Vì một tết cổ truyền an vui

Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là khoảng thời gian các đối tượng phạm pháp tăng cường hoạt động. Trong đó đáng lo ngại là tình trạng chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ trái phép. Các lực lượng chức năng phải căng mình phòng chống, truy quét, bắt giữ, xử lý nhằm ổn định an ninh trật tự, thị trường để nhân dân đón tết an vui, lành mạnh, tiết kiệm.

Theo số liệu của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000kg pháo. Các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua cũng liên tục đưa tin về các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, chủ yếu ở khu vực giáp biên. Xin điểm qua một số thông tin trên báo Bình Phước online để thấy tình hình mua bán, vận chuyển, chế tạo, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép trên địa bàn đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng. Ngày 6-1, Công an thị xã Phước Long bắt giữ đối tượng Trần Văn Hạ (SN 1995), thường trú thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng về hành vi vận chuyển hàng cấm, thu giữ 30kg pháo nổ. Cũng trong ngày 6-1, Công an xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã hoàn tất hồ sơ bàn giao 2 đối tượng cùng tang vật cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Gia Mập để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi chế tạo, tàng trữ trái phép vật liệu nổ (dạng pháo nổ) vừa được phát hiện tại thôn 2, xã Phú Văn. Trước đó, Công an phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết, đang củng cố hồ sơ để xử lý 2 đối tượng có hành vi đốt pháo nổ trái phép trên địa bàn…

Trung bình mỗi năm có hàng ngàn người chết và bị tàn phế, thương tật suốt đời do pháo và thuốc pháo gây ra. Đơn cử như, vụ nổ do mua vật liệu tự chế pháo xảy ra ngày 7-12-2023 tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình khiến 2 phụ nữ tử vong và 1 trẻ em bị thương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Linh (SN 1996), trú thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn để điều tra, làm rõ.

Xét ở góc độ kinh tế, việc đốt pháo vào dịp tết đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều người vẫn thích chơi trội, “con gà tức nhau tiếng gáy” nên sẵn sàng bỏ tiền mua tiếng pháo trong chốc lát. Dù rằng đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Trong khi đó, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, nhiều vùng khó khăn rất cần sự quan tâm đầu tư để phát triển. Chúng ta vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới cần sự chia sẻ, động viên về vật chất, tinh thần mỗi dịp tết đến, xuân về nhằm thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Để nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, đòi hỏi sự vào cuộc một cách sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Trong đó phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông… Chú trọng tuyên truyền đến đối tượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên. Lực lượng chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi nghiên cứu, chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ trái phép vì một tết cổ truyền an vui, tiết kiệm.

Chính Trực

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/153315/vi-mot-tet-co-truyen-an-vui