Về một góc nhớ

Năm năm mươi giữa hai đầu thế kỷ, với biết bao biến thiên dời đổi của đất trời, của thời cuộc, của lòng người. Sự đổi thay nào cũng đớn đau, bầm dập, đong đầy máu và nước mắt, và cũng có cả những nụ cười lấp lánh hào quang, đoàn viên, hạnh phúc. Sự giằng xé co kéo níu giữ giữa cũ - mới, được - thua, còn - mất, mang tính lịch sử cách mạng sâu sắc, xác lập nên những giá trị mới mẻ, đồng thời cũng làm xáo trộn không nhỏ những giá trị tinh thần vốn đã được minh định, sàng lọc qua cỗ máy thời gian, chiêm nghiệm qua lớp lớp trầm tích của dòng chảy nhân sinh, sự đổi thay mất còn hẳn là điều tất yếu.

Năm mươi năm qua, cứ mỗi độ mùa phượng vĩ bắt đầu nhóm lửa, thắp sáng vòm xanh đưa lối hạ về, lòng dạ cứ bổi hổi bồi hồi dậy men hoài nhớ, nhớ về một thời áo trắng sân trường bên thầy cô, bạn hữu, một thời mộng mơ khát khao và hy vọng. Nó như còn có một cái gì đó mà năm tháng qua đi vẫn chưa thành hình trọn vẹn, vẫn chưa thành tên gọi chuẩn xác trong tôi, nó cứ bảng lảng khôn nguôi, lòng người xao xuyến, ăm ắp nỗi niềm. Tôi phân vân tự hỏi, có phải vì mình quá mê đắm mùa phượng vĩ nên tôi luôn ở trong trạng thái hút hồn mỗi độ tháng Tư về? Không hẳn vậy, có một điều gì đó như là nỗi nhớ nhung về mối tình thuở thanh xuân một thời chiến trận, một cái gì đó như hoài niệm thời tuổi trẻ đã qua, ngậm ngùi nghĩ về những người đã ngã xuống cho đất nước hôm nay được bình yên toàn vẹn...

Trời tháng Tư rực rỡ cờ hoa, lịch sử sang trang, thời khắc quyết định thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc đã trải qua nhiều đau thương, máu xương và nước mắt, thời khắc định mệnh của một đất nước đang phải gồng gánh trên lưng mình chồng chất bao nhiêu là thương tích, nhọc nhằn bước qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Tháng Tư 1975 - cột mốc huy hoàng, khóa son lịch sử, dân tộc Việt Nam kết thúc cuộc chiến tranh vĩ đại của mình, đích đến của hành trình thống nhất đất nước. Mở ra kỷ nguyên hòa bình độc lập, thiết lập nên một thời đại mới, thời đại của áo ấm cơm no, dựng xây và phát triển, dẫu đường đi và đích đến còn nhiều bất cập, chông gai và hầm hố.

Ngược dòng thời gian, về với Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 50 thế kỷ XX, đó là thời kỳ đặc biệt khó khăn của cách mạng miền Nam. Tháng 4/1959, quốc hội Việt Nam Cộng hòa dưới thời trị vì của ông Ngô Đình Diệm đã cho thông qua luật số 91, ban hành vào ngày 06/5/1959, lấy tên là luật 10/59 về việc thành lập các tòa án quân sự đặc biệt, theo luật này bản án chỉ có hai khung hình phạt: tử hình và khổ sai chung thân. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa khi đó có quyền ra lệnh có viện dẫn lý do đưa can phạm ra Tòa án quân sự đặc biệt để xét xử, không cần thẩm cứu, tòa sẽ nhóm họp để xét xử trong thời hạn 3 ngày. Mục đích của luật 10/59 nhằm đặt phe đối lập và những người yêu nước ra ngoài vòng pháp luật.

Để thực thi luật này có hiệu quả, chính quyền đương thời cho thiết lập khu trù mật, dồn dân vào các khu tập trung để dễ bề kiểm soát, hòng tách người dân ra khỏi Cách mạng. Mặt khác ra sức bắt bớ tù đày, dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man, tàn khốc, ra sức khủng bố, đàn áp sát hại những người yêu nước, mục đích nhằm diệt trừ tận gốc rễ phong trào Cách mạng miền Nam. Cha tôi cũng như bao nhiêu người chồng, người cha khác đã có mặt trong đoàn quân tập kết ra Bắc, ông trở lại cố hương, gởi lại trong Nam một phần máu thịt của mình để rồi từ đó ông luôn sống trong tâm trạng khắc khoải ngày Bắc đêm Nam. Mẹ tôi hoạt động Cách mạng nội thành, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa truy bắt. Vì để bảo toàn nhiệm vụ cũng như bảo đảm an toàn cho tổ chức, bắt buộc mẹ con tôi không được sống bên nhau.

Ngày ấy tôi còn là một cô bé mới năm, bảy tuổi, có cha có mẹ đủ đầy mà phải sống trong thân phận đứa trẻ không cha mẹ, không gia đình, không quê hương bản quán, bèo dạt mây trôi chìm nổi trong cơn lốc chiến tranh, trong cuộc giằng xé phân chia máu lệ của hai miền đất nước. Và chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra trong thời khắc lịch sử đó, cứ thế lớn dần lên trong cuộc chiến tranh hận thù, máu lửa. Chúng tôi trôi nổi phập phù khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, nay ở với người quen này, mai ở với cơ sở nuôi chứa khác, có khi còn trôi tuốt ra Long Hải. Sau "cơn lốc đen" của luật 10/59, hàng loạt cơ sở Cách mạng bị triệt phá, chúng tôi như những mầm cây bị bật gốc, trơ trọi giữa bão giông, không nơi nương tựa, không người chở che và không biết bằng cách nào đó, chúng tôi được người ta đưa đến Hội Dục Anh, tôi còn nhớ mang máng đâu như ở gần chợ Thái Bình. Hội Dục Anh khi đó còn là nơi nuôi nấng trẻ em nghèo, cơ nhỡ, gia đình không có đủ điều kiện chăm sóc, chưa phải là nơi nuôi trẻ mồ côi như sau này. Cuộc sống ở Hội Dục Anh có phần ấm cúng đôi chút.

