Vì sao Bộ GTVT muốn xây cầu Đại Ngãi hơn 8.000 tỷ bằng vốn trong nước?

Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng việc sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và triển kinh tế - xã hội để xây dựng cầu Đại Ngãi thay vì vay vốn ODA của Nhật Bản.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 8.000 tỷ đồng để xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Điểm đáng chú ý, tại đề xuất này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi, giao Bộ KH&ĐT thông báo cho phía Nhật Bản và chính thức đưa dự án vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Giao Bộ GTVT khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và cho phép Bộ GTVT sử dụng kết quả khảo sát, thu thập dữ liệu của tư vấn Nhật Bản trong quá trình thiết kế kỹ thuật dự án.

Đề xuất của Bộ GTVT được xây dựng trên cơ sở dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tại Quyết định số 1478 ngày 28/10/2019; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản tại Quyết định số 1741 ngày 19/10/2021.

Tuy nhiên, đến nay phía Nhật Bản chưa chính thức cam kết tài trợ vốn và hình thức vốn vay cho dự án. Theo kế hoạch dự kiến, nếu triển khai thuận lợi, đến tháng 4/2023, dự án mới có thể khởi công và hoàn thành sau 36 tháng.

Theo giải thích của Bộ GTVT, trường hợp sử dụng vốn trong nước từ nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và nguồn đầu tư công cộng với việc áp dụng cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, công tác chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây lắp sẽ được triển khai từ năm 2022-2023. Thời gian khởi công xây dựng từ khoảng tháng 3/2023 và hoàn thành vào năm 2026.

Mặt khác, phía Bộ GTVT nhìn nhận, việc sử dụng vốn trong nước cũng sẽ giúp chi phí thực hiện dự án được kiểm soát tốt hơn do tính chủ động về chủng loại nguyên vật liệu, thời gian thực hiện không phụ thuộc vào nhà tài trợ.

Các doanh nghiệp trong nước được tham gia đấu thầu tư vấn, xây lắp với tư cách là nhà thầu chính sẽ giúp nâng cao năng lực, có nhiều cơ hội việc làm hơn do nhà thầu tư vấn và xây lắp trong nước đã triển khai và từng bước làm chủ được công nghệ, quy trình thi công cầu dây văng lớn như cầu Rạch Miễu, cầu Bạch Đằng, cầu Mỹ Thuận 2.

Trong khi đó, nếu sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, thời gian chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây lắp dự kiến được thực hiện từ năm 2022-2025; khởi công xây dựng từ tháng 4/2025, đến tháng 4/2028 mới có thể hoàn thành trong trường hợp thủ tục thuận lợi.

Theo phê duyệt, dự án cầu Đại Ngãi do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có điểm đầu giao với quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Theo phê duyệt, dự án cầu Đại Ngãi do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có điểm đầu giao với quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-bo-gtvt-muon-xay-cau-dai-ngai-hon-8000-ty-bang-von-trong-nuoc-a543735.html