Vi phạm trật tự đô thị tại các dự án chậm bàn giao hạ tầng: Vì sao khó xử lý?

Hàng loạt khu đô thị, tuyến đường dù đã hoàn thành xây dựng nhưng chậm bàn giao hạ tầng về cho địa phương quản lý khiến công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều bất cập

Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, đợt ra quân… kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nhờ đó, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực được Nhân dân, dư luận ghi nhận và đánh giá cao.

Lực lượng chức năng phường Phú Đô kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị trên phố Hồng Đô.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số tuyến đường, khu vực như: đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa); phố Hồng Đô (quận Nam Từ Liên); khu đô thị thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm); Nguyễn Cảnh Dị kéo dài (quận Hoàng Mai); các tuyến đường xung quanh trường THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)… công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính đến từ việc chậm bàn giao hạ tầng của chủ đầu tư các dự án.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một số địa bàn cho hay, do chưa được bàn giao về địa phương quản lý nên công tác quản lý trật tự đô thị bao gồm việc kiểm tra, xử lý vi phạm, tổ chức giao thông… gặp rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo công an một phường trên địa bàn thành phố cho hay, do chưa được bàn giao, chưa có tên đường cụ thể nên việc kiểm tra xử lý vi phạm chủ yếu dừng lại ở mức nhắc nhở… nên không tạo được sức răn đe, tiềm ẩn nguy cơ tái vi phạm.

Không chỉ gặp khó trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, việc các dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng nhưng chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý khiến việc đảm bảo trật tự đô thị, duy tu, phát triển hạ tầng đô thị gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ điển hình là các tuyến đường xung quanh trường THCS Trần Duy Hưng (thuộc dự án Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng). Tại đây, mặc dù các tuyến đường quanh trường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng do chưa được bàn giao về địa phương quản lý nên dù rất muốn nhưng quận Cầu Giấy cũng không thể tiển hành cải tạo, sửa chữa.

Cần sớm bàn giao về cho địa phương quản lý

Liên quan đến thực trạng trên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa cho biết, dự án đường nối từ ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh đến Trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được bàn giao cho địa phương quản lý, chưa được đánh số nhà nên công tác kiểm tra xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Việc chậm bàn giao hạ tầng, đặt tên đường khiến công tác quản lý trật tự đô thị gặp rất nhiều khó khăn.

“Theo quy định, khi tiến hành lập biển bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT, các cơ quan chức năng phải ghi rõ địa chỉ. Do đó, việc không có tên đường, không có địa chỉ cụ thể khiến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn” - đại diện Công an phường Láng Thượng cho hay.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Lê Văn Chư chia sẻ, mặc dù phố Hồng Đô đã đi vào sử dụng nhưng đến nay, tuyến đường này vẫn chưa được bàn giao về UBND phường quản lý. Do vậy, các lực lượng chức năng cũng không thể tổ chức cắm biển báo, biển chỉ dẫn… khiến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là tình trạng dừng đỗ phường tiện sai quy định gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế trên, lãnh đạo các quận huyện đã đề nghị chủ đầu tư những dự án sớm bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý, xây dựng phương án tổ chức giao thông, kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu về dài, thành phố cần có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm các trường hợp đã hoàn thành xây dựng nhưng chậm bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-kho-xu-ly.html