Vì sao cầu lông là môn thể thao đốt tiền không thua golf và tennis?

Độc giả đại chúng thường coi golf hay tennis như môn thể thao quý tộc, còn cầu lông thuộc nhóm 'bình dân', nhưng thực tế không phải như vậy. Đằng sau mỗi vận động viên (VĐV) cầu lông đẳng cấp thế giới là nỗ lực của cả một nền thể thao, cũng như nguồn lực tài chính không nhỏ của gia đình tay vợt đó.

Cuộc chơi thâm dụng vốn

Nếu nhìn vào danh sách 25 VĐV cầu lông hàng đầu thế giới ở mỗi nội dung, bạn sẽ nhận ra một điểm chung giữa họ. Đây đều là đại diện của những nước phát triển với trình độ rất cao (Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha) hoặc đến từ những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ), chí ít cũng là công dân của nước có thu nhập trung bình trên (Thái Lan, Indonesia, Malaysia).

Gia đình từng hỗ trợ Thùy Linh rất nhiều để theo đuổi cầu lông.

Châu Á là "tâm bão của cầu lông thế giới", nhưng chỉ những quốc gia mang tầm vóc nền kinh tế lớn mới theo đuổi được môn thể thao này. Nhưng đến những năm gần đây, khu vực Âu Mỹ đã dần thu hẹp khoảng cách. Chiến lược của họ bao gồm sử dụng các tay vợt gốc Á, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho VĐV cầu lông, vốn chưa phải môn thể thao quá phổ biến ở một số nước châu Âu.

Có một lý do giúp các nước phương Tây nhanh chóng có một số tay vợt vươn đến đẳng cấp thế giới: Cầu lông là môn thể thao đốt tiền, rất nhiều tiền. Sự khác biệt giữa chơi cầu lông phong trào và hướng đến sân chơi chuyên nghiệp là rất lớn. Trung bình, mỗi VĐV cầu lông trẻ cố gắng tiết kiệm cũng tiêu tốn không dưới 10-15 triệu mỗi tháng.

Những khoản tiền dành cho "dụng cụ học tập" chiếm phần lớn chi phí của những cô cậu bé nuôi ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Một cây vợt cầu lông dành cho dân chuyên có giá trung bình 2-5 triệu đồng, nhưng chỉ dùng được trong 5-6 tháng. Tuy nhiên, chẳng có VĐV nào chỉ sắm một cây vợt để tập luyện.

Thống kê trung bình cho thấy mỗi VĐV thường mang theo 3-5 cây cùng lúc để đề phòng rủi ro như dây đứt, vợt gãy. Chi phí căng dây vợt thấp hơn nhiều so với tiền mua vợt. Mỗi lần căng dây vợt tốn 150.000 - 200.000 đồng, nhưng cũng là một khoản tiền không nhỏ nếu VĐV phải căng vợt nhiều lần trong một tháng.

Để tiết kiệm tiền, cũng như kiếm thêm thu nhập để theo đuổi đam mê cùng cầu lông, nhiều tay vợt đã tự học căng dây. Khi đó họ chỉ tốn tiền mua dây cước, đồng thời lấy công làm lãi từ những lần căng vợt thuê. Tiền mua quả cầu cũng không ít, khi một hộp cầu lông 12 quả có giá 150.000 - 200.000 đồng nhưng chỉ dùng được 2 ngày.

Giầy chuyên dụng để chơi cầu lông cũng tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ. Một đôi giầy chơi cầu lông có giá dao động từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng. Các VĐV cũng thay giầy như "thay áo", bởi mỗi đôi chỉ dùng được trong 2 tuần sẽ phải thay mới. Ngoài ra, VĐV cũng phải thuê HLV dạy cho họ để phát triển đúng cách.

Những phép tính liên quan đến số tiền mua trang thiết bị, dụng cụ tập luyện trong môn cầu lông vô tình khiến câu chuyện về chế độ dinh dưỡng, ăn ngủ của VĐV trở thành "chuyện nhỏ". Bởi, trong cuộc chơi mạnh vì gạo, bạo vì tiền này, VĐV sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức ngay từ thuở ban đầu.

