Vé máy bay Tết đắt đỏ, khan hiếm: Dấu hiệu bất thường?

Vé máy bay bị đội giá ngất ngưởng đã không còn là chuyện hiếm trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, những diễn biến bất thường trong cao điểm Tết năm nay đang khiến dư luận không khỏi quan ngại.

Choáng váng

Bất chấp việc các hãng hàng không liên tục phát đi thông điệp tăng chuyến, tăng ghế để bảo đảm nhu cầu tăng cao của người dân nhưng vé máy bay Tết năm nay đang dần trở thành một món hàng xa xỉ phẩm khi vé rẻ gần như "biến mất", chỉ có hạng vé giá cao được mở bán. Thậm chí một số chặng bay bắt đầu khan vé, hết vé.

Tiến hành khảo sát trên một số website của các hãng hàng không cho thấy, điểm dễ nhận thấy nhất tại thị trường vé máy bay Tết năm nay có thể gói gọn trong hai từ, “đắt” và “hiếm”. Đơn cử như chặng bay vàng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, hãng bay Vietnam Airlines chào bán cặp vé khứ hồi cho chiều đi ngày 6/2 và về 17/2 với giá từ hơn 6,5 đến hơn 7 triệu đồng tùy chuyến. Thậm chí, Vietnam Airlines chỉ còn số ít chuyến bay có giá vé hạng phổ thông hơn 7,3 triệu đồng/khứ hồi.

Cùng thông số ngày giờ và chặng bay như trên, giá vé một cặp vé khứ hồi mà Bamboo Airways chào bán cũng lên tới hơn 7,5 triệu đồng. Đa số các chuyến bay chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian này hầu như đều đã hết chỗ, chỉ còn lại một số chuyến của Vietjet Air, chủ yếu bay vào khung giờ đêm muộn và sáng sớm từ khoảng 19h tối hôm trước - 5h sáng hôm sau.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Tương tự tại chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé khứ hồi ngày mùng 1 Tết (10/2/2024) về ngày mùng 5 Tết (14/2/2024) của VietJet Air là khoảng 3,6 triệu đồng; Bamboo Airways 3,8 triệu đồng và Vietnam Airlines 6,4 triệu đồng. Riêng Vietravel Airlines đã ghi nhận hết vé. Mức giá này ghi nhận tăng khoảng gấp đôi so với ngày thường và tăng thêm so với giá vé máy bay Tết được khảo sát trong thời điểm giữa tháng 12/2023 khoảng từ 300.000 - 1,1 triệu đồng.

Không chỉ giá vé bị đội lên kịch trần mà lựa chọn cho hành khách ở những phân khúc giá “dễ chịu” cũng gần như không có. Hiện tại, trên website của các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways…, khách hàng có rất ít lựa chọn về dải vé khi gần như toàn bộ vé hạng phổ thông đều đã hết. Để tìm cho mình một chỗ trên máy bay về quê ăn Tết, hành khách chỉ còn lựa chọn duy nhất là hạng thương gia. Nếu so sánh với thị trường vé máy bay Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có thể thấy thị trường vé máy bay Tết năm nay đã “khó chịu” hơn rất nhiều.

Năm ngoái, dù giá vé máy bay Tết tăng rất cao nhưng tình trạng khan hiếm vé đã không xảy ra. Đặc biệt, có rất nhiều dải vé cho hành khách có thể lựa chọn, trong đó phân khúc vé phổ thông là tương đối dồi dào.

Việc giá vé máy bay tăng cao và có ít lựa chọn đã và đang khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Không ít người đã bắt đầu có sự đắn đo cho hành trình về quê ăn Tết. Chị Bùi Thanh Tâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã lên kế hoạch vào TP Hồ Chí Minh ăn Tết với ông bà song giá vé máy bay quá cao đang là một trở ngại lớn.

Báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn từ 24/1 - 25/2, tổng số chuyến bay dự kiến đạt xấp xỉ 33,8 nghìn chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại. Trong đó, chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24,2 nghìn chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác. Chuyến bay quốc tế dự kiến đạt 9,6 nghìn chuyến, tăng 60% so với cùng kỳ và 9% so với lịch bay quốc tế bình thường đang khai thác.

“Nhà tôi có 4 người, nếu đặt vé máy bay Tết phải mất gần 20 triệu đồng. Nếu như mọi năm còn cố gắng được nhưng năm nay kinh tế khó khăn, đó là cả một khoản tiền lớn” - chị Tâm nói và cho biết vợ chồng chị vẫn chưa dám đặt vì giá vé đang quá cao mà quyết định chờ đến sát Tết để quyết định có đặt vé máy bay hay không. “Đợi sát Tết nếu vé giảm hoặc có thêm vé giá rẻ thì chúng tôi sẽ đặt, nếu không sẽ chuyển sang phương tiện khác hoặc thay đổi kế hoạch vào Nam ăn Tết. Chứ vé máy bay cao như hiện tại thật sự gia đình tôi không kham nổi” - chị Tâm cho hay.

