Về với mẹ

Mùa Hè năm ấy, tôi về quê với Hoan. Ở với nhau trong ký túc xá đã hết kì học thứ nhất, hai đứa mới sắp xếp về được. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp, người mướt mải mồ hôi.

Mùa Hè năm ấy, tôi về quê với Hoan. Ở với nhau trong ký túc xá đã hết kì học thứ nhất, hai đứa mới sắp xếp về được. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp, người mướt mải mồ hôi. Đến đoạn đường từ thành phố rẽ vào huyện thì ôi chao: Miền quê có đồi chè xanh ngút ngàn hiện ra, bao mệt nhọc khi ngồi trên chiếc xe đạp của chúng tôi tan biến, chỉ còn lại trong tâm trí một màu bình yên, xanh trong đến an lành.

Minh họa: Thanh Hạnh

Minh họa: Thanh Hạnh

Mẹ Hoan đón chúng tôi ngay đầu ngõ. Chiếc áo mẹ mặc sờn ố như ngấm đầy nắng, gió và nhựa chè. Hoan tíu tít:

- U ơi, hôm nay, con mang về biếu u một tay hái chè chuyên nghiệp đấy ạ.

Tôi chào mẹ và đón lấy bàn tay nứt nẻ, sạm đen:

- U dạy con hái chè thật giỏi nhé. Con muốn sau này về đây làm dâu u ạ.

Mắt mẹ rưng rưng xúc động:

- Cha bố các cô lẻo mép. Về cho vui cửa vui nhà là tôi thích lắm rồi.

Tôi thấy Hoan cười, nhìn sang phía ảnh bố, mắt rơm rớm.

***

Cơm nước buổi trưa xong, tôi theo mẹ và Hoan lên đồi. Tôi bị choáng ngợp bởi những quả đồi rộng mênh mông trước mắt, những búp chè dày đặc tua tủa đứng bên nhau. Tôi chợt nhận ra nắng, gió mùa Hạ rát mặt quả là một thử thách với những con người nơi đây. Mẹ bảo: Chỉ còn một mảnh nhỏ ba bốn luống này thôi. Lo gì! Mấy ngày ở nhà mẹ hái vãn rồi.

Hái gần xong mà tôi còn chưa quen việc, tay chân vụng về khiến Hoan cứ cười tít mắt. Mùa Hạ, có những cơn mưa bất chợt đổ, lẫn trong tiếng mưa, có tiếng con ve sầu chưa kịp trú, còn kêu ra rả. Ngồi trong ô che, mẹ bảo:

- Mùa này hay có mưa. Chè nhà mình u hái không kịp, phải đi đổi công với các cô, các chị trong xóm, không thì nhanh ban lắm. Mấy năm nay u cũng mỏi hơn rồi, tay chân chậm chạp, Hoan lại đi học, may mà tuần nào nó cũng về hộ u. Bố nó thì mất sớm, mình u khướt lắm. Mong là nó đi học xa nhà không chơi bời lêu lổng. Mấy đứa chịu khó bảo ban nhau cho u đỡ lo.

- Vâng u ạ. Có gì chúng con sẽ hỗ trợ nhau, sẽ về hộ u nữa. Tôi đáp lại để mẹ yên lòng.

Tạnh mưa, vài đứa trẻ nhỏ ríu rít chạy lên đồi chè, hồn nhiên tìm quả chè về làm bi bắn chơi. Quê tôi thì có những quả sim, quả mua để trẻ con ăn xong mồm mép đen tím lại. Nơi này, có quả chè làm trò vui mỗi buổi chiều cho lũ trẻ. Tôi chợt thấy yêu lắm vùng quê này, yêu sắc chè xanh mướt mắt trong nắng. Nhưng cũng chợt giật mình, nhận ra mẹ cứ tần tảo một mình trên đồi chè mênh mông tháng tháng, ngày ngày. Giá mà, ngày xưa, bố Hoan đi bộ đội… rồi trở về thì giờ vui biết mấy.

***

Hoàng hôn buông xuống. Chúng tôi chuyển bao chè về nhà rồi đi chở lân đạm cùng mẹ. Mẹ bảo: Hôm nay chè hái xong rồi, việc bón xới mẹ tự làm được, ngày mai, các con đến trường đi không phải lo cho mẹ nữa.

Những bao nặng gấp đôi người, mà cái dốc của nhà lại cao. Tôi đẩy xe rùa cho mẹ mà thở phì phò. Tôi bảo:

- U giỏi thật. U cứ làm một mình được. Con chịu thôi.