Với những tuyển thủ cầu lông Việt Nam, họ được giảm bớt một phần kinh phí khi Liên đoàn Cầu lông quốc gia có hợp đồng tài trợ với một hãng đồ thể thao lớn. Đơn vị này hỗ trợ trang thiết bị tập luyện cho đội tuyển. Ngoài ra, nếu VĐV du đấu quốc tế, họ cũng không mất tiền căng dây vợt bởi hãng này là đối tác chiến lược của Liên đoàn Cầu lông thế giới.

Du đấu là đốt tiền

Câu chuyện Tiến Minh tự bỏ tiền túi thi đấu quốc tế được nhắc đến từ 15 năm trước, nhưng anh không phải trường hợp cá biệt. Nhiều tay vợt hàng đầu thế giới không ngại chia sẻ câu chuyện của bản thân họ với tư cách VĐV độc lập. Zhang Bei Wen (Mỹ), Goh Jin Wei (Malaysia) là những người thường xuyên thi đấu một mình.

Trước Thùy Linh, Tiến Minh cũng phải bỏ tiền túi du đấu quốc tế.

Zhang và Goh cho biết, mỗi tuần du đấu quốc tế tiêu tốn khoảng 3.000-3.500 USD với tour châu Á, còn tour châu Âu là 5.000 USD. Nếu không thể lọt vào đến vòng tứ kết của một trong những giải họ tham dự, chuyến đi đó chắc chắn không có lãi. Vì thế, các tay vợt độc lập này thường ở chung với nhau, tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí.

Trong khoảng thời gian trung tuần tháng 10, bên cạnh Nguyễn Thùy Linh, cầu lông Việt Nam còn có 2 đại diện thi đấu quốc tế là Nguyễn Hải Đăng và Lê Đức Phát. Hải Đăng tham gia 2 giải International tại Australia, còn Đức Phát đến UAE dự giải Master Series. Một tuần du đấu tiêu tốn của họ không thấp hơn các VĐV hàng đầu nói trên.

Số tiền Hải Đăng nhận về từ ban tổ chức sau 2 giải đấu tương đương 3 triệu đồng. Đức Phát nhận được nhiều hơn, vì giải đấu của anh có cấp độ cao hơn. Nhưng việc lọt vào tứ kết Abu Dhabi Masters chỉ mang về cho Đức Phát khoản tiền thưởng 720 USD, tương đương 17,5 triệu đồng. Chừng đó tiền chưa thể giúp anh mua vé máy bay về nước.

1 năm trước khi đến châu Âu tham dự những giải đấu hàng đầu thế giới, Thùy Linh cũng trải qua quãng thời gian tích lũy điểm số như Hải Đăng và Đức Phát hiện nay. Chẳng ai rõ những VĐV này và đơn vị chủ quản đã phải chi ra bao nhiều tiền, nhưng có một điều chắc chắn: Đây là những chuyến đi không mang lại lợi nhuận bằng tiền.

Với sân chơi quốc tế, phần lớn các tay vợt phải dành 2-3 năm đầu sự nghiệp để tích lũy kinh nghiệm tại các giải nhỏ. Đó là lúc họ đến tranh tài tại những sân chơi có tiền thưởng "tí hon" trước khi vươn lên tốp đầu. Tuy nhiên, mỗi hạng mục trong môn cầu lông chỉ có khoảng 20 VĐV kiếm được tiền cân bằng chi phí du đấu.

Để so sánh giữa những tay vợt "hái ra tiền" và phần còn lại, ta có thể làm một phép so sánh nhỏ. Bảng xếp hạng cầu lông thế giới có khoảng 1.000 tay vợt ở mỗi nội dung, gấp 50 lần số người có thể kiếm được tiền từ nó. Nếu không có sự giúp đỡ từ đội tuyển, địa phương và các nhà tài trợ, VĐV sẽ buộc phải bỏ tiền túi ra.

Có và không

Tiến Minh đã chi rất nhiều tiền để du đấu quốc tế và đạt được thành công, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Trước cơn sốt mang tên Nguyễn Thùy Linh, cầu lông Việt Nam từng có một bộ đôi giàu triển vọng là Đỗ Tuấn Đức và Phạm Như Thảo. Họ từng đạt thành tích tốt tại một số giải quốc tế giống như Tiến Minh.

