Venezuela gặp khó trong việc kiểm soát sự cố dầu khí

Theo Reuter, công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã thất bại trong việc khắc phục sự cố tràn dầu và thu hồi khí đồng hành.

Theo các nhà phân tích trong ngành và các nhà môi trường, PDVSA đã thất bại trên mặt trận môi trường do thiếu nhân sự và đầu tư, bắt nguồn từ tình trạng khủng hoảng kinh tế ở Venezuela và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chúng không chỉ gây ảnh hưởng đến sản lượng dầu và năng lực tài chính của PDVSA, mà còn cho cả các cộng đồng cư ngụ tại khu vực hoạt động của PDVSA.

Ngay cả khi công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng trong năm nay, người dân và các nhà bảo vệ môi trường vẫn lên án doanh nghiệp này. Theo họ, sự cố tràn dầu và ô nhiễm ở hồ Maracaibo đang trở nên trầm trọng. Tình trạng đốt bỏ khí đồng hành ở Monagas cũng đang gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái.

Vào tháng 7, Tổng thống Maduro đã cam kết sẽ làm sạch phía tây hồ Maracaibo, vốn bị ô nhiễm vì tình trạng "tràn dầu". Chính phủ cũng có kế hoạch dài hạn về việc thu giữ khí đốt ở bang Monagas ở miền đông.

PDVSA và Bộ Môi trường cũng đã đặt ra những cam kết khác về phương diện môi trường, nhưng chúng không có liên quan trực tiếp đến vấn đề tràn dầu và đốt bỏ khí, ví dụ như kế hoạch trồng 5 triệu cây điều ở những vùng có dầu.

Tất cả các kế hoạch đều không nêu rõ mức đầu tư hoặc thời hạn.

Kỹ sư kiêm nhà phân tích môi trường Ausberto Quero cho biết: “Chính phủ bắt đầu kế hoạch nhưng cuối cùng lại không hoàn thành chúng, hoặc chỉ làm trong một khoảng thời gian ngắn rồi bỏ quên luôn”.

Nhà phân tích Nelson Hernandez cho biết, chính phủ sẽ cần hơn 3 tỷ USD cho công tác sửa chữa đường ống cũ và những thiết bị khác để chúng không còn làm dầu thô bị rò rỉ vào hồ Maracaibo, thêm vào đó lắp đặt công nghệ thu giữ cần thiết để giảm bớt tình trạng đốt bỏ khí ở Monagas.

Gần đây, ông Pedro Tellechea - Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ của Venezuela kiêm Chủ tịch của PDVSA, đã kêu gọi phát triển một ngành công nghiệp hydrocarbon xanh hơn. Thế nhưng, ông khẳng định "gần như không có" sự cố tràn dầu nào ở hồ Maracaibo.

Ông nói, các vết dầu vốn xuất hiện từ trước, và các đường ống đã được sửa chữa hoặc thay thế để khắc phục rò rỉ. Ông Tellechea cho biết, bất kỳ “vết loang” nào trong hồ, đều chỉ là hiệu ứng thị giác.

Bộ Dầu mỏ, PDVSA, Văn phòng Tổng chưởng lý và Bộ Truyền thông đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Ông Cesar Rodriguez, cựu Giám đốc PDVSA, người đã rời công ty vào năm 2002, cho biết: “Với mức khai thác dầu thấp hơn nhiều, tỷ lệ sự cố đã đạt mức cao hơn”.

Theo một tài liệu mà Reuters nắm được, ngay cả khi PDVSA đang tìm cách đẩy sản lượng lên mức 1 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm nay, công ty không có kế hoạch giải quyết các vấn đề môi trường trên khắp đất nước.

Tuy tài liệu có đề cập đến kế hoạch làm sạch một khu vực dầu mỏ ở bang Barinas, tình trạng của kế hoạch này “vẫn chưa xác định”.

Vào tháng 7, PDVSA đã đăng tải một báo cáo trên trang web của mình. Báo cáo nêu chi tiết về 11.492 vụ tràn dầu trong năm 2017, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị xóa.

Mặt khác, báo cáo về năm 2016 vẫn còn. Nội dung cho thấy có hơn 8.000 vụ tràn dầu, cao gấp 4 lần so với con số được báo cáo vào năm 1999.

