Về ngôi làng nổi tiếng với nghề chuột đồng

Làng Thọ Bằng, xã Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nổi tiếng với nghề chuột đồng. Dịp này như vào mùa chính, ngôi làng lại nhộn nhịp với cảnh săn bắt, mua bán chuột đồng...

Làng Thọ Bằng, xã Đức Thành lâu nay được gọi với cái tên "làng thịt chuột". Từ xa xưa nghề săn bắt chuột đồng cũng như chế biến nhiều món ăn lạ từ thịt chuột đồng đã khá quen thuộc với người dân ở ngôi làng này. Vào dịp nông nhàn, bà con địa phương lại đi săn chuột đồng ban đêm, bán cho thương lái kiếm tiền.

Ngoài trực tiếp tham gia săn bắt chuột, nơi đây còn được biết đến với những gia đình chuyên thu mua chuột đồng như nhà ông Cung Đình Mậu. Mỗi ngày gia đình ông Mậu và hai gia đình chuyên thu mua chuột ở ngôi làng này thu mua từ 5 tạ đến 1 tấn chuột đồng được người dân địa phương bán lại.

Giá thu mua lại từ người dân dao động từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg chuột sống. Những người có kinh nghiệm như anh Hồ Tình có những đêm thu nhập cũng gần 700 nghìn đồng từ việc săn bắt chuột. Không chỉ săn bắt ở địa bàn, nhiều người còn đi tới các xã, huyện lân cận...

Không kể tuổi tác, phụ nữ hay đàn ông, người lớn hay trẻ nhỏ, ngôi làng này từ lâu đã gắn với nghề săn chuột đồng bán lại cho thương lái thu mua, phần thì chuyển đi các địa phương khác làm món đặc sản, phần thì làm thịt trực tiếp rồi bán cho các quán nhậu, người dân.

Để săn được chuột, các thợ săn phải dùng bẫy kiểu lồng sắt nhỏ hoặc trực tiếp dùng các biện pháp thủ công khác để dụ chuột trốn trong các hang ổ ở các bờ ruộng lớn. Ngoài ra các thợ săn còn đặt bẫy ở những khu vực đồi, núi.

Chuột ở miền quê này được người ta làm thịt sạch rồi chế biến thành nhiều món độc đáo, dư vị đậm đà khó tả. Cũng bởi vậy mà những món ăn chế biến từ thịt chuột trở thành đặc sản.

Vào dịp này, ngôi làng bỗng tất bật hẳn lên, có những ngày cơ sở thu mua nhỏ lẻ cũng mua được 20-30 kg chuột. Chuột săn được đều còn sống, được chủ thu mua nuôi nhốt vào lồng, nhanh thì trong ngày, chậm thì tới ngày hôm sau sẽ được các thương lái ở xa thu gom và vận chuyển đi tiêu thụ nơi khác.

Ngoài người dân địa phương, người dân ở các xã lân cận cũng mang chuột săn được về ngôi làng Thọ Bằng để bán lại cho các chủ thu mua. Việc săn bắt chuột không chỉ hạn chế được việc chuột phá hoại cây trồng, hoa màu mà còn giúp nhiều nhà có thêm được một khoản thu nhập.

Theo khuyến cáo, thịt chuột cần làm sạch và chế biến kỹ lưỡng, bởi chuột thường mang những mầm bệnh như dịch hạch, viêm phổi, sốt xuất huyết... ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hoàng Phạm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ve-ngoi-lang-noi-tieng-voi-nghe-chuot-dong-354976.html