Về với 'xứ sở' cây Hồi

BHG - Được mệnh danh là “xứ sở” của cây Hồi, trong những ngày này người dân xã Đường Âm (Bắc Mê) đang tất bật các công đoạn để chưng cất tinh dầu Hồi. Với đặc tính lưu hương lâu và có nhiều tác dụng chữa bệnh, bởi vậy khi đặt chân đến xã là đâu đâu cũng toát lên một hương thơm đặc biệt, đó là mùi từ lá cây Hồi. Theo đó, cây Hồi bắt đầu xuất hiện từ thôn Nà Nôm, xã Đường Âm với diện tích vô cùng nhỏ và cho đến nay toàn huyện Bắc Mê đã có 4 xã triển khai trồng với tổng diện tích 375 ha, năng suất chưng cất tinh dầu đạt 110 lít/ha, giá bán 400 - 500 nghìn đồng/ lít, trung bình giá trị đạt được từ 44 – 49 triệu đồng/ha. Từ việc cho nguồn thu nhập cao và cây sinh trưởng phát triển tốt, cây Hồi đã được huyện xác định là một trong những cây trồng giúp người dân thoát nghèo.

Đồng chí Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhận thấy Hồi là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện đã đưa cây Hồi vào chiến lược phát triển kinh tế của huyện và định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn trong chương trình giảm nghèo tại địa phương. Thông qua các chương trình, dự án, huyện đã phối hợp với xã đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc; tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích. Cùng với đó đưa cây Hồi trở thành cây trồng chủ lực và là sản phẩm OCOP của địa phương… qua đó, trong năm 2023 toàn huyện trồng mới 80 ha. Với kết quả đó, đến năm 2025 huyện phấn đấu trồng được trên 400 ha, trong đó diện tích chưng cất tinh dầu Hồi 264,65 ha, sản lượng 39.697 lít”.

Cây Hồi phát triển xanh tốt tại xã Đường Âm (Bắc Mê).

Cây Hồi phát triển xanh tốt tại xã Đường Âm (Bắc Mê).

Từ những định hướng đó để phát triển cây Hồi, huyện đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân gieo trồng và phát triển, cụ thể: Hình thành vườn ươm cây Hồi tại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, quy mô 1.500 m2, sản xuất 60 vạn cây con, đáp ứng trồng mới 150 - 180 ha cây Hồi/năm; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trồng Hồi gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Đường Hồng và thị trấn Yên Phú, với 4 tổ hợp tác và hiện đã trồng mới 101ha; tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân với doanh nghiệp...

Anh Mai Thế Công, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Hồng, cho biết: “Với đặc điểm là tiếp giáp với xã Đường Âm, xã đi đầu trong việc đưa cây Hồi vào sản xuất và cho hiệu quả kinh tế cao. Từ nhận định đó, với diện tích đồi rộng lớn, xã đã tổ chức vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng từ cây giá trị kinh tế thấp sang cây Hồi nhằm tăng thu nhập. Cùng với đó, trong năm 2022 huyện tiến hành triển khai Chương trình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trồng Hồi gắn với tiêu thụ sản phẩm; qua đó đã mở ra bước đi mới cho xã. Để thực hiện hiệu quả, xã tổ chức họp dân triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ; đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, đơn vị chủ trì liên kết triển khai phương án thực hiện thông báo cho dân về mức hỗ trợ, mức đối ứng của người dân và thành lập 2 tổ hợp tác, đồng thời tiến hành ký kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân với đơn vị chủ trì liên kết. Qua đó, đến nay xã đã hoàn thành trồng mới 45,5 ha, với 18 hộ tại thôn Khuổi Mạ, Nà Lầu, Khuổi Luông, Tiến Minh…”.

Anh Triệu Văn Thành, thôn Nà Nôm, xã Đường Âm phấn khởi tâm sự: “Nhờ trồng Hồi, cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều lắm. Trồng cây Hồi khá đơn giản, chỉ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ lúc cây còn nhỏ; khi cây đã phát triển cao hơn 1m thì không tốn nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như một số loại cây trồng khác mà hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và cho thu hoạch lâu dài. Từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay với 5 ha đất trồng Hồi, thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm. Nhờ cây Hồi mà gia đình tôi đã xây được nhà, đời sống ngày càng được nâng cao hơn”.

Từ việc tìm ra cây trồng chủ lực và xây dựng hướng đi cho cây Hồi, đã giúp người dân các xã của huyện 30a có hướng đi trong việc thoát nghèo. Đồng thời, đây trở thành sản phẩm đặc trưng riêng có của huyện Bắc Mê. Theo đó, người dân nơi đây hy vọng với sự phát triển ngày càng cao về diện tích và kỹ thuật trong việc trồng và chế biến sẽ giúp cây Hồi vươn ra thị trường lớn và sẽ trở thành sản phẩm mang thương hiệu Bắc Mê.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202401/ve-voi-xu-so-cay-hoi-711588f/