Huấn luyện viên Vilailak và học trò cưng Chochuwong.

Danh hiệu tiêu biểu nhất của Tuấn Đức và Như Thảo là chức vô địch Canada Open 2016, giải đấu có cấp độ tương đương Super 500 ngày nay. Điều đó giúp họ từng vươn lên hạng 33 thế giới. Để so sánh dễ dàng hơn, danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp của Thùy Linh là 2 chức vô địch Vietnam Open, giải đấu chỉ có cấp độ Super 100.

Bản thân Tuấn Đức và Như Thảo cũng là những tay vợt tâm đầu ý hợp. Từ những người đồng đội trên sân cầu lông, tình cảm giữa họ dần nảy sinh và quyết định "về chung một nhà". Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền cùng những chuyến du đấu tốn kém khiến cả hai sớm ngừng thi đấu quốc tế. Họ chính thức rời đội tuyển quốc gia ở tuổi 26.

Nhiều tay vợt Việt Nam khác, tiêu biểu là Vũ Thị Trang, cũng muốn thi đấu quốc tế nhiều hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đã bước qua tuổi ngoài 30, Vũ Thị Trang đã nhường lại phần kinh phí du đấu cho những đàn em như Hải Đăng và Anh Thư. Cô chấp nhận việc chỉ thi đấu một số giải trong khu vực Đông Nam Á với chi phí ăn ở, đi lại thấp.

Tiến Minh trước đây, và Thùy Linh bây giờ, đã chi rất nhiều tiền để làm bước đệm vươn đến sân chơi thế giới. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa những tay vợt khác chi ít hơn. Môn thể thao Olympic này đã trở thành một sân chơi khốc liệt, nơi VĐV hàng đầu hội tụ quá nhiều nhân tố nổi bật: Tài năng, sự chuyên cần, và cả tiềm lực tài chính vững mạnh.

Xã hội hóa để phát triển cầu lông

Đan Mạch ở châu Âu, và Nhật Bản ở châu Á là những ví dụ tiêu biểu nhất về mô hình phát triển cầu lông theo hướng xã hội hóa. Liên đoàn Cầu lông của hai quốc gia này có hệ thống các cơ sở, câu lạc bộ thành viên đến từng đơn vị hành chính tương đương cấp phường, xã ở Việt Nam. Các em nhỏ có thể đến đây học cầu lông với một khoản học phí tương đương tiền thuê sân cầu.

Trong trường hợp mới làm quen với cầu lông, các em có thể mượn miễn phí vợt cũ, giầy cũ từ câu lạc bộ để bắt đầu làm quen. Câu lạc bộ cũng có thể cử huấn luyện viên dạy miễn phí cho VĐV phong trào. Họ thường là chủ CLB, hoặc là những HLV được trả lương bởi Liên đoàn Cầu lông quốc gia và CLB chủ quản. Đây cũng là những tuyển trạch viên tuyến đầu giúp tìm ra những VĐV tài năng.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia sở hữu mô hình phát triển cầu lông xã hội hóa khá độc đáo. Tuyển thủ quốc gia của họ được mang theo HLV dạy mình từ khi còn là VĐV phong trào. HLV Thái Lan Vilailak, người chỉ đạo Thùy Linh ở giải Phần Lan Mở rộng, có 2 học trò trong top 15 thế giới là Chochuwong và Ongbamrungphan.

"Tôi và các học trò của mình không chỉ đại diện cho cầu lông Thái Lan ở đấu trường quốc tế. Chúng tôi còn mang hình ảnh quảng bá cho câu lạc bộ chủ quản. Chừng nào tôi và các học trò còn đạt thành tích tốt, câu lạc bộ cũng sẽ kinh doanh khấm khá hơn. Bên cạnh học phí từ học viên, tôi còn có nhà tài trợ rót vốn", ông Vilailak nói.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/vi-sao-cau-long-la-mon-the-thao-dot-tien-khong-thua-golf-va-tennis--i711576/