Vi mạch bán dẫn, cơ hội và thách thức: Đào tạo nhân lực đón 'đại bàng'

So với thế giới, Việt Nam bắt nhịp vào thị trường vi mạch – bán dẫn muộn nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Vấn đề là nếu không nắm bắt được thời điểm này, rất có thể Việt Nam sẽ không có cơ hội lần nữa.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong các phòng lab học tập, nghiên cứu liên quan đến vi mạch bán dẫn. Ảnh: Kim Chi

Nan đề

Trải qua công việc ở 3 công ty liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc), quản trị viên của cộng đồng vi mạch Việt Nam nhìn nhận, đội ngũ kĩ sư Việt Nam rất giỏi “giải toán” nhưng không có người biết “ra đề”. Vì vậy, với khoảng 5.000 kĩ sư hiện có Việt Nam chưa được tính 50% của chuỗi giá trị trong ngành vi mạch bán dẫn. Nghĩa là kĩ sư Việt Nam không có tính sở hữu thiết kế mà chỉ làm thuê. “Tôi giả sử Việt Nam có thiết kế, sản xuất chip thì hiện tại chưa biết bán cho ai. Đầu ra của con chip là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam chưa có nền công nghiệp này. Nhiều người nói, có thiết kế, sản xuất được chip nhưng cũng còn lâu mới bán được. 20 năm rồi, chúng tôi vẫn đau đáu chuyện khởi nghiệp ngành này như thế nào”, ông Yên chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Yên

Tuy vậy, ông cảm thấy hào hứng khi Chính phủ đưa ra con số cần 50 nghìn kĩ sư cho ngành chip vi mạch bán dẫn vào năm 2030. Đầu tư cho ngành công nghệ cao này đắt đỏ nên cách hợp lí là tạo ra nhân lực. Vì chi phí đào tạo con người rẻ hơn chi phí đầu tư một nhà máy sản xuất chip hay vi mạch. “Chính phủ lựa chọn hướng đào tạo ra con người trước rất thuận lợi. Có người sẽ lo lắng đầu ra cho nguồn nhân lực này như thế nào. Thực tế, thế giới rất thiếu nhân lực”, ông Yên nêu quan điểm và khẳng định nhà nước không nên đầu tư từ đầu đến cuối, vừa đào tạo nhân lực, vừa đầu tư trang thiết bị, phòng lab. Ông Yên đề xuất thay vì đầu tư cơ sở vật chất thì cấp học bổng cho sinh viên ra nước ngoài học để giải quyết những phần còn thiếu của nhân lực được đào tạo trong nước hiện nay là tính sở hữu, nhạy cảm với thị trường. Ông cũng mong muốn Bộ KHCN thay đổi chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó ưu tiên đầu tư cho các công ty nhỏ. Cùng với đó là những doanh nghiệp được hưởng chính sách còn phải kèm theo điều kiện là tăng tuyển dụng số lượng kĩ sư Việt Nam để giúp chuyển giao công nghệ.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, qua chuyến công tác tại Đài Loan (Trung Quốc), có thể thấy Việt Nam không sản xuất được vi mạch và tinh chế được bán dẫn trong thời gian tới. Vì vậy nên tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành này để “đại bàng” (tức các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới) “bay” vào.

TS Lê Trường Tùng

Đi nhanh, số lượng lớn kèm chất lượng

Tháng 1, TS. Lê Trường Tùng Chủ tịch hội đồng trường cùng các thành viên của Trường ĐH FPT nhận chuyển giao chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn của Học viện Jetking tại Ấn Độ. Trước đó, ĐH FPT đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đối tác ở các nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo nhân lực ngành công nghệ cao này. Lãnh đạo nhà trường nhận thấy bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội để có vị trí trong nền sản xuất chíp vi mạch bán dẫn toàn cầu. Sau khi tìm hiểu, ông Tùng khẳng định, thị trường Mỹ cần nhân lực trình độ cao để đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu nên chủ yếu đào tạo sau ĐH. Ở tầm cao này, Việt Nam chỉ tham khảo, coi đó là một định hướng trong tương lai. Việt Nam nên là nơi đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Ông Tùng nhấn mạnh đến cụm từ “ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, với ý nghĩa hướng đến nguồn nhân lực số lượng lớn, không phải nguồn nhân lực “tinh”. Đây cũng là chìa khóa định hướng của FPT cho vấn đề đào tạo nhân lực chip vi mạch bán dẫn. “Tham vọng của FPT còn nhiều hơn, là làm thế nào có số lượng đủ đông, chất lượng đủ tốt để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp này ở nước ngoài. Ví dụ thị trường các nhà máy ở Đài Loan, Hàn Quốc, những nơi cần quy mô nhân lực lớn nhưng lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đây là cách tư duy định hướng của FPT”, ông Tùng nói. Vì vậy cần mô hình đào tạo nhiều, nhanh, có chất lượng.

Hiện Trường ĐH FPT đang tìm các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động ngành vi mạch bán dẫn để “đặt cọc” đầu ra cho sinh viên. Trường đặt mục tiêu đẩy được 1.000 nhân lực được đào tạo tham gia vào ngành công nghiệp này trong thời gian tới.

Trường ĐH FPT nhận định cơ hội để Việt Nam tham gia cuộc chơi này chỉ trong khoảng 2-3 năm, sau đó tình hình thế giới sẽ có những thay đổi nhất định. Làm thế nào để có thể đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn đáp ứng cùng lúc 3 yêu cầu: số lượng lớn, nhanh, chất lượng là bài toán khó? Nếu đào tạo ĐH từ năm nay, mỗi trường một ít cũng sẽ ra được con số lớn nhưng 4 -5 năm sau, năm 2028 - 2029 mới có sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, rất có thể lúc đó cơ hội đã khác. Theo đánh giá của ông Tùng, để có nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn tại Việt Nam cần nhiều thời gian. Nhà trường đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này để nắm bắt nhu cầu nhân lực. Từ những lí do đó Trường ĐH FPT đã tiếp cận chương trình đào tạo của Ấn Độ, vì họ cũng mong muốn trở thành trung tâm lớn về tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, giống như trước đây tiếp cận ngành công nghệ phần mềm.

Ông Tùng cho rằng, Việt Nam nên là nơi đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hướng đến nguồn nhân lực số lượng lớn, không phải nguồn nhân lực “tinh”. Tham vọng của FPT còn nhiều hơn, là làm thế nào có số lượng đủ đông, chất lượng đủ tốt để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp này ở nước ngoài.

Ông Tùng thông tin đầu những năm 2000, Việt Nam có 6 trường đào tạo ngành Công nghệ thông tin, nhưng chưa hoàn toàn định hướng cho ngành công nghệ phần mềm. FPT đã nhận chuyển giao công nghệ phần mềm Aptech của Ấn Độ về Việt Nam và đào tạo trong thời gian ngắn là có nhân lực phù hợp với ngành công nghiệp phần mềm, đón đầu thị trường phát triển sau này và đã thành công. Chương trình vi mạch bán dẫn dự kiến của Trường ĐH FPT đào tạo trong 2 năm, chủ yếu đào tạo về thiết kế và kiểm thử. Tuy vậy, rất có thể người học vẫn phải học thêm ở nước ngoài rồi mới làm việc. “Lực lượng này sẽ quay về và là chủ chốt khi doanh nghiệp FDI mở nhà máy ở Việt Nam”, ông Tùng hi vọng.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-mach-ban-dan-co-hoi-va-thach-thuc-dao-tao-nhan-luc-don-dai-bang-post1632046.tpo