉ mang tính hình thức?

Trao đổi với phóng viên, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, việc tiến hành đấu thầu vàng miếng là sự thay đổi tích cực về mặt chính sách. Từ đó góp phần làm cho thị trường vàng miếng trở nên minh bạch hơn, cung cấp đầy đủ thông tin đến người mua, bán vàng. Việc ít đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng có một phần nguyên nhân là do vàng thế giới hiện nay chưa ổn định.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vàng đánh giá: Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu theo quy định của NHNN Việt Nam là 1.400 lượng (xấp xỉ 112 tỷ đồng). Đây là con số rất lớn bởi không phải doanh nghiệp kinh doanh vàng nào cũng có sẵn lượng tiền mặt như vậy. Đa số vốn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng này đều nằm trên các sản phẩm vàng. Với yêu cầu như vậy của NHNN Việt Nam thì chỉ có các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh vàng mới dễ dàng tham gia được.

Thêm một yếu tố nữa là, giá khởi điểm đấu thầu vàng miếng SJC cao hơn giá thị trường nên khó thu hút người mua. Điều này vô tình làm cho giãn cách giá vàng trong nước với thế giới trở nên cao hơn. Trong khi mục đích của đấu thầu vàng miếng là để làm tăng nguồn cung, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Ngoài ra, sau khi trúng thầu với khối lượng vàng lớn như thế (tối thiểu 1.400 lượng) thì phải sau hai ngày, đơn vị trúng thầu mới được giao vàng. Dẫn tới doanh nghiệp phải chấp nhận mức độ rủi ro từ biến động giá vàng trên thế giới trong hai ngày đó trong bối cảnh sức mua của thị trường trong nước hiện nay không còn cao.

Trong khi đó, đơn vị trúng thầu phải thanh toán trong ngày khoảng 112 tỷ đồng cho việc trúng thầu vàng. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ vào vàng miếng mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để bảo đảm an toàn vốn, vì biến động của giá vàng thế giới rất phức tạp, khó lường, tính rủi ro cao khi đầu cơ.

Ngoài ra, trong thông báo đấu thầu vàng miếng có nói đến trường hợp NHNN Việt Nam không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN Việt Nam thì NHNN Việt Nam quyết định hủy kết quả thầu. Khi đó, đơn vị trúng thầu mà không có vàng từ đấu thầu sẽ bị lỗ nặng. Việc này tạo ra rủi ro rất lớn nên các doanh nghiệp kinh doanh vàng không hào hứng với việc đấu thầu vàng.

Đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cường ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho hay: “Tôi mong muốn giá vàng sớm bình ổn để người dân yên tâm về mặt tâm lý, không còn tình trạng đầu cơ, buôn lậu, tích trữ vàng. Ngoài ra cần tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả đối tượng tham gia vào thị trường vàng, bao gồm các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh vàng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng và người dân có nhu cầu mua vàng thực sự”.

Theo kiến nghị của các chuyên gia, để giảm chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới, NHNN Việt Nam có thể quy định con số cụ thể chênh lệch là 5 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC khi bán cho các doanh nghiệp. Sau đó quy định các doanh nghiệp chỉ được bán ra thị trường với mức chênh lệch thêm là 500.000 đồng/lượng. Làm được như thế thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp lại.

TS Tô Hoài Nam đề xuất, giá đấu thầu vàng cần phải bảo đảm tính minh bạch, công bằng cho mọi chủ thể tham gia thị trường và cần tuân thủ nguyên tắc thị trường. Nếu đưa ra được mức giá đấu thầu vàng phù hợp thì sau khoảng một tháng, thị trường sẽ tạo được sự cân bằng và hiệu ứng tốt để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.

Ngày 24-4, trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I-2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu NHNN Việt Nam thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng. Trước mắt phải bảo đảm cung cầu, giá hợp lý. Đồng thời phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vi-sao-dau-thau-vang-chua-thu-hut-nguoi-mua-774578