Vì một Việt Nam khỏe mạnh và an toàn: Giảm tiêu thụ đồ uống có đường

Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng.

PGS.TS Trương Tuyết Mai tại hội thảo ngày 5/4. Ảnh: Đình Tuệ

Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng. Tất cả các loại nước ngọt thử nghiệm đều gây ăn mòn men răng.

Nguy cơ về sức khỏe

Tại Hội thảo về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng, diễn ra hôm 5/4 vừa qua, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, để đạt được Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Chúng cũng góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Đó là những vấn đề sức khỏe quan trọng, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tình trạng khác, bao gồm ung thư.

“WHO khuyến cáo, việc tiêu thụ cái mà chúng ta gọi là “đường tự do” – có thể coi là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống - nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, nhưng lý tưởng là dưới 5%. Đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình. Để đặt điều đó vào bối cảnh, 1 lon Coca Cola thông thường sẽ chứa khoảng 36 gram đường”, TS Pratt nêu.

Đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do. Chúng có thể là nước ngọt có ga hoặc không, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Theo TS Pratt, tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 - 19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.

Bà Angela Pratt dẫn chứng, trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Tín hiệu giá - chi phí cao hơn – rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

“Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối. Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai”, TS Pratt cho biết.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: Ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Không phanh sẽ… trượt dài

Ngày 19/5/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1294/QĐ-BYT 2022, Kế hoạch hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng. Đồng thời, xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật bữa ăn học đường, các quy định về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực trong trường học, quy định về hoạt động của căng-tin trong trường học. Qua đó, bảo đảm cung cấp thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe của học sinh, sinh viên.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh, bệnh béo phì ở trẻ em hiện là một vấn đề toàn cầu, cần hành động khẩn cấp. Thống kê từ Bộ Y tế trong năm 2015 cho thấy, có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự báo tăng lên gấp đôi (6,1 triệu người) vào năm 2040 .

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, sử dụng đồ uống có đường không hợp lý được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Do đó, việc tăng hoặc giảm tiêu thụ đường tự do (bất kể lượng đường là bao nhiêu) liên quan thuận chiều với thay đổi cân nặng. Đồ uống có đường làm tăng phản ứng kích hoạt của não với các tín hiệu về sự ngon miệng, kích thích ăn.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, sâu răng cũng như các bệnh về răng miệng. Tất cả các loại nước ngọt thử nghiệm đều gây ăn mòn men răng. Nước ngọt có hàm lượng canxi cao có tiềm năng ăn mòn thấp hơn.

Giá trị pH thấp và hàm lượng citrate cao có thể gây ra sự mất men bề mặt nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, mật độ xương ở cổ xương đùi thấp hơn 3,7% ở nhóm phụ nữ cao tuổi thường xuyên sử dụng Coca Cola so với nhóm không sử dụng.

PGS Mai khuyến nghị, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 gam mỗi ngày, đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần.

Trong khi đó, WHO khuyến cáo, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe.

Con số này tương đương dưới 25 - 50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 g đường mỗi ngày với trẻ em. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, để hạn chế đồ uống có đường, cần sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan...), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô…

Đồng thời, hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.

Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường. Chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-mot-viet-nam-khoe-manh-va-an-toan-giam-tieu-thu-do-uong-co-duong-post678630.html