- U cũng phải gọi người nhờ chứ già rồi làm mình sao được. Mấy đứa sau học hành chăm chỉ, mang kiến thức về mà phục vụ quê hương.

- Vâng! Con biết rồi ạ. Nếu không về làm chè với u, con đâu thấu được. Tôi cảm thấy cổ mình nghèn nghẹn.

Ăn tối xong, hai đứa tôi chẳng ngủ mà ngồi cùng mẹ sao chè trong bếp. Bận bịu hít hà mùi khói trong thời tiết oi bức, chúng tôi chẳng còn để tâm đến trăng đêm đã lên cao. Chỉ có tiếng ve sầu ngoài vườn cây xót ruột kêu ra rả. Tôi nhìn sâu trong mắt mẹ, mới thấy được sự cô đơn đã bao bọc đến thâm quầng đôi mắt. Biết bao tháng năm mẹ ở vậy vò võ nuôi con, gầy mòn tấm thân. Căn nhà không có đàn ông, mọi âm thanh của gió, của cây lá, của núi đồi mênh mông kia càng làm ngôi nhà trở nên quạnh quẽ…

Mẻ chè đã sao xong. Tay mẹ như có phép lạ, vất vả, đen đúa là thế mà cho ra lò những ấm trà tỏa hương thơm nức, ngạt ngào. Đêm ấy, chúng tôi ngủ ngon bên mẹ. Hương chè trên tay mẹ lưu lại trong giấc mơ tôi, dìu dịu đến nao lòng.

***

Tiếng gà gáy báo sáng, mùi rạ rơm trên các con đường thơm ngái. Mẹ gói cho tôi cân chè về làm quà cho gia đình. Giờ tôi mới hiểu, vì sao bố tôi và những người dân quê thường hay nâng niu chén trà trên tay, ngồi nhâm nhi, uống cạn đến giọt cuối cùng. Bố cũng thường bảo tôi: Nghề làm chè, sao được một mẻ ngon phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thức đêm, bạc tóc, đôi tay rời rã vì không lúc nào ngơi. Con phải biết trân trọng công sức của người lao động. Không được để rơi vãi, dù là một búp chè nhỏ nghe con… Những lời đó, giờ cứ văng vẳng bên tai tôi.

Tôi bảo Hoan đợi tôi lên đồi tìm ít quả về làm quà cho chúng bạn. Hoan cười rúc rích, chọc tôi:

- Ui trời ạ. Hôm qua, nghịch quả mãi còn chưa chán à? Ừ, mà mang về nhiều nhiều, cho chúng nó ngồi bắn bi với nhau, hơn bọn trẻ lên ba, cho thích.

- Đợi người ta nhé. Một lát thôi.

Mẹ Hoan nhìn theo tôi cười dịu dàng:

- Con cái nhà, cứ lích chích như con chim sâu.

Tôi chạy ra vườn chè, sau nhà, tìm bứt quả. Tôi yêu đồi chè nơi này mất rồi, chán làm sao được. Tôi còn muốn nán lại chút nữa, để Hoan ngồi thêm với mẹ truyện trò, để mẹ đỡ tủi thân khi con gái đi học xa, để lát lên xe đi xuống trường, ánh mắt Hoan sẽ không còn buồn nhiều.

***

Học xong, Hoan lấy chồng trên thành phố, xa quê. Chúng tôi không ở gần nhau nữa. Đã năm năm, tôi chưa về thăm mẹ. Tuần này, tôi đi thực tế tại một vùng quê chè, những quả chè tròn xinh đã đến độ chín già, khiến tôi nhớ những quả chè quê mẹ.

Tôi gọi điện cho Hoan, mong muốn được sắp xếp một chuyến về thăm mẹ vào mùa Hè. Hoan cười ríu rít: Ừ, mình chuẩn bị về đi. U chăm cây khéo lắm. Cậu mà về, quả có mà lúc liểng trên cành đón cậu.

Tôi không nhịn được cười. Tôi bỗng thấy nhớ mẹ, vẫn mường tượng ra hình ảnh mẹ lặng lẽ chăm chút cho những mùa chè xanh mát mắt, chờ chúng tôi về chơi, chờ con chim sâu lích chích về hái. Nghĩ đến đó, lòng tôi lại xốn xang bởi những đồi chè dưới trời xanh đầy nắng, có bàn tay mẹ ngày ngày vun trồng, bón chăm…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202308/ve-voi-me-85a129f/