Vì đâu nhiều tuyến đường huyết mạch Thủ đô phải 'gánh vác' lưu lượng quá tải?

Hằng ngày, một số cầu, nút giao, tuyến đường quan trọng của Thủ đô thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn ứ phương tiện đi lại. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc giải quyết, song, điểm này được khơi thông thì lại đến điểm khác ùn tắc.

Thống kê từ tình hình thực tế cho thấy hiện hạ tầng giao thông Hà Nội đang bị quá tải gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu, điều này khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực vẫn còn phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và những tháng cuối năm.

Lưu lượng thực tế vượt quá lưu lượng thiết kế

Theo dữ liệu quan trắc của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mật độ giao thông tại nhiều tuyến đường trọng điểm của thành phố đang vượt tới 8 lần so với thiết kế.

Cụ thể, vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì có lưu lượng giao thông vượt 8 lần thiết kế; phương tiện qua cầu Chương Dương vượt 8 lần; đường Lê Văn Lương - Tố Hữu vượt từ 1,1 đến 1,7 lần...

Đáng chú ý, tuyến đường Nguyễn Trãi với độ dài khoảng 3,4 km (điểm đầu tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm cuối nối với đường Trần Phú, Hà Đông) hiện có mật độ vượt 3,3 - 5,6 lần vào giờ cao điểm. Đây là tuyến đường huyết mạch phía tây nam Thủ đô, kết nối với quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, nhưng hiện có một số điểm quây tôn để thi công dự án nhà máy nước thải Yên Xá khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp, giao thông trở nên ùn tắc.

Tuyến đường Nguyễn Trãi là một trong những điểm nghẽn "quen thuộc" về việc vượt quá lưu lượng tối đa trên thiết kế.

Tuyến đường Nguyễn Trãi là một trong những điểm nghẽn "quen thuộc" về việc vượt quá lưu lượng tối đa trên thiết kế.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, số điểm ùn tắc của Hà Nội năm 2023 đã giảm 4 điểm, từ 37 xuống còn 33. Theo đó, Sở đã xử lý được 15 điểm ùn tắc trong năm nhưng lại phát sinh thêm 11 điểm mới. Đặc biệt vào những ngày mưa, thời tiết diễn biến xấu, số điểm ùn tắc trên địa bàn Hà Nội không chỉ dừng lại ở 33 mà còn có thể nhiều hơn.

Thực chất, điều này xuất phát từ việc số xe cá nhân tăng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chậm, nguồn lực hạn chế, quá tải lưu lượng phương tiện lên hạ tầng. Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông người dân chưa cao, bởi tình trạng “đi điền vào chỗ trống” vẫn còn tồn tại.

Đối diện với sức ép về mật độ giao thông thành phố, các điểm đen, điểm nghẽn vẫn có tín hiệu ngày một gia tăng. Kéo theo đó là nhiều tác động tiêu cực liên quan đến hạ tầng giao thông nói riêng và bộ mặt đô thị nói chung.

Dốc sức điều chỉnh trước thềm Tết Nguyên đán

Làm rõ bức tranh toàn cảnh về giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết dân số của Hà Nội là gần 10 triệu người. Bên cạnh đó, Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, bao gồm: 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn.

“Có thể thấy số lượng phương tiện và mật độ người sinh sống, làm việc tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội là rất lớn đè lên hạ tầng, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục”, ông Bảo nói.

Thêm nữa, tỷ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt 12-13% trong khi đó theo quy hoạch ít nhất phải đạt 20-26%; giao thông tĩnh chưa đạt 1% so với quy hoạch là phải đạt 3-4%. Rõ ràng, để hạn chế phương tiện cá nhân thì vận tải khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình giao thông có thể diễn biến khó lường vì ngoài người dân Thủ đô, người dân các tỉnh lân cận cũng sẽ đổ về Hà Nội. Do đó, hiện tại cũng là thời điểm cần dốc sức xử lý, điều chỉnh mật độ người lưu thông trên các tuyến đường, nút giao trọng điểm.

Theo đó, mới đây, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch và Thành phố đang kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp cơ bản và lâu dài.

Đó là tăng cường vận tải hành khách công cộng giảm thiểu phương tiện cá nhân; tăng cường công tác giao thông khoa học hợp lý để phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin hạ tầng giao thông cho linh hoạt; tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành giao thông cho người dân và song song đó là tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tạo thói quen đi lại cho người dân.

Còn về nhiệm vụ trước mắt, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp với Công an Thành phố phối hợp với 4 tổ công tác rà soát toàn bộ tình trạng giao thông Thành phố vào thứ 5 hằng tuần, bất kỳ có sự cố nào được phản ánh đều xử lý ngay.

Các đơn vị liên ngành đã báo cáo UBND Thành phố hiện nay còn 324 điểm cần bố trí lực lượng hướng dẫn điều hành giao thông để giảm thiểu ùn tắc từ nay đến Tết. Sở cũng đã báo cáo UBND Thành phố trình ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng: Thanh tra giao thông, Công an thành phố, lực lượng các quận, huyện, thị xã,… phối hợp thực hiện.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải cũng đang tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm mô phỏng để tổ chức lại giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.

Bùi Ly

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/vi-dau-nhieu-tuyen-duong-huyet-mach-thu-do-phai-ganh-vac-luu-luong-qua-tai-1097970.html