Vì lợi ích chung

Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đóng góp công sức, trí tuệ, vì lợi ích chung, người dân còn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, tự nguyện hiến đất xây dựng các thiết chế văn hóa, mở rộng đường giao thông...

Ông Nguyễn Thế Khanh (đứng giữa) trưởng thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Ảnh: Dương Hà

Ông Nguyễn Thế Khanh (đứng giữa) trưởng thôn Chiến Thắng, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Ảnh: Dương Hà

Với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh, mô hình xây dựng LVHKM là chủ trương lớn, mang tính đột phá nhằm mở rộng các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, cải thiện thu nhập, giúp người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và chính họ là chủ thể thụ hưởng những thành quả của sự phát triển.

Tại 30 thôn, tổ dân phố được chọn thí điểm xây dựng LVHKM, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, góp công, góp sức xây dựng thành công đề án. Một trong những việc làm có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa sâu rộng là nhiều người dân tự nguyện hiến đất xây dựng các thiết chế văn hóa, mở rộng đường giao thông...

Ngay sau khi được chọn thí điểm xây dựng LVHKM của tỉnh, cấp ủy, chính quyền thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia xây dựng các hạng mục trong đề án.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Lục Liễu Lý Văn Tám cho biết: "Sau khi được tuyên truyền về đề án xây dựng LVHKM, phần lớn bà con trong thôn đều vui mừng, phấn khởi trước chủ trương của tỉnh, từ đó, tích cực ủng hộ tinh thần, vật chất, hiến kế xây dựng LVHKM của thôn.

Ngay tại buổi họp đầu tiên, các hộ dân trong thôn đã quyên góp, ủng hộ được hơn 20 triệu đồng để xây dựng các công trình công cộng của LVHKM. Nhiều phong trào thi đua được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đã đạt được kết quả hơn mong đợi".

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn của địa phương, bởi để mở rộng diện tích nhà văn hóa và có quỹ đất xây dựng các công trình công cộng của LVHKM, số diện tích cần thu hồi giải phóng mặt bằng là hơn 8.000 m2, liên quan đến 25 hộ dân.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhiều cuộc họp dân đã được thôn tổ chức để người dân được tham gia ý kiến, bàn bạc. Qua đó, các hộ có diện tích đất cần thu hồi đều đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Không ít hộ đã tự nguyện hiến đất, không nhận tiền bồi thường. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Đình Giản, đảng viên hưu trí, tự nguyện hiến hơn 30 m2 đất để mở rộng nhà văn hóa. Cùng với ông Giản, đến nay, nhiều đảng viên trong thôn đã tự nguyện hiến đất để xây dựng LVHKM của thôn.

Thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô là 1 trong 3 thôn của huyện được lựa chọn xây dựng thí điểm LVHKM. Nhận thấy đây là vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ không ít khó khăn bởi diện tích nhà văn hóa thôn trước đây chỉ rộng hơn 1.500 m2, diện tích cần mở rộng hơn 4.400 m2, liên quan đến hơn 20 hộ dân.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cấp ủy, chính quyền thôn đã họp bàn, xây dựng nghị quyết, kế hoạch triển khai xây dựng LVHKM, tổ chức nhiều cuộc họp dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, trách nhiệm của mình trong xây dựng LVHKM. Khi tư tưởng đã thông, 100% hộ dân đồng tình, nhất trí với chủ trương xây dựng LVHKM của tỉnh.

Nhưng với diện tích đất cần thu hồi giải phóng mặt bằng lớn, trong khi nguồn kinh phí có hạn, các đồng chí trong chi ủy đã phát động phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất. Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đồng chí Đỗ Duy Mộc, Bí thư chi bộ là người tiên phong tự nguyện hiến gần 300 m2 đất nông nghiệp của gia đình để mở rộng nhà văn hóa thôn.

Tiếp nối phong trào hiến đất, ông Nguyễn Tiến Hải, là một trong những hộ có diện tích đất thu hồi hơn 400 m2, tuy hoàn cảnh gia đình chưa dư giả, nhưng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, ông Hải đã bàn bạc với gia đình hiến toàn bộ số diện tích đất ruộng nằm trong quy hoạch xây dựng LVHKM của thôn.

Ông Hải cho biết: "Xây dựng LVHKM là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của tỉnh, mà mục đích cuối cùng là người dân chúng tôi được thụ hưởng, bởi vậy, việc hiến đất, góp công sức xây dựng quê hương là nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như vinh dự của mỗi người dân chúng tôi".

Cùng với ông Mộc, ông Hải, nhiều hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất, hy sinh lợi ích của mình, vì lợi ích chung của thôn.

Điều đáng nói là, hơn 200 hộ dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp 3 triệu đồng/hộ để hỗ trợ một phần nhỏ cho các hộ dân có diện tích đất cần thu hồi lớn, có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Điều này không phải địa phương nào cũng làm được. Nhờ sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đến nay, hơn 20 hộ dân trong thôn đã bàn giao gần 100% diện tích đất cho nhà thầu thi công.

Mô hình LVHKM là chủ trương sáng tạo và đầy nhân văn của tỉnh. Đây là mô hình mới, chưa từng có trong tiền lệ, bởi vậy, quá trình xây dựng còn không ít khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, khi có sự đồng tình, ủng hộ của người dân, sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị thì nhất định sẽ thành công.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94961//vi-loi-ich-chung