Về miền đất… thức

Giờ đây, người dân thôn Đá Hàn (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) đã có thể yên tâm vì cuộc sống khá no đủ. Đằng sau sự bình tâm ấy vẫn luôn là khát vọng làm giàu, là ước mơ đánh thức tiềm năng của miền đất đang chuyển mình mạnh mẽ...

Mô hình nuôi cá ao nổi ở Gia Hòa (Gia Viễn).

Mô hình nuôi cá ao nổi ở Gia Hòa (Gia Viễn).

Đón chúng tôi vào một ngày mưa lạnh, trưởng thôn Đinh Văn Hồng bảo rằng với thời tiết này, đa số bà con ở nhà, chăm sóc con nuôi. Bò không cần phải chăn thả nhiều như trước đây vì hiện nay chủ yếu nuôi bò nhốt chuồng. Cỏ voi được trồng ngay trong vườn, đủ để làm thức ăn chăn nuôi trong suốt mùa đông lạnh lẽo.

"Năm 1993, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thành lập và phát triển khu kinh tế mới Đá Hàn thuộc xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn. Khi ấy, Đá Hàn là mảnh đất cằn, đất khó. Tôi cũng là người dân của xã Gia Hòa, nhưng năm 2000 mới ra Đá Hàn lập nghiệp. Khi ấy, toàn thôn có chỉ vài chục hộ thôi, cũng có gia đình không chịu được khổ mà rời đi nơi khác làm ăn. Những người ở lại, đều như tôi, đặt quyết tâm phải chinh phục được vùng đất khó này. Vốn lam lũ, hay làm, chúng tôi tin có thể sinh sống tốt ở đây"- ông Hồng nhớ lại.

Sở hữu mảnh vườn rộng hơn 3 mẫu, gia đình ông Hồng dày công cải tạo để trồng cây ăn quả, trồng sắn, ngô, đu đủ…vừa để cải thiện cuộc sống vừa làm thức ăn cho chăn nuôi. Ông nuôi lợn, rồi dần dần chuyển sang nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao hơn. Đến năm 2010, ông Hồng năng động học hỏi và đưa nhím - con nuôi hoàn toàn mới ở Đá Hàn về nuôi. Từ 5 cặp nhím ban đầu, đến nay ông Hồng đã phát triển hàng trăm con nhím.

Dẫn chúng tôi đi thăm chuồng nhím với khoảng 200 con đang kỳ sinh trưởng, phát triển tốt, ông Hồng cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, đã ảnh hưởng phần nào tới việc tiêu thụ nhím. Tuy vậy, nhím vẫn là con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất Đá Hàn. Con nhím nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm, thậm chí nhà có thể cung cấp được.

Ngoài ra, ông Hồng còn nuôi thêm lợn rừng; hàng trăm con gà thả vườn... Thu nhập từ chăn nuôi mang lại cho gia đình ông Hồng mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Ông giúp đỡ giống, kinh nghiệm để nhiều người trong thôn cùng nuôi nhím. Hiện nay, toàn thôn Đá Hàn có 6 hộ nuôi nhím với tổng số gần 500 con.

Trưởng thôn Đinh Văn Hồng bảo rằng, ở Đá Hàn, cứ chăm chỉ, biết cách làm ăn thì không lo gì không có của ăn của để. Gần nhà ông Hồng là gia đình anh Tạ Văn Long. Anh Long là hộ thoát nghèo chưa lâu. Dẫu vậy, với điều kiện phát triển kinh tế hiện tại, vợ chồng anh tràn ngập niềm tin có thể phấn đấu trở thành hộ khá của thôn.

"Diện tích đất vườn này tôi trồng sắn, vừa để bán, tự cung cấp cho chăn nuôi. Ngoài ra còn một khoảnh để trồng rau bán, lấy tiền chi tiêu hàng ngày; tôi cũng dành đất để trồng cỏ voi, phục vụ cho chăn nuôi. Ở Đá Hàn, cứ chăm chỉ làm ăn thì không lo đói. Mùa nào thức ấy, đồng đất ở đây không khi nào được nghỉ cả. Động lực giúp gia đình tôi thoát nghèo vươn lên chính là đàn bò khỏe mạnh. Với lợi thế có chuồng trại, có nhân lực, có vườn trồng cỏ…, gia đình tôi đã phát triển đàn bò được gần chục con"- anh Long phấn chấn.

Ngoài trồng rau để bán, vợ anh Tạ Văn Long dành nhiêu thời gian chăm sóc đàn bò.

Trưởng thôn Đinh Văn Hồng phấn khởi: Ở Đá Hàn bây giờ phát triển nhiều mô hình chăn nuôi lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân năng động, sáng tạo và mạnh dạn áp dụng những mô hình mới vào sản xuất. Điển hình như mô hình nuôi trùn quế của gia đình chị Trần Thị Lan. Từ ngày chị Lan nuôi trùn quế, phế thải trong chăn nuôi ở thôn đều trở nên… có giá, bởi chị Lan thu mua để nuôi trùn. Vừa có thêm chút thu nhập, lại vừa sạch sẽ cho môi trường, cảnh quan trong thôn. Vì vậy, bà con ai cũng ủng hộ, thậm chí có nhiều nhà đã bắt đầu học và làm theo với mô hình nhỏ hơn.

Chị Lan kể, trước khi bắt tay vào nuôi trùn quế, chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học tập và đã làm thử nghiệm cùng một số hộ ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau đó, nhận thấy đây là hướng đi đúng, năm 2015, chị quyết định về quê để thực hiện mô hình nuôi trùn quế với hơn 4.000m2 ở địa bàn thôn Đá Hàn. Ban đầu, gia đình chị đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua 20 tấn trùn quế giống.

"Khi bắt tay vào nuôi trùn quế, tôi cũng đã nghĩ tới chuỗi sản xuất nông sản sạch khép kín. Nghĩa là nuôi trùn quế chỉ bán ra thị trường một phần, còn phần lớn dùng để phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt của chính gia đình mình. Từ đó, cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường" - chị Lan chia sẻ về dự định sắp tới.

Thôn Đá Hàn hiện có 118 hộ với 420 nhân khẩu. Vốn là thôn vùng xa của huyện, có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, những năm qua bà con trong thôn đã biến khó khăn thành lợi thế, tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển mạnh về chăn nuôi.

Toàn thôn hiện có Tổ hội nghề nghiệp nuôi nhím và bò nhốt chuồng với 25 hộ tham gia. Khi tham gia vào CLB nuôi bò, nhím, người dân được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tiêu thụ, giống, vốn…, vì vậy, CLB đã phát huy tốt hiệu quả. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt dựa vào kinh nghiệm, tự nhiên thì nay người dân Đá Hàn đã áp dụng mạnh mẽ KHKT, đưa những con nuôi, cây trồng có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất. Hiện nay, số lượng bò nuôi ở Đá Hàn lên tới trên 200 con.

Với lợi thế về địa hình, kinh nghiệm, địa phương cũng được lựa chọn để triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo. Người nghèo, cận nghèo cũng đã tận dụng cơ hội để vươn lên ổn định cuộc sống. Nếu như cuối năm 2022, toàn thôn có 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo thì theo kết quả rà soát được thực hiện vào tháng 11/2023, toàn thôn chỉ còn 1 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ve-mien-dat-thuc/d20231207140143310.htm