Theo các cựu nhân viên giám sát diễn biến tràn dầu của PDVSA, ước tính số lượng dầu bị rò rỉ trong địa phận Venezuela là ít nhất 200.000 thùng dầu trong những năm gần đây, dựa trên dữ liệu của công ty, báo cáo trên phương tiện truyền thông địa phương và video về tràn dầu được đăng tải trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Eduardo Klein - chuyên gia về địa không gian tại Đại học Simon Bolivar, không thể biết chắc chắn có bao nhiêu thùng dầu đã bị tràn, mà chỉ ước tính được diện tích bề mặt bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, viện khoa học nước này nói rằng kế hoạch dự phòng về chống tràn dầu của PDVSA đã không được thực hiện đúng cách.

Từ đông sang tây

Trong khi ông Maduro đổ lỗi cho Washington vì đã đẩy ngành dầu mỏ của Venezuela vào tình trạng ngày nay, thì các nhà phân tích lại cho rằng PDVSA không đưa ra đủ kế hoạch bảo trì và dự phòng, từ rất lâu trước khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.

Tại Monagas, theo công ty tư vấn Gas Energy Latin America, PDVSA đã giải phóng và đốt bỏ khoảng 1,7 tỷ ft3 khí đốt/ngày.

Vì PDVSA thiếu công nghệ thu giữ hoặc xử lý khí, nên họ đốt bỏ nhiên liệu ngay tại giếng, tạo ra một hỗn hợp hơi, bao gồm cả khí nhà kính, làm nhuốm đỏ bầu trời.

Ông Antonio Camacho, 48 tuổi, một cựu công nhân ngành dầu khí đang sống ở Potrerito (Monagas), chỉ cách các cơ sở của PDVSA 2 km, cho biết: "Đôi khi hoạt động đốt bỏ khí phóng ra cả vật chất còn đang cháy. Chúng rơi xuống mái nhà. Theo đúng lý thì chỉ phóng ra lửa, chứ không phải rác thải. Nhưng đôi khi, hoạt động phóng ra cả tạp chất”.

Người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng vì sự cố tràn dầu. Theo họ, chúng làm hư hại mùa màng và làm ô nhiễm đất.

Nhà máy lọc dầu Amuay ở bang Falcon (miền tây Venezuela) đốt bỏ 24 triệu ft3 khí/ngày, vì các đơn vị thu giữ khí đã ngừng hoạt động, theo một người quen thuộc với vấn đề này.

Người này cho biết, dầu cũng rỉ ra ngoài thông qua các vết nứt trên thành đường ống dẫn đến nhà máy lọc dầu, làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến cư dân địa phương, cá và động vật biển hoang dã.

Vào năm 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Venezuela là quốc gia phát thải khí metan lớn thứ 17, do hoạt động đốt bỏ và rò rỉ dầu.

Khí metan là một loại khí nhà kính mạnh. Các nhà khoa học cho biết metan có khả năng giữ nhiệt lớn hơn nhiều so với khí CO2.

Theo bộ phận theo dõi tình hình đốt bỏ khí đốt toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, 9 quốc gia đốt cháy khí đốt nhiều nhất - bao gồm Nga, Iran, Venezuela, Mỹ và Mexico, chịu trách nhiệm cho gần 3/4 tổng lượng khí đốt bị đốt bỏ trên toàn cầu.

Theo nhà phân tích Quero và nhà hải dương học kiêm nhà tư vấn Klaus Essig, dầu rò rỉ từ đường ống dài hàng kilômét, nằm sâu dưới đáy hồ Maracaibo và nối vào một cơ sở hạ tầng xuống cấp, gây ra vấn đề về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Dự án Sotalia, chuyên về theo dõi quần thể cá heo Guiana trong khu vực, đã tìm thấy nhiều vết thủy ngân kim loại nặng với tỷ lệ lên đến 2 mg/kg mẫu vật, so với mức giới hạn cho phép tối thiểu là 0,05 mg/kg.

Mức thủy ngân cao đó - có khả năng là hậu quả từ ô nhiễm dầu, có thể gây rủi ro cho sức khỏe cho những người dân địa phương, những người chuyên săn bắt và tiêu thụ cá trong vùng.

Bà Ana Aurora Montilla, 54 tuổi, sống gần hồ, cho biết: “Giấc mơ sống trên bãi biển đã trở thành một cơn ác mộng”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/venezuela-gap-kho-trong-viec-kiem-soat-su-co-dau-khi-692141.html