Về Trường Sơn cùng đồng bào Bru-Vân Kiều vui Lễ hội Trỉa lúa

Lễ hội Trỉa lúa của cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14/7 Âm lịch, nhưng ngay từ đầu tháng, người dân đã nô nức chuẩn bị cho lễ hội lớn nhất trong năm. Trên khắp các bản làng, đâu đâu cũng thấy cảnh nhà nhà, người người, bằng tất cả sự thành tâm cầu mong một mùa tốt tươi, bội thu, cuộc sống no ấm.

Già làng Hồ Văn Ai làm thủ tục ở Lễ hội Trỉa lúa của bản Khe Cát. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Già làng Hồ Văn Ai làm thủ tục ở Lễ hội Trỉa lúa của bản Khe Cát. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đối với cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, Lễ hội Trỉa lúa là lễ hội trọng đại để cầu xin thần linh ban cho mùa màng tốt tươi để cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. Qua những lời khẩn cầu, dân bản xin thần ban cho hạt giống tốt để cây lúa, cây ngô, cây đỗ khỏe mạnh, xanh tươi, không bị chim chóc, muông thú phá hoại, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống no ấm. “Lễ hội có thể nói là “công đoạn cuối” của quy trình làm nương rẫy sau chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ kín đáo trong gùi mang, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt, nặng bông cho ngày mùa bội thu” - bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn chia sẻ.

Già làng Hồ Văn Ai đã 70 tuổi, có mái tóc bạc trắng càng khiến người đối diện cảm thấy sự huyền bí từ người nắm giữ đời sống tâm linh của người dân bản Khe Cát, xã Trường Sơn. Và năm nào cũng vậy, già làng Hồ Văn Ai là người lĩnh trọng trách “chủ lễ” của Lễ hội Trỉa lúa của bản. Lễ hội Trỉa lúa ở bản Khe Cát được tổ chức ở trên gò cao dưới chân núi Chồng, nơi đó có nhiều cây cổ thụ, trên đỉnh có 3 ngọn núi cao vút. Khám thờ đặt tựa lưng vào hướng núi Chồng, mặt hướng qua núi Khe Cát mà dân gian bản xứ gọi là núi Vợ.

Khi mặt trời chiếu xuống vùng đất lễ, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn trắng đặt xuống cạnh khe nước chảy. Việc trước tiên là làm lễ tế sống. Lúc này, già làng Hồ Văn Ai sẽ là người báo lệnh khai lễ và dân bản đứng khép vòng quanh con lợn, cùng nhìn về giữa. Già làng ở giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc cốc nâng lên rót đầy rượu rồi miệng cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe.

Khấn xong, già làng Hồ Văn Ai tưới rượu từ chiếc cốc đang cầm trên tay lên đầu lợn, thân lợn. Tưới rồi, vẫn chiếc ly ấy, già lại rót rượu trong chai ra đầy và chuyền từ trái sang phải theo vòng người cùng đứng để uống hưởng lễ. Người này đón ly uống xong, lại chắp tay hướng về con lợn vái với ý nghĩa cảm ơn con lợn đã thay họ làm vật hiến sinh cho các vị thần. Khi rượu đã uống hết vòng thì những người được giao trọng trách từ trước đó bắt đầu mổ lợn.

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, đồng bào cùng nhau nhảy múa. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, đồng bào cùng nhau nhảy múa. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Khi thịt lợn đã được luộc chín, người ta chia làm hai phần đặt lên hai tầng của khám thờ. Tầng cao thờ thần trời, thần núi, tầng thấp thờ thần đất, thần nước. Ở hai bên khám thờ là hai chiếc gươm đẽo bằng gỗ một dài, một ngắn. Một vò rượu cần đặt ở dưới đất trước khám thờ, 5 chiếc cần chọc lên vươn về 5 phía như biểu tượng của các yếu tố của vũ trụ là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cứ cách 5m, người ta lại cắm xuống đất mấy chiếc dùi vạt một đầu nhọn, mấy cái gùi nứa thấp một quai mang bên hông đựng hạt giống và mấy que lấp lỗ chừng 4 gang tay như chờ sẵn, đợi lệnh thần ban để cùng người xuống rẫy.

Thời điểm này, già làng Hồ Văn Ai bước vào đứng trước khám thờ để làm lễ. Dân bản xếp hàng đứng về phía phải khám thờ. 4 lão bản khác cùng với già làng mặc đồng phục lễ đứng nghiêm túc trước khám thờ. Già làng Hồ Văn Ai bước lên trước và cất lời khấn, cầu mong thần linh phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, ban cho hạt giống được mọc lên, cây lúa, cây ngô, cây đỗ... khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống no ấm. Sau lời khấn, một số dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy đi xung quanh bãi đất chọc lỗ để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một cái nia, trong đó đựng hạt giống, vừa nhún nhảy như người sảy thóc, vừa tiếp tục khấn, cầu thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt.

Phần lễ hoàn thành, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Mọi người cùng nhau bước vào phần hội với các trò chơi và cùng nhau hát những làn điệu dân ca truyền thống. Mọi người vừa thổi sáo, vừa hát điệu si-nớt (là cách hát kể chuyện như một loại trường ca kể về lịch sử, văn hóa, tập quán canh tác, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi... của người Bru-Vân Kiều). Và cứ thế, những lời khẩn cầu theo tiếng sáo, tiếng hát bay cao, bay xa gửi đến thần linh.

Ngày 3/2/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều”, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (thuộc loại hình lễ hội truyền thống). Điều này vô cùng ý nghĩa, bởi đó là cơ sở để bảo tồn và người dân lấy làm động lực để phát huy hơn nữa di sản của người Bru-Vân Kiều. Ngoài Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình cũng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Hò khoan Lệ Thủy; Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển; Lễ hội Đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; Lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy... Các di sản đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc, vùng miền và hứa hẹn những đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch ngày một bền vững.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-truong-son-cung-dong-bao-bru-van-kieu-vui-le-hoi-tria-lua-post465713.html