Về Tây Tựu dự hội bơi Đăm

'Làng Đăm có hội bơi thuyền/Có lò đánh vật, có miền trồng hoa'. Cứ 5 năm một lần, vào dịp tháng Ba (âm lịch), những người con làng Đăm cũng như du khách gần xa lại nô nức về phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm để tham dự lễ hội bơi Đăm truyền thống.

Phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) vốn xưa kia là làng Đăm (kẻ Đăm) với ba thôn: Thượng, Trung và Hạ. Nơi đây nổi tiếng với nghề trồng hoa lớn nhất Thủ đô. Hàng năm, cứ mỗi độ tháng Ba về, người dân Tây Tựu lại náo nức chuẩn bị cho ngày lễ hội. Hội bơi Đăm diễn ra từ mùng 9-11/3 âm lịch, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu.

Theo tìm hiểu, hội bơi Đăm diễn ra tại nhánh của sông Nhuệ hay còn gọi là khúc sông Thủy Giang (Sông Pheo) dài gần 1km, rộng chừng trăm mét. Lễ hội có 6 thuyền tham gia, được đánh số chia đều cho 3 thôn. Thuyền thôn Thượng gắn đầu Hạc, đánh số 1 và 4; thuyền thôn Trung gắn đầu Rồng đánh số 2 và 5; thuyền thôn Hạ đầu Ly đánh số 3 và số 6.

Hội bơi Đăm diễn ra từ mùng 9-11/3 âm lịch hằng năm, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu.

Hội bơi Đăm diễn ra từ mùng 9-11/3 âm lịch hằng năm, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu.

Ngoài ra còn có thêm một thuyền thứ 7 gọi là thuyền Quan làm nhiệm vụ giám sát cuộc đua. Thuyền giải Nhất vinh dự được chở ngai Thánh từ Thủy tọa về miếu Thượng. Đến với Hội bơi Đăm, du khách còn hiểu thêm về truyền thuyết dân gian gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, về một hội bơi chải mang tinh thần thượng võ, quyết liệt như một buổi luyện quân với những kỹ năng điêu luyện như cách búng thuyền, dóc thuyền, lạng thuyền, vuốt góc…

Theo các cụ cao niên, hội làng Đăm có từ những năm 60 sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại. Thời đó, nơi đây là một vùng hoạt động quan trọng của nghĩa quân Hai Bà Trưng, được Thánh Bạch Hạc Tam Giang hiển linh phù trợ. Trước đây, năm nào được mùa thì dân làng tổ chức lễ hội lớn và kéo dài trong suốt 5 ngày. Ngày nay, lễ hội làng Đăm được tổ chức 5 năm một lần.

Có một thời gian dài, do nhiều yếu tố, hội làng Đăm bị gián đoạn. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến năm 1994 làng không tổ chức hội nhưng có 4 lần khôi phục hội bơi: Lần đầu tiên vào năm 1955 là khi mừng kháng chiến chống Pháp thắng lợi và nhằm khuấy động phong trào xây dựng đời sống mới, chế độ mới; lần thứ 2 là vào năm 1957; lần thứ 3 vào năm 1973 là khi đón quốc trưởng Campuchia sang thăm nước ta; lần thứ 4 bơi tại hồ Hoàn Kiếm là năm 1974 nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng Thủ đô.

Đến năm 1994, theo xu thế phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống của cả xã hội thì hội làng Đăm được khôi phục lại và tổ chức lại một cách công phu, trang trọng. Vào những năm hội chính, dân làng tổ chức rước kiệu, bơi thuyền, đấu vật, đánh cờ người, thả chim bồ câu… Vào những năm hội lẻ chỉ tiến hành tế lễ ở đình, miếu và tổ chức một số trò chơi dân gian như: Đập niêu đất, bịt mắt bắt dê, đấu vật, đánh cờ người và các hoạt động văn hóa - thể thao quần chúng của nhân dân 3 miền.

Người dân hào hứng tham gia cổ vũ hội bơi Đăm.

Người dân hào hứng tham gia cổ vũ hội bơi Đăm.

Nói về hội làng Đăm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, hội làng Đăm là một lễ hội rất cổ, được dân làng bảo vệ và duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Các nghi thức tế lễ trong ngày hội hướng mọi người về thế giới tâm linh, tưởng nhớ các vị thần có công trong việc phù giúp dân tạo lập cuộc sống mới, xây dựng bảo vệ xóm làng kể từ những ngày đầu gây dựng. Các hoạt động làm lễ dâng hương trong ngày hội của dân làng cũng như du khách thập phương là một trong những hình thức tưởng niệm vị Thần thành hoàng, cũng như các vị thần bảo trợ cho xóm làng.

Nghi lễ bơi chải rộn ràng bởi tiếng chiêng trống, tưng bừng náo nhiệt bởi tiếng reo hò cổ động của người xem. Bơi chải như đưa bước chân người dự hội trở về với quá khứ, nhắc mọi người luôn nhớ về vị Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang, người đã có công phò vua giúp nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại cho người dân cuộc sống hòa bình, ấm êm.

Có thể nói, việc tổ chức lễ hội chính là một hình thức truyền lại cho các thế hệ mai sau về những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha ta đã để lại một cách tự nhiên, sinh động mà thấm thía, khắc sâu vào tâm trí. Mặc dù ở gần trung tâm Thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, lễ hội bơi Đăm vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững. Ngoài kỹ năng và cách thức thực hành, điều quan trọng nhất chính là yếu tố cộng đồng, tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 30/1/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận lễ hội bơi Đăm truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước đối với lễ hội Bơi Đăm truyền thống và cũng là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bắc Từ Liêm nói chung, phường Tây Tựu nói riêng.

Theo Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà: Quận luôn tạo điều kiện tối đa để giữ gìn, phát huy các gia trị văn hóa liên quan đến Lễ hội bơi Đăm.

Thời gian tới quận cũng sẽ chú trọng đầu tư cho Lễ hội bơi Đăm truyền thống phường Tây Tựu. Quận đã đề nghị phòng, ban chức năng của quận tham mưu và đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó lưu ý đến công tác thông tin với báo chí để giới thiệu, quảng bá tốt hơn nữa về giá trị của các lễ hội, di tích trên địa bàn quận.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ve-tay-tuu-du-hoi-boi-dam-165871.html