Về nơi 'lưu dấu Anh hùng'

Cách TPHCM khoảng hơn 100km với gần 3 tiếng đường bộ, chúng tôi tìm về Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) trong những ngày tháng 8 lịch sử này. Mặc dù đã đặt chân đến đây nhiều lần, nhưng cảm xúc vẫn luôn bồi hồi, xen lẫn tự hào, vinh dự...

Anh linh tụ hội…

Cách đây hơn thế kỷ, đồi 82 Tân Biên, nơi ngày nay là nghĩa trang liệt sĩ, đã được nhắc đến trong tạp chí của Viện Viễn Đông Bác cổ, số 9 năm 1909, tác giả là nhà nghiên cứu H. Parmentier, viết rằng dân địa phương luôn nhắc đến ngọn đồi này như một nơi rất đỗi linh thiêng. 80 năm sau, năm 1989, nghĩa trang liệt sĩ được khởi công xây dựng, trở thành nơi an nghỉ của gần 14.000 Anh hùng Liệt sĩ khắp mọi miền tổ quốc đã anh dũng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 4.000 liệt sĩ quy tập về từ chiến trường Campuchia. Có thể nói rằng, trang chép của H. Parmentier từ 100 năm trước đã được chứng nghiệm.

Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 là công trình thể hiện lòng tri ân với những người con ưu tú của đất nước đã không tiếc máu xương, hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những giá trị, ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa, tâm linh nơi này còn là cơ sở lưu dấu lịch sử để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ sau. Chính vì lẽ đó, nghĩa trang này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, là địa chỉ đỏ tâm linh để thân nhân, tổ chức, đơn vị đến thăm viếng, tri ân, tỏ lòng thành kính trước anh linh các Anh hùng Liệt sĩ.

Phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã vì nước quên thân

Dẫn chúng tôi đi giữa những hàng bia mộ trắng bát ngát, một cán bộ Ban Quản lý nghĩa trang cho biết, hồi mới xây dựng, nghĩa trang này dự kiến rộng 9ha. Nhưng nay do quy tập mộ từ khắp nơi về, trong đó có chiến trường Campuchia, nên đã mở rộng diện tích tới 25ha. Nghĩa trang phân ra nhiều khu vực, ở giữa là những nhà bia, tượng đài với thấp thoáng màu ngói đỏ, tường vàng giữa những chùm hoa sứ tỏa hương. Đấy là ngôi nhà đặt bia tưởng niệm chung, được hoàn thành cùng với đài tụ linh (xây dựng năm 2009) mái ngói xanh ngọc, cột, nền đá trắng tinh khôi tạo nên điểm nhấn trung tâm.

Từ đây nhìn ra, sẽ thấy mái ngói đỏ nhà bia liệt sĩ thanh niên xung phong; nhìn vào mé trái thì lại thấy cột vàng của khu nhà bia liệt sĩ ngành giáo dục... Đi theo đường vòng cung về bên phải qua một số nhà bia khác sẽ có những bậc cấp đưa ta lên nhà bia liệt sĩ Ban An ninh miền ở trên mỏm đồi. Đấy là một mái chùa đặc trưng vùng Bắc Bộ với đầu đao cong lợp ngói mũi hài chở che tấm bia dài lung linh những tên tuổi Anh hùng Liệt sĩ. Thềm gạch đỏ từ đây sẽ dẫn lối chúng ta xuống với mộ các anh nằm vĩnh hằng trên sân trước nhà bia...

Gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ngàn ngàn liệt sĩ từ nhiều chiến trường đã được quy tập về trên đồi thiêng đất mẹ này. Đứng giữa những hàng bia mộ, ngước mặt nhìn lên sẽ có cảm giác anh linh các Anh hùng Liệt sĩ từ trên cao đang hội tụ về đây! Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xung đột biên giới Tây Nam và chiến đấu với giặc Polpot cứu nước bạn Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ của chúng ta, từ Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, lực lượng thanh niên xung phong, các ngành giáo dục, y tế, các chí sĩ yêu nước đã mãi mãi nằm xuống, một phần trong số họ giờ đang an nghỉ tại đây. Những Anh hùng Liệt sĩ này đã gác lại bao đam mê, hoài bão tuổi trẻ để anh dũng chiến đấu hi sinh vì độc lập dân tộc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Tinh thần bất khuất, sự kiên trung ấy đến nay đã được chuyển hóa thành những khát vọng cháy bỏng, những ước mơ xây dựng Tổ quốc ngày một hùng cường, tươi đẹp hơn.