Mỗi chiều thứ bảy, hầu hết các bạn nhỏ được cha mẹ đón về nhà chơi, sang tuần mới quay trở lại, nhìn các bạn háo hức chờ đợi giây phút gặp lại ba mẹ sau một tuần xa cách, tôi và L. buồn thiu cúi đầu chịu đựng, hoặc lẻn tìm một góc vắng lẳng lặng ngồi bên nhau. Lắm khi đợi mọi người đi hết, hai đứa không nói không rằng đứng ôm song sắt hàng rào, nhìn ra đường như thầm đếm lá rơi mà mơ giấc mơ mái ấm gia đình. L. cũng là con của người Cách mạng, dì Tư và mẹ tôi là đồng chí của nhau.

"Đội quân tóc dài" biểu tình yêu cầu hủy bỏ luật 10/59, phản đối Mỹ - Diệm xây căn cứ quân sự chuẩn bị chiến tranh

Ba L. là Bí thư Tỉnh ủy của một tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông hy sinh trong thời kỳ đen tối nhất của Cách mạng miền Nam. Ở Hội Dục Anh đâu được vài tháng, L. được dì Tư cho người bảo lãnh ra, và từ đó chúng tôi - hai đứa trẻ lưu lạc - vì cơn gió bụi này mất hút nhau, mãi cho tới sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi và L. mới có dịp gặp lại giữa TP.Hồ Chí Minh cờ hoa rực rỡ, khác với Sài Gòn xưa đắng chát nỗi niềm. Và còn vui hơn thế nữa, dẫu thời gian cách xa biền biệt, hai đứa chúng tôi mỗi người mỗi nẻo nhưng tựu trung vẫn cùng nhau một con đường, vinh dự góp mặt mình trong đoàn quân làm nên mùa cờ hoa ấy. Sau này tôi mới biết, hồi ấy L. theo dì Tư vào rừng, rồi được tổ chức đưa ra miền Bắc tiếp tục học hành, ổn định tương lai, chấm dứt cuộc sống ba chìm bảy nổi giữa Sài Gòn hoa lệ.

Còn lại mình tôi lẻ loi như cánh chim non vỡ tổ, một thân một mình tiếp tục cuộc trần ai, không hiểu vì cơn cớ gì tôi lại được người ta cho vào viện mồ côi, ở đâu đó miệt Chợ Lớn, thuộc quyền quản lý của các ma soeur mà mọi người thời ấy quen gọi các nữ tu Công giáo là dì phước. Cuộc sống ở viện mồ côi có phần khắc khổ, lạnh lẽo bơ vơ hơn ở Hội Dục Anh. Thủ tục để được vào viện thì quá dễ dàng, nhưng còn làm cách nào để được ra khỏi viện một cách hợp tình hợp lý, mà không bị lộ sơ hở đến tung tích hoạt động của mẹ tôi, đó mới là điều đáng nói. Vì vậy đằng sau nó là cả một câu chuyện dài, dính dáng đến nhiều người, mỗi người là một vai diễn, con bé tôi cũng có phần...

May mắn trời đất tổ tiên phù hộ tôi tròn vai diễn một cách ngoạn mục, mặc dù không có "đạo diễn" sắp xếp, dặn dò trước, linh tính đứng trước sự tồn vong đã chỉ dẫn tôi đi đúng đường, và nếu ngược lại chuyện gì sẽ ập đến, bắt bớ khảo tra, hy sinh mất mát, mọi cái đều có thể xảy ra, chuyện đã qua hơn năm mươi năm rồi, giờ nghĩ lại còn thấy bàng hoàng. Mẹ tôi đang lúc nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, lúc nào cũng có thể đi tù hoặc nguy hại đến tính mạng, không còn cách nào khác, tổ chức cũng quyết định đưa tôi vào Căn cứ địa cách mạng vùng U Minh Thượng, thuộc địa phận Rạch Giá cũ, để mẹ tôi không vướng bận mà an tâm hoạt động, cũng để bảo vệ an toàn cho chính bản thân tôi. Cuối năm 1959, tôi vào rừng sống cuộc đời của một chiến sĩ Cách mạng thực thụ, mặc dù mới tí tuổi đầu.

Sau ngày 30/4/1975, tôi trở về thăm lại nơi tôi đã từng sống, từng được bà con đùm bọc chở che, những tên xóm, tên làng đắm sâu trong ký ức, thỉnh thoảng rung ngân trong miền nhớ: Bàn Cờ, Khánh Hội, Xóm Củi, Xóm Chiếu, Cầu Ông Lãnh... Ra đi từ thuở măng tơ, ngày trở lại Sài Gòn trong vai người chiến sĩ... Và cho đến hôm nay, ở ngoài cái tuổi cổ lai hy ngoái nhìn lại những chặng đường đã đi qua mới thấy hết sự đổi thay kỳ vĩ của quê hương đất nước, của Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Sài Gòn đầu hạ.

NGUYỄN BÍNH HỒNG CẦU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ve-mot-goc-nho_161674.html