Vì mục tiêu nâng cao năng suất lao động

Các cấp Công đoàn Thủ đô đang chú trọng triển khai nhiều phong trào thi đua và thu hút sự tham gia của đông đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) cũng như sự đồng tình, ủng hộ từ phía doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp. Trọng tâm là phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu 'Công nhân giỏi Thủ đô', 'Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô', 'Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi'… với mục tiêu: 'Năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động'.

Trong đó, phong trào thi đua “Lao động giỏi” phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng, duy trì và phát triển suốt nhiều năm qua, đến nay đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa.

Qua phong trào thi đua đã góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ, tâm huyết của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm từ nghề nghiệp, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm vật tư, nguyên nhiên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động.

Công nhân lao động tham gia Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mai Quý

Công nhân lao động tham gia Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2023. Ảnh: Mai Quý

Nhiều tấm gương “Công nhân giỏi” hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi được tôn vinh xứng đáng. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2023, đã có 154.234 lượt công nhân lao động được tuyên dương “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; có 8.881 lượt công nhân lao động được tuyên dương “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 595 lượt công nhân lao động được tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Thông qua hình thức tôn vinh, tuyên dương “Công nhân giỏi” có thành tích xuất sắc ở các cấp Công đoàn đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Sức sáng tạo của công nhân ngày càng phát huy và được cộng đồng các doanh nghiệp biểu dương, ghi nhận.

Cùng với phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do tổ chức Công đoàn Thủ đô phát động đã và đang thu hút đông đảo CNVCLĐ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tham gia hưởng ứng bằng những sáng kiến có giá trị làm lợi lớn. Phong trào này ngày càng có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước; góp phần quan trọng giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ nguồn động lực là phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do các cấp Công đoàn phát động, nhiều công nhân lao động đã có những sáng kiến, sáng tạo đem lại giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp.

Tiêu biểu như công nhân Nguyễn Thế Tiến - Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, hơn 10 năm gắn bó với Công ty, chứng kiến sự phát triển cũng như hiệu quả thiết thực của phong trào sáng kiến, sáng tạo được triển khai tại Công ty, bản thân anh Tiến luôn tự ý thức phải nỗ lực trong công việc, chủ động tìm tòi, học hỏi để đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi lớn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo sự phát triển của Công ty.

Mỗi năm, anh Tiến đều tự đặt mục tiêu đóng góp cho Công ty sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi khoảng 300 triệu đồng và có ít nhất 5 đề tài cải tiến lớn để tăng năng suất lao động. Từ mục tiêu đó, anh Tiến đã có nhiều sáng kiến cải tiến, nổi bật là sáng kiến “Cắt giảm hóa chất Methanol sử dụng cho các trạm xử lý nước thải”, đã được Hội đồng sáng kiến của Công ty thông qua và cho ứng dụng đại trà trên 7 hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Sáng kiến được áp dụng đã làm lợi cho Công ty gần 800 triệu đồng, giảm chi phí về hóa chất, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải, giảm sử dụng hóa chất độc hại trong Công ty, nâng cao chất lượng môi trường lao động, làm việc cho nhân viên vận hành xử lý rác thải.

Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với điểm nhấn là tổ chức Hội thi thợ giỏi của các cấp Công đoàn đã tạo cơ hội để đông đảo công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Thủ đô và quốc gia trong quá trình hội nhập.

Năm 2023 là lần thứ ba Ủy ban nhân dân và LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội. Hội thi thu hút sự tham gia của 363 thí sinh đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó thí sinh thuộc các doanh nghiệp FDI chiếm 45%. Các thí sinh tham gia 2 phần thi lý thuyết và thực hành với 11 nghề thi.

Để đánh giá chính xác, khách quan kết quả Hội thi, Ban Tổ chức Hội thi đã thành lập Hội đồng giám khảo là các giảng viên có kinh nghiệm của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và một số chuyên gia tham gia. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã cấp Giấy chứng nhận và tiền thưởng cho 111 thí sinh đạt giải.

Thông qua Hội thi thợ giỏi là dịp để công nhân lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, lập các kỷ lục mới về năng suất lao động, tiến độ, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động của đơn vị, doanh nghiệp.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-muc-tieu-nang-cao-nang-suat-lao-dong-162386.html