Về Phước Mỹ nghe kể chuyện ngày ấy, bây giờ

Nằm sát đường biên giới Việt Nam - Campuchia, lại tiếp giáp với tỉnh Long An, ấp Phước Mỹ (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) hội tụ đầy đủ yếu tố tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp của các loại tội phạm. Thế nhưng trong thực tế, Phước Mỹ lại là 'điểm sáng' về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bởi sự đồng lòng của người dân và những người lính Biên phòng đã tạo nên thế trận Biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc.

Thiếu tá Lê Thăng Long và người học trò Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Lê Thăng Long và người học trò Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Trúc Hà

Con đường từ trung tâm xã vào Phước Mỹ chạy xuyên qua những cánh đồng lúa “cò bay thẳng cánh”. Đây là ấp đặc biệt vì nằm sát biên giới, cũng là điểm cuối của địa danh hành chính tỉnh Tây Ninh. Để sắp xếp, ổn định dân cư, gần 100 hộ dân ở Phước Mỹ được cấp đất diện tích 10mx40m dọc theo đường tuần tra biên giới. Cùng với tiền hỗ trợ, người dân bỏ thêm để xây nên những căn nhà kiên cố, hướng ra cánh đồng lúa chạy thẳng tới đường biên giới Việt Nam - Campuchia, tạo nên diện mạo khang trang cho Phước Chỉ. Chốt Biên phòng A8 nằm ở giữa ấp với lá cờ Tổ quốc đỏ rực. Câu chuyện của Thiếu tá Lê Thăng Long, người nhiều năm gắn bó với Phước Chỉ đã cho chúng tôi có cái nhìn toàn cảnh về mảnh đất biên cương này.

Năm 1994, chàng thanh niên Lê Thăng Long nhập ngũ, là chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ và được cử đi học tại Trường Trung cấp Biên phòng 2. Sau khi tốt nghiệp, anh quay trở lại nơi đây và gắn bó với Phước Mỹ. Khi ấy, ấp Phước Mỹ là một ốc đảo, đường không có, muốn vào đây chỉ có một cách duy nhất là đi bằng xuồng, ghe. Người dân chủ yếu làm ruộng, nhưng đất nhiễm phèn nặng nên năng suất rất thấp, bởi vậy mà cuộc sống vô cùng khó khăn. Trường học đã có nhưng không thầy, cô giáo nào “trụ” nổi ở Phước Chỉ và không phải ai cũng có điều kiện đưa con ra xã để học nên nhiều trẻ em không biết chữ.

Năm 1996, lớp xóa mù chữ do Chốt K1 thuộc Đồn Biên phòng Phước Chỉ phụ trách mở cửa đón học sinh. Bằng sự nỗ lực của cả thầy và trò, học sinh lần lượt tốt nghiệp tiểu học. Thương lắm những đứa học trò nghèo, những người lính Biên phòng thay nhau hàng ngày chèo đò vào Phước Mỹ đứng lớp. Niềm vui của những thầy giáo quân hàm xanh, đó là không ai bỏ học giữa chừng. Không ít học sinh đã ra xã để học hết cấp 2 rồi cấp 3. Có những buổi, học sinh đến lớp mặt lấm lem vì “trên đường đi, tụi con rủ nhau bắt cá để thầy mang về nấu”, hoặc xách theo xâu ếch “cha con đêm qua đi soi để mang biếu thầy”...

Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi có người đàn ông đi ngang qua với dáng vẻ vội vã, nhưng vẫn dừng lại và nói: “Con chào thầy”. Đó là anh Nguyễn Văn Cường (39 tuổi, nhà ở ấp Phước Mỹ), học sinh cũ của Thiếu tá Lê Thăng Long. Qua câu chuyện của hai thầy trò, chúng tôi hiểu vì sao đã mấy chục năm trôi qua, anh Nguyễn Văn Cường vẫn không quên thầy giáo.

Ngày ấy, thương lũ học trò, Thiếu tá Lê Thăng Long đi chợ mua thịt, cà rốt, bánh mì về nấu cà ri để liên hoan kết thúc năm học cho học sinh. Ăn miếng đầu tiên, học trò xôn xao: “Thầy ơi, con chưa bao giờ được ăn ngon thế này”, “Thầy ơi, sang năm, thầy lại nấu cho chúng con ăn nhé!”. Nhìn những gương mặt ngây thơ, câu nói hồn nhiên của học trò, người lính Biên phòng lén quay đi gạt nước mắt.