Công an địa phương tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82

Đời đời nhớ ơn!

Những ngày cuối tháng 8 mang đậm tính lịch sử này, ai đến Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 cũng đều cảm kích trước khung cảnh trầm mặc, trang nghiêm nơi đây. Từng lớp người từ khắp mọi miền đất nước tìm về thắp nén nhang viếng hương hồn người "nằm dưới cỏ”, lòng ai cũng trào dâng niềm xúc cảm, tự hào về những người con trung hiếu của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Xuân Hóa - cựu binh chiến trường Campuchia, từ Hà Tĩnh theo đoàn địa phương viếng nghĩa trang, đến thắp hương cho người đồng đội là Liệt sĩ Lê Văn San, rưng rưng: "Tôi rất xúc động khi nghĩa trang được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng khang trang thế này, linh hồn đồng đội tôi sẽ rất ấm áp! Giờ đây, chiến trường năm xưa đã trở lại màu xanh, nhưng đồng đội vẫn còn người nằm lại đó, chưa thể tìm thấy hài cốt để đưa về nghĩa trang này".

Cách dãy mộ ông Hóa đứng không xa, cha con ông Nguyễn Lương Tùng (ngụ TX.Bến Cát, Bình Dương) cũng đang rót chén rượu thơm, châm nén nhang tỏ lòng thành kính bên mộ Liệt sĩ Nguyễn Lương Huy. Trong ký ức, ông được mẹ kể, sau cuộc chiến chống Mỹ, bố ông tiếp tục chuyển lên đóng quân tại biên giới Tây Nam và hi sinh vào năm 1978, trong lúc phòng ngự quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ. Ông Tùng cho biết, thực hiện di nguyện của ông nội, mỗi năm vào ngày giỗ, ông đều đến nghĩa trang này thắp nén nhang để rước bố về nhà ăn giỗ. Ông Tùng tâm sự: "Khi còn sống, chưa bao giờ ông nội bớt nguôi ngoai về sự mất mát của gia đình. Dù rất mạnh mẽ, nhưng mỗi lần đưa ông lên nghĩa trang này, đứng bên mộ con trai, ông đều rơi nước mắt rồi lẩm nhẩm nói một mình: Bố luôn tự hào về con!".

Hoàng hôn dần tắt, những nén nhang, ngọn nến của thế hệ trẻ đến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ lung linh, huyền diệu

Dừng chân tại đài bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ ngành giáo dục, nơi có tượng đài và bia khắc tên 621 liệt sĩ, trong đó có 111 nhà giáo đi B và 510 nhà giáo địa phương, chúng tôi chứng kiến một đoàn từ TPHCM về thắp hương sau ngày hội khóa. Tại đây, những cựu giáo sinh, giáo viên này tổ chức tưởng niệm các đồng nghiệp đã nằm xuống vì sự nghiệp giáo dục - chống giặc ngoại xâm. Thầy Trần Văn Lâm cho biết, cứ mỗi lần gặp mặt là khóa của thầy lại về đây, trước thắp nén nhang cho đồng đội đã khuất, sau cùng nhau ôn lại kỷ niệm những năm tháng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp trồng người của mình. Thầy nói rằng, không phải chỉ thế hệ thầy giáo trong thời chiến tranh mới nhớ đến nơi này mà đây luôn là một địa chỉ đỏ để các thế hệ ngành giáo dục tìm về.

Theo Ban Quản lý nghĩa trang, cứ mỗi dịp lễ lớn của đất nước, ngày thành lập các ngành, lực lượng... là nghĩa trang lại trở thành những buổi hội tâm linh, đông đúc, trang nghiêm, xúc động khi các đoàn từ khắp nơi về dâng hương tỏ lòng tri ân sâu sắc. Ý nghĩa hơn nữa, nơi đây chính là một địa điểm lịch sử mang giá trị to lớn trong tuyên truyền, giáo dục nhằm lan tỏa, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, là điểm tụ hội của thế hệ trẻ tìm về để nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, nhằm cống hiến, phụng sự tốt nhất cho đất nước.

Khi ánh hoàng hôn dần tắt, những nén hương, ngọn nến được thắp lên để tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân đến các Anh hùng Liệt sĩ trên Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 trở nên lung linh, huyền diệu. Chúng tôi hiểu, đó chính là nghĩa cử về cội nguồn, là truyền thống nhân văn, đạo lý, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau với non sông đất nước. "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ” chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay!

CHÍNH NHÂN - KHẮC LÃM

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/ve-noi-luu-dau-anh-hung_151479.html