Về quê

Sau những tháng ngày vất vả vì cuộc mưu sinh nơi xứ người, lòng tôi lại tha thiết muốn được trở về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi lũy tre làng đã chở che tôi từ tấm bé. Biết bao kỷ niệm vẫn nguyên vẹn trong trái tim tôi, xa bao lâu rồi vẫn đau đáu nỗi niềm yêu thương đến vô cùng. Và hôm nay tôi đã thu vén được mọi việc để về thăm nhà, thăm quê hương yêu dấu.

Xe bon bon trên con đường láng xi măng sạch sẽ, tôi được dịp ngắm nhìn qua ô cửa miền quê mình trong sự ngỡ ngàng đổi mới. Quê giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới, sáng đẹp biết nhường nào. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo lầy lội ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là đường bê tông mở rộng, thẳng tắp. Lòng tôi dâng trào cảm xúc, phần là mừng vui cho sự đổi mới của quê nhà, nhưng phần sâu thẳm đâu đó trong tâm khảm có chút vấn vương như vừa tuột đi một thứ gì rất trân quý mà bản thân nhất thời chưa lý giải được.

Ngôi nhà cũ ngày xưa giờ đây đã được thay bằng ngôi nhà xinh xắn. Chỉ có hàng râm bụt trước sân vẫn như ngày nào, xòe những bông hoa mịn đỏ khoe sắc trước gió, cây vú sữa rì rào cành lá như mừng vui đón người trở về sau nhiều năm xa cách. Mẹ vẫn ánh mắt dịu hiền và tình yêu thương vô bờ bến, cứ luýnh quýnh lau những giọt nước mắt mừng vui mà chẳng nói nên lời. Giờ đây mái tóc mẹ khác xưa vì trắng mầu thời gian, khuôn mặt đã thêm nhiều nếp nhăn của tháng năm tần tảo. Mẹ vỗ về lau giọt nước mắt, mắng yêu tôi vài câu rồi bảo ra tắm rửa nghỉ ngơi để vào ăn cơm…

Buổi chiều, tôi dành thời gian thăm hỏi vài nhà hàng xóm, sau đó thăm thú một số nơi mà những năm tháng qua tôi chưa về. Làng tôi ở sát chân núi nên tuổi thơ gắn liền bao kỷ niệm ở đó. Những ngọn núi ở quê tôi vừa dài vừa cao, thân núi có nhiều ngọn đồi dọc dưới chân lên đỉnh giống như những múi cam khổng lồ cách nhau bằng các khe lõm từ lưng chừng núi. Những khi trời nắng to kể cả hạn hán thì mạch nước ngầm từ núi vẫn róc rách không bao giờ cạn, với dòng nước trong vắt ngọt mát vô cùng. Lúc trời mưa lớn nước ở trên núi đổ về theo các dòng khe ào ào dữ dội như những dòng thác trắng xóa.

Bàn chân từng bước chậm rãi leo lên, trong đầu ký ức lại ùa về khơi dậy tuổi thơ… Sườn đồi kia, cây cối xanh tốt rậm rạp, có rất nhiều cây sim, cây móc trĩu quả, mỗi lần chui vào đó là được thỏa sức no nê sim, móc, muồng muồng… Quãng đường leo vừa cao vừa dài nên cũng phải nghỉ mấy chặng, tôi ngả người xuống thảm cỏ gối đầu lên tảng đá nhỏ. Nhìn lên bầu trời xanh thẳm, sao mà bình yên đến lạ.

Những con ong con bướm cứ dập dềnh, chăm chỉ lấy mật bên vô số loài hoa đang khoe sắc. Lại nhớ đám bạn thời tóc để chỏm quá chừng, giành nhau quả rừng mà mấy đứa đành hanh, giận dỗi lời qua tiếng lại vang cả một góc đồi…

Mãi miên man trong ký ức xa xưa, bỗng có tiếng chuông ngân làm tôi trấn tĩnh. Tiếng chuông của ngôi đền mới được xây dựng tít trên đỉnh núi. Phía trước có vài nhóm người đang leo lên, không leo đường mòn như xưa mà bây giờ đã được xây thành bậc thang từ chân lên tận đỉnh, lan can vịn rất đẹp.

Giờ đây, đứng trên cao ngắm về làng đã không còn những rặng tre dày khom lưng đung đưa trong gió, không còn những sợi khói lam chiều lượn lờ trên nóc bếp. Cuộc sống được nâng tầm, đâu đây cánh đồng không còn giống bàn cờ nữa mà được cải tạo thành những thửa rộng dài bắt nhịp cho cơ giới hóa nông nghiệp. Tất cả mọi thứ đã được đổi thay, hiện đại và quy mô. Chỉ có ngọn núi vẫn vậy, sừng sững hiên ngang bao đời cổ tích, huyền bí, vẫn lưu giữ cả dòng ký ức tuổi thơ bao thế hệ. Nghĩ mà yêu thương, mà bồi hồi đến lạ.

Rồi bao người con của quê ra đi, bạn bè tôi, các thế hệ sau, trước tôi vì cuộc sống mưu sinh mà rời làng, có ai còn lưu trong tim những ký ức, nhìn nhận sự đổi mới của quê hương mình để mà thương nhớ, mà tìm về kỷ niệm xa xưa, mà đau đáu nguồn cội...

Nguyễn Thủy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/211447/ve-que