Về nơi ra đời bảo vật quốc gia 77 năm tuổi

Trong số 29 hiện vật vừa được Thủ tướng ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, có hai khuôn in tín phiếu ra đời tại Quảng Ngãi cách đây 77 năm. Đó là khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá 50 đồng.

Đổi thay ở vùng đất lịch sử

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi trở lại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi - địa danh đi vào lịch sử, ghi dấu sự hình thành và phát triển của ngành tài chính Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đặt xưởng in tín phiếu Liên khu V.

Dấu tích duy nhất còn lại tại nơi đặt xưởng in tín phiếu liên khu V là giếng nước.

Con đường bê tông bằng phẳng chạy cắt qua những ngọn núi cao, phía bên dưới là lòng hồ thủy lợi Thạch Nham sâu hun hút. Hai bên đường, những rẫy keo, rẫy mì xanh mướt. Lâu lâu, những chiếc xe tải chở lâm sản rời núi về các xưởng sản xuất.

Dẫu gần 80 năm trôi qua, song dấu vết về di tích lịch sử quốc gia vẫn còn đó. Giữa khu đất trống rộng hàng nghìn mét vuông là một giếng nước nhỏ được người dân địa phương dùng bê tông phủ lên để chống sạt lở, bồi lấp. Ông Phạm Văn Ri, sống gần khu di tích kể, giếng nước này có từ xưa, ông lớn lên đã thấy.

Thượng nguồn sông Trà Khúc là nơi đặt xưởng in tín phiếu.

"Nghe người lớn truyền miệng lại là giếng do cán bộ cách mạng đào để phục vụ kháng chiến và hoạt động của xưởng in tín phiếu. Hồi trước giếng có lần bị sạt lở, bà con chung tay vét bùn đất, phục dựng và chính quyền hỗ trợ lắp đặt bi cống để giữ gìn di tích tốt hơn", ông Ri cho hay.

Cạnh khu di tích là những xóm làng đang dần đổi thay, những ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn. Bà con đồng bào Hre ở đây cho biết, vài năm qua đời sống thay đổi khi cây keo, cây mì người dân trồng được các nhà máy trên địa bàn thu mua với giá cao.

Khẳng định vùng tự do

Ít ai biết, hai khuôn in tín phiếu như lòng bàn tay đặt ngay ngắn trong kệ tủ ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi lại có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Khuôn in tín phiếu 50 đồng, một trong hai khuôn in được công nhận là bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi.

Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết, năm 1946, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng bạc Cụ Hồ được phát hành khắp cả nước để thay thế đồng bạc Đông Dương.

Tuy nhiên, từ giữa năm 1947, chiến tranh lan rộng dẫn đến việc lưu hành đồng bạc Cụ Hồ gặp khó khăn, trong khi nhu cầu về tài chính cho vùng Liên khu V rất cấp thiết. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 231 cho phép chính quyền Nam Trung Bộ in và phát hành tín phiếu và có giá trị như đồng bạc Cụ Hồ.

Tháng 9/1947, xưởng in tín phiếu đặt tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham ra đời dưới sự chỉ đạo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Theo tài liệu lưu trữ, ban đầu xưởng in được trang bị 5 máy minet, vận hành bằng đạp chân để cung cấp điện thắp sáng. Vẽ mẫu tín phiếu do họa sĩ Hoàng Kiệt đảm nhận, còn bản ảnh in (khuôn in) bằng đồng do thợ điêu khắc Văn Hồ đảm trách. Giấy in do các cơ sở sản xuất giấy ở Trà Câu, xã Phổ Văn, thị xã Đức Phổ và xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa cung cấp.

Tờ tín phiếu 1 đồng lưu trữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi.

TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết, các loại tín phiếu được in và phát hành lúc bấy giờ gồm 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.

TS Khôi cho hay, do thời gian nên tín phiếu có mờ, song đường nét vẫn rõ hình Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chữ ký của ông Phạm Văn Đồng và ông Nguyễn Duy Trinh.

Mệnh giá ghi bằng chữ quốc ngữ, chữ hán và chữ số. Ngoài những đặc điểm chung đó, mỗi tờ tín phiếu còn được trang trí cảnh vật và con người thể hiện những hình tượng như: Công - nông - binh, sĩ - nông - công - thương, non nước hùng vĩ và giàu đẹp...

Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: "Việc phát hành tín phiếu với nhiều mệnh giá khác nhau ở Liên khu V lúc đó không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính tiền tệ độc lập và thay thế đồng bạc Đông Dương mà còn khẳng định đây là vùng tự do của Việt Nam".

Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang

Trong lúc hoạt động sản xuất và phát hành tín phiếu được tiến hành đều đặn, ngày 25/1/1950, xảy ra bạo loạn ở Sơn Hà. Xưởng in bị địch phát hiện nên được lệnh chuyển đến thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng. Đồng thời, sau chiến dịch Biên giới thắng lợi (năm 1950), cục diện chiến tranh có nhiều thay đổi, quân và dân ta chuyển sang tổng phản công.

Bản sao Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cho phép ra đời tín phiếu vùng Nam Trung Bộ.

Để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ có Sắc lệnh số 15 cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, quyết định thay giấy bạc tài chính bằng giấy bạc ngân hàng, vào giữa năm 1951.

Lúc này, cơ quan in tín phiếu đóng tại xã Trà Bình, huyện Trà Bồng sáp nhập vào cơ quan 100 đóng tại Hoài Ân, tỉnh Bình Định, trực thuộc Ngân hàng Liên khu V. Tháng 6/1951, xưởng in tín phiếu của Liên khu V hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết, tín phiếu do xưởng in đặt ở xóm Xà Nay phát hành và lưu hành không chỉ ở vùng tự do bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với số dân 2,5 triệu người mà còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…

"Việc tín phiếu lưu hành khắp các tỉnh thành bao gồm vùng Pháp kiểm soát đã góp phần phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng nền kinh tế tự túc ở Liên khu V, tự cung cấp đủ cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của cả nước đi đến thắng lợi», TS Khôi chia sẻ.

Ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12), cho 29 bảo vật. Trong số đó có hai khuôn in tín phiếu Liên khu V, có niên đại năm 1947. Trước đó, vào năm 2021, Bộ VH, TT&DL ký quyết định xếp hạng địa điểm Xà Nay, nơi đặt xưởng in tín phiếu của Liên khu V là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ve-noi-ra-doi-bao-vat-quoc-gia-77-nam-tuoi-192240430103508379.htm