Về An Giang, thăm làng nghề bánh phồng Phú Mỹ trăm tuổi

Đặt chân đến An Giang, du khách không chỉ được ghé thăm những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà còