'Về làng tôi chơi đi em'

Cứ mỗi lần ghé thăm một ngôi làng nào đó là tự nhiên hơi thở của tôi cũng nhẹ hẳn đi, và cảm giác như là mình đã thuộc về nơi này từ lúc nào. Này là ruộng lúa, kia là những bụi tre hóp bao quanh, thấp thoáng xa nữa mái những nhà thờ họ, đình làng. Thỉnh thoảng còn gặp vài bến nước sông quê, vẫn còn mạ hay chị ra bến giặt giũ...

Nhớ đọc ở đâu đó, trước khi là phố thị thì tất cả đều ở làng. Cho nên cái tâm lý ở làng, không gian làng, nếp sống làng, cảnh vật làng đã đi vào tâm thức, văn hóa của nhiều cư dân đô thị, đặc biệt với những nước có nền văn minh lúa nước như Việt Nam.

Với riêng Huế thì làng ở ngay bên cạnh hoàng cung, luôn như lịch sử đã ghi nhận việc vua Gia Long cho dời tám làng để xây dựng kinh thành Phú Xuân. Tôi còn nhớ cách đây chừng vài chục năm, khi dân cư thưa thớt, đất đai còn rộng rãi thì ruộng lúa, vườn rau, vườn cây ăn quả ở ngay vị trí bây giờ là trung tâm thành phố luôn. Làng và phố cách nhau chỉ một bờ sông hay thậm chí là một bến đò nhỏ. Những ngôi làng Vỹ Dạ, Ngọc Anh, Lại Thế, Kim Long, Tây Thượng... gọi là làng trong cảnh quan và các thiết chế văn hóa, nhưng cư dân của những ngôi làng này lại có lối sống của cư dân đô thị.

Về làng, mát mắt nhất là được nhìn những cánh đồng lúa. Những cánh đồng bao quanh như chở che cho ngôi làng. Lúa mới cấy có màu xanh non bé dại. Lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, rồi mùa lúa trổ đòng, mùa lúa chín, mùa “toóc rạ rơm khô”, mùa “đất đai nằm nghỉ ngơi”.... mùa nào cánh đồng cũng cho con người những cảm xúc thân thiết. Về làng, hên nhất là được gặp mấy “ông” cao tuổi trong làng mặc áo dài đen, khăn đóng, đi giỗ, đi chạp làng hay đi thu tế. Lúc ấy, cái không gian làng quê Việt hiển hiện đậm chất luôn.

Tôi nghĩ, may mắn là nếu về làng gặp những dịp giỗ, chạp, thu tế. Mà mùa thu tế năm nay cũng đang về. Chỉ cần nhìn mấy “ôn” cao tuổi toàn tâm, toàn ý lo việc làng, việc họ mới hiểu thêm được một phần nếp sống tôn ti, trật tự của người xưa mà các cụ còn gìn giữ cho đến hôm nay. Ví như khi thắp hương ở đình làng, cụ nào đứng ở gian giữa, cụ nào đứng ở hai gian tả, hữu hai bên rất rõ ràng, đúng lệ làng. Việc mặc áo dài màu gì, hình hoa gì cũng theo thứ bậc, không phải thích là được(?).

Những ngày này về làng, gió nam nóng nực như nung như nấu mọi thứ. Có đi qua những mùa nắng gió này mới hiểu là chỉ có về làng, màu xanh của cây lá mới đủ sức làm dịu mắt nhìn của con người. Và có như vậy mới thấu hiểu hơn những vất vả của nghề nông, những nhọc nhằn của nghề nông, thật không dễ có một mùa vàng.

Những ngôi làng ở dọc theo bờ sông mùa này cũng đỡ nóng nhiều. Nhiều làng bây giờ có thêm nghề nuôi cá lồng trên sông - có thể xem là một nghề mới ở những ngôi làng thuần nông xưa. Tôi đứng trò chuyện cùng một bác nông dân đang cắt cỏ cho cá ăn. Mỗi ngày bác phải cắt 8 bao cỏ cho cá, cỏ phải trồng mới đủ. Ở nhiều làng, đường đi lại trong xóm, trong thôn phần lớn đều được bê-tông hóa, bà con xây dựng nhà cửa chắc chắn, khang trang. Bây giờ về làng tìm nhà tranh tre nứa lá cũng khó. Hoa cũng được trồng trên nhiều con đường làng, hoa leo cũng giăng kín nhiều cổng nhà. Điện, nước máy cũng phủ kín, những tiện nghi của cuộc sống hiện đại không còn xa lạ với đời sống ở làng. Và dĩ nhiên, con người ở làng hiện nay cũng có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt nhưng cái chất làng quê, chân chất, hiền hậu vẫn còn đậm nét.

Tuần rồi, tôi về thăm một ngôi làng cổ ở ven sông Bồ, ra về rồi lòng cứ vui mãi khi tôi thuộc ngay tại chỗ hai câu ca dao mà một “ôn” trong làng đã đọc: “Trời sanh con mắt là gương/ Người ghét ngó ít, người thương ngó hoài”. Càng ngẫm càng thấy hay. Cha ông xưa thật tinh tế và cũng thật hóm hỉnh. Cứ vậy đó, từng niềm vui nho nhỏ, mỗi khi về thăm một ngôi làng, đắm mình trong không gian sống ở làng tôi thấy vui vì có mình hiện diện ở trong đó.

Xuân An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/ve-lang-toi-choi-di-em-131539.html