Về nơi huấn luyện các tiểu đoàn Yên Ninh

Đã 57 năm trôi qua, ký ức oai hùng vẫn in sâu trong tâm khảm mỗi người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh. Trong những chiến sĩ ấy, có những người con ưu tú của quê hương Yên Bái nói chung và của xã Tân Hương nói riêng nay trở về đời thường. Trong tâm trí họ vẫn in đậm tình cảm của nhân dân các dân tộc xã Tân Hương đã dành cho chiến sĩ Yên Ninh ngày ấy.

Mô hình nuôi bò 3B vỗ béo của gia đình anh Hoàng Văn Thực ở thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương cho thu nhập cao.

>> Những tiểu đoàn Yên Ninh anh hùng

>> Tân Hương chuyển biến tích cực từ việc học và làm theo Bác

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu của tiền tuyến lớn, đòi hỏi sức người, sức của vào miền Nam phải tăng, công tác tuyển quân lúc này cần hơn bao giờ hết, Tỉnh đội Yên Bái được giao nhiệm vụ tổ chức, xây dựng tiểu đoàn huấn luyện quân đi B. Nhiệm vụ mới mẻ lại rất khẩn trương, nên tỉnh phải rút cán bộ từ các cơ quan và gấp rút tuyển quân. Theo đó, chỉ trong 2 năm (1967 - 1968), Đảng bộ và nhân dân Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh và được huấn luyện tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình.

Theo lời kể của ông Phạm Tiến - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh các Tiểu đoàn Yên Ninh: trong những ngày tháng huấn luyện nghiêm ngặt, gian khổ đó các chiến sĩ Yên Ninh đã được nhân dân các dân tộc xã Tân Hương yêu mến, đùm bọc, che chở, giúp đỡ. Họ chính là lực lượng hùng hậu cùng các chiến sĩ đốn cây, dựng lán trại, ủng hộ lương thực, thực phẩm trong suốt quá trình huấn luyện. Đây có thể đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng giúp các chiến sĩ thuộc 4 Tiểu đoàn Yên Ninh nhanh chóng trưởng thành, kiên cường, vững tin trong chiến đấu để cùng toàn dân tộc làm nên những chiến thắng vang dội trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn đất nước”.

Tại địa điểm huấn luyện năm xưa, lán trại nay không còn, chỉ còn lại 2 hầm đất, hệ thống giao thông hào và không gian lịch sử. Hiện nay, dấu tích của di tích Nơi thành lập các tiểu đoàn Yên Ninh nằm rải rác tại các thôn: Loan Hương, Tân Bình, Khuôn Giỏ, Ngòi Vồ. Để ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng, một thời oanh liệt của các tiểu đoàn Yên Ninh, chính quyền địa phương tiếp tục tích cực bảo vệ, giữ gìn những dấu ấn đó và không ngừng tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử trong nhân dân, để tình cảm của người dân Tân Hương nói riêng và nhân dân các dân tộc Yên Bái nói chung không bao giờ quên những hy sinh và cống hiến của những người lính Yên Ninh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Chiến tranh đã qua đi, nhiệm vụ cầm súng trên chiến trường đã hoàn thành, nhiều đồng chí đã trở về tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương. Cựu chiến binh Hầu Xuân Tiến hiện là thương binh hạng 3/4 ở thôn Ngòi Vồ chia sẻ: "Khi trở về từ chiến trường, tôi cũng muốn tiếp tục cống hiến công sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh nên cũng đã tham gia công tác xã hội tại địa phương như là công an viên, tham gia hội cựu chiến binh xã… Đến giờ, đã ở tuổi "thất thập” tôi rất tự hào và phấn khởi khi thấy quê hương mình ngày càng thay đổi, cuộc sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần ngày một nâng cao”.

Năm xưa, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con của xã Tân Hương đã lên đường chiến đấu và chiến thắng. Ngày nay, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân dân các dân tộc xã Tân Hương cũng ra sức thi đua, học tập xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng chí Tạ Minh Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: "Kế thừa truyền thống cách mạng, xã Tân Hương đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tính năng động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân. Từ đó, đã "ươm mầm”, nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Điển hình như mô hình kinh tế nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Hoàng Văn Thực ở thôn Khuôn Giỏ. Là một trong những hộ gia đình dân tộc thiểu số nhưng anh Thực mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chuồng trại để nuôi bò 3B vỗ béo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. "Được sống trên mảnh đất di tích lịch sử tôi rất tự hào. Tôi luôn tự nhủ phải sống thật xứng đáng với những hy sinh, mất mát của các chiến sĩ năm xưa. Do đó, tôi quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương”- anh Thực chia sẻ.

Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, lâu dài, trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; trong đó, xác định cụ thể, mục tiêu, lộ trình triển khai, có những giải pháp nhằm huy động sức dân, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, môi trường...

Nhờ đó, xã đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2023, thu nhập bình quân đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn 9,12%; hộ cận nghèo còn 3,48%... Đây là cơ sở và điều kiện để xã Tân Hương phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Tiếp bước truyền thống cha anh, trong thời kỳ đổi mới nhân dân các dân tộc xã Tân Hương không ngừng nỗ lực học tập, cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/321936/ve-noi-huan-luyen-cac-tieu-doan-yen-ninh.aspx