Bất thường?

Theo số liệu mới nhất của Cục Hàng không, tổng số chuyến bay dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến đạt xấp xỉ 33.800 chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ hiện tại. Trong đó, số chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24.200 chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay nội địa bình thường đang khai thác.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án, bố trí nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ các chuyến bay đêm dịp Tết. Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, theo dự kiến, nhu cầu khai thác đêm trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 21/1 - 25/2 trong khung giờ từ 21h00 - 05h59) đạt hơn 1.800 chuyến bay, chiếm tỷ trọng khoảng 8% so với tổng số chuyến bay nội địa khai thác toàn mạng.

Do đó, các hãng hàng không cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về nhu cầu khai thác đêm tới với các cảng hàng không để phối hợp xác nhận khả năng phục vụ nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách bằng đường hàng không khi triển khai chuyến bay đêm.

Các hãng hàng không cũng đã xây dựng kế hoạch tăng chuyến, tăng ghế trong cao điểm Tết năm nay. Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, đã tăng thêm hơn 100.000 chỗ, tương đương gần 550 chuyến bay, nâng tổng số lên 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết. Trong khi đó, Bamboo Airways sẽ tăng trên 20% tải cung ứng trong giai đoạn cao điểm, tập trung tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giữa

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng và các đường bay địa phương có nhu cầu cao. Ngoài ra, Bamboo Airways tăng cường các chuyến bay đêm trên đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng. Vietravel Airlines cũng thông báo tăng chuyến bay đêm thêm 3 chuyến/ngày trên chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội. Tỷ lệ lấp đầy trung bình trên các chặng bay của hãng trên 89%, trong đó chặng TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn, Đà Nẵng các ngày cận Tết đạt tỷ lệ lấp đầy trên 97%.

Trên thực tế, việc tăng chuyến, tăng ghế là thông điệp mà không phải dịp Tết năm nay các hãng hàng không mới nói đến mà hầu như cao điểm lễ, Tết nào cũng được phát đi. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, giá vé máy bay vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các chuyên gia cho rằng, việc giá vé máy bay “nhảy múa” vào mỗi dịp lễ, Tết, ngoài nguyên nhân do nhu cầu đi lại tăng cao của người dân thì không loại trừ khả năng có tình trạng thổi giá vé hoặc tạo con “sốt giả” để tăng giá vé. Bởi theo quy luật, cho dù nhu cầu tăng cao nhưng một khi các hãng bay có kế hoạch tăng chuyến, tăng ghế thì đúng ra giá vé máy bay phải giảm. Đằng này giá vé vẫn cao chót vót, thậm chí còn ngày càng khan hiếm là điều bất thường.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho biết, việc giá vé máy bay nói riêng và giá vé các dịch vụ vận tải hành khách tăng cao vào dịp Tết là điều dễ hiểu song nếu giá vé máy bay biến thiên một cách đột ngột là điều bất thường, cần phải được xem lại.

“Vé máy bay đột ngột tăng quá cao hay giảm quá thấp đều là điều bất thường” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, ngoài việc giá vé máy bay Tết tăng quá cao thì tình trạng ít dải vé (vé hạng phổ thông đều đã hết mà chỉ còn vé hạng thương gia – PV) cũng là điều không bình thường. Bởi giá vé máy bay được các hãng phân bổ với rất nhiều dải giá khác nhau, tùy từng thời điểm, từ thấp đến cao và được khống chế bởi mức giá trần của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không nhận định rằng, việc giá vé máy bay nội địa tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường trong dịp cao điểm Tết do các hãng phải tính toán cân đối đường bay. Vì vận tải nói chung, vận tải hàng không nói riêng dịp Tết chỉ đầy một chiều, chiều còn lại cơ bản là ghế trống. Cùng với đó, các hãng hàng không đang thực hiện bán vé theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định, đồng thời có sự cạnh tranh về giá vé giữa các hãng bay, đường bay.

Nếu cứ bán vé giá cao, các hãng hàng không sẽ bị ế. Chắc chắn họ sẽ có sự tính toán, điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của thị trường.
Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

"Nếu giá vé máy bay cao quá, chắc chắn người dân sẽ hạn chế đi du lịch, còn người về thăm thân cũng sẽ phải tính toán, thay đổi kế hoạch thay bằng việc về quê thì họ sẽ gửi quà biếu, gửi tiền” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo chuyên gia hàng không này, nếu giá vé nội địa quá cao, nhiều người chuyển sang lựa chọn các phương tiện đi lại khác hoặc thay đổi kế hoạch đi lại dịp Tết cho phù hợp với điều kiện kinh tế. Khi đó, vé máy bay sẽ không còn sốt và các hãng hàng không buộc phải điều chỉnh lại giá vé cho phù hợp. Đây chính là quy luật tự điều chỉnh của thị trường.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ve-may-bay-tet-dat-do-khan-hiem-dau-hieu-bat-thuong.html