Về miền đất tổ thăm những ngôi đền cổ xưa

Ở Phú Thọ, bên cạnh Đền Hùng còn có những ngôi đền cổ linh thiêng, du khách nên ghé thăm để cảm nhận sự bình an.

Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố, đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.

Đền Hùng: Là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ), gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Từ chân núi `đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất).

Qua đền Hạ là đền Trung, nơi các vua Hùng dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ) từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng, nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, thường tới gội đầu tại đó.

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa…

Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Văn học dân gian Việt Nam nói về lễ hội đền Hùng như sau: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng ba".

Đình Hùng Lô: Nằm tại ngôi làng cổ Hùng Lô với niên đại hơn 300 năm tuổi, đình Hùng Lô từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam với những phong tục, tập quán gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Phần lớn những đồ thờ cổ đều có niên đại trên 300 năm, tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, những khí tự lễ hội.

Làng cổ Hùng lô (xã Hùng Lô, tỉnh Phú Thọ) nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm Thành phố Việt Trì khoảng 5km. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình Hùng Lô được xây dựng trên diện tích đất rộng 5000m2. Tương truyền, vào đời Lê Hy Tông (1967), người dân nơi đây đã dựng miếu để thờ phụng Vua Hùng đời thứ 18, hướng về núi Nghĩa Lĩnh, nơi đóng đô của Hùng Vương.

Đình cổ Hùng Lô là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu... Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái; cả ba gian đều có bàn thờ. Các gian tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Khu sân đình được bài trí thoáng rộng với hòn non bộ, cây si, cây đa rủ bóng.

Nơi đây cũng còn lưu giữ được hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng đầy đủ nhất; đặc biệt là hệ thống câu đối cổ rất phong phú với 43 câu đối ca ngợi cảnh trí quê hương và công đức vua Hùng.

Vào dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão.

Một điểm đặc sắc đáng lưu ý nữa, đình Hùng Lô rất nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu Đền Hùng từ xưa đến nay. Năm Mậu Ngọ (1918), đình Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội”; hiện nay, biển thưởng này vẫn được trang trọng lưu giữ trong đình.

Khám phá đình Hùng Lô, du khách còn có thể được nghe hát Xoan, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loai.

Đền Tiên: Đền Tiên là ngôi đền thiêng, tọa ngự trên địa bàn phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì. Đây là ngôi đền thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu, hay còn gọi là Bạch Tổ Mẫu, là người mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Mẫu là Hoàng hậu của Vua Kinh Dương Vương, người sinh thành dưỡng dục của Vua Lạc Long Quân, là bà nội của các vua Hùng trong bọc trăm trứng.

Đền Tiên là di tích quý giá nổi bật trong quần thể di tích thuộc kinh đô Nhà nước Văn Lang.

Theo ngọc phả cổ truyền, trước kia có khuôn viên 7000m2, nhìn về hướng Tây Nam, trước mặt là quốc lộ 2, phía ngoài đê có sông Thao chảy về ngã ba Bạch Hạc, nơi hội tụ của 3 dòng sông lớn: Sông Hồng Hà, Sông Đà, sông Lô. Ngôi đền có vị thế địa lý đắc địa về phong thủy, trước mặt là sông, sau lưng là núi, hội tụ đầy đủ khí thế sông núi để ban phát muôn đời cho con cháu đất Việt.

Tháng 7 năm 2003, đền Tiên đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm vào dịp ngày sinh 5-5 âm lịch và ngày hóa 10-10 âm lịch của Mẫu, Đền đều tổ chức lễ tế long trọng để nhân dân khắp nơi về phúng bái tưởng niệm.

Là một ngôi đền, thờ tự người mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đền Tiên cũng là biểu trưng cho truyền thống uống nước nhớ nguồn muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Đền Thiên cổ: Đền Thiên cổ tọa lạc trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì.

Đây là nơi thờ tự vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng 2 người học trò là Tiên Dung và Ngọc Hoa công chúa - con Vua Hùng thứ 18.

Ở đây còn giữ được bản Ngọc phả viết bằng chữ Hán trên giấy gió trắng dày 13 trang do Đông các địa học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1573. Trong Ngọc phả nói rõ cha của Vũ Thê Lang là Vũ Công ở Mộ Trạch, Hải Dương, dòng dõi thi thư. Nhưng vì không có gia sản, cảnh nhà xơ xác, 2 ông bà lên cung thành Văn Lang trú ở ngoại thành, tìm chỗ dạy học làm kế sinh nhai. 2 ông bà sinh được người con trai đặt tên là Thê Lang. Khi trưởng thành Thê Lang tìm đến người quen cũ của cha ở Đông Ngàn Kinh Bắc lấy con gái thứ của ông Nguyễn Công tên là Thục làm vợ. 2 người đưa nhau về Hương Lan tiếp nối nghề của cha mẹ, chăm việc dạy học và ra sức làm điều nhân nghĩa.

Hằng năm, với tấm lòng “Tôn sư trọng đạo” đã có hàng trăm đoàn khách đến thăm viếng, thắp hương tại ngôi đền. Đặc biệt, trong các ngày rằm, mùng một và trước các kỳ thi, rất đông phụ huynh, học sinh không chỉ ở Đất Tổ mà còn ở mọi miền Tổ quốc về đây thắp hương, coi đây là nơi linh thiêng mang lại may mắn và an lành.

Ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (303 TCN) ông bà sinh được người con trai đặt tên là Rô - hai năm sau sinh một bọc hai con trai. Ngày 2 tháng 2 năm Quí Dậu (288 TCN,) ông bà không ốm mà mất. Ba con trai cùng các học trò và dân trong thôn trang làm lễ chôn cất rồi dựng miếu thờ.

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/ve-mien-dat-to-tham-nhung-ngoi-den-co-xua-c14a73585.html