Tình cảm của người thầy khiến Cường cũng như nhiều bạn khác không bao giờ quên, dù năm 2006, Thiếu tá Lê Thăng Long chuyển công tác cho tới năm 2021 mới trở lại. Tháng 9/2022, Thiếu tá Lê Thăng Long vận động quà, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu nhỏ trong ấp Phước Mỹ. Khi anh đang đứng thì rất nhiều phụ huynh chạy đến nắm tay: “Thầy, thầy có nhớ con không?”, “Con là học sinh thầy dạy ngày xưa đây này”...

Trong câu chuyện, anh Nguyễn Văn Cường nhắc lại nhiều cái tên như thầy Bình (Thiếu tá Đoàn Văn Bình, nhân viên kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Phước Chỉ), Thiếu tá Phạm Văn Chung (khi ấy là quản lý Đồn Biên phòng Phước Chỉ), Trung tá Nguyễn Văn Sơn (hiện công tác tại Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu). Đối với người đàn ông này, bài học không chỉ là đọc chữ, làm phép tính mà hơn cả là những bài học về tình yêu quê hương, đất nước cũng như trách nhiệm của một công dân biên giới trong việc cùng BĐBP bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Những học sinh của các thầy giáo Biên phòng ngày ấy, giờ nhiều người đã thoát ly đi làm ăn xa, nhưng những người ở lại như anh Nguyễn Văn Cường vẫn đang làm tốt những lời thầy giáo Biên phòng răn dạy...

Một góc của ấp Phước Mỹ. Ảnh: Trúc Hà

Một góc của ấp Phước Mỹ. Ảnh: Trúc Hà

Ấp Phước Mỹ có 2,2km đường biên giới, gồm 3 mốc chính, 8 mốc phụ và 7 cọc dấu. Đường biên giới được phân giới, cắm mốc xong, tạo điều kiện thuận lợi để BĐBP quản lý, bảo vệ. Là ấp giáp biên, có đường đi thông qua xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là “điểm sáng” trên biên giới Tây Ninh, với sự tích cực của người dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Lúc 8 giờ, ngày 7/5/2023, nhận được tin báo của quần chúng, Đồn Biên phòng Phước Chỉ đã cử tổ công tác tới khu vực cột mốc 179, thuộc ấp Phước Mỹ, bắt giữ Trương Lê Trọng Đức (sinh năm 1994, trú tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vì hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Trương Lê Trọng Đức khai nhận, ngày 2/5/2023, Đức có lên mạng xã hội tìm việc làm và được một tài khoản Facebook tư vấn sang Campuchia làm công việc online với mức lương 21 triệu đồng/tháng.

Ngày 3/5/2023, Đức bắt xe khách đi từ huyện Đại Lộc vào thành phố Hồ Chí Minh, được người của công ty bên Campuchia đón và đưa đến khu vực biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Đến khoảng 7 giờ 30 phút, ngày 7/5/2023, một người đàn ông đi xe máy chở Đức đến khu vực biên giới, chỉ hướng đi sang Campuchia và nói, đi khoảng 500m sẽ có người đón. Khi Đức đi bộ về phía Campuchia theo sự chỉ dẫn thì bị BĐBP phát hiện, bắt giữ.

Thiếu tá Vũ Ngọc Hải, Chốt trưởng Chốt Biên phòng A8 cho biết, người dân ở ấp Phước Mỹ ai cũng có tinh thần cảnh giác cao và rất trách nhiệm. Ông Ba Lương sinh ra và lớn lên ở Phước Mỹ, đã hơn 30 năm tuổi Đảng, là cựu chiến binh nên rất ý thức việc nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện những vụ việc bất thường xảy ra trong ấp để kịp thời báo với BĐBP xử lý. Đầu tháng 7 vừa qua, ông phát hiện một chiếc xe máy hiệu Novou ở cạnh mốc 179/2. Biết đây không phải là xe của người trong ấp nên ông Ba Lương đã nhanh chóng báo cho Chốt Biên phòng A8. Đồn Biên phòng Phước Chỉ đã lập biên bản, thông báo rộng rãi trong nhân dân và khu vực lân cận để tìm chủ sở hữu chiếc xe.

Sự bình yên của Phước Chỉ với những ngôi nhà khang trang, cột mốc biên giới hiên ngang trên cánh đồng lúa dập dờn trong gió “vẽ” nên một bức tranh tuyệt đẹp về biên cương.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-phuoc-my-nghe-ke-chuyen-ngay-ay-bay-gio-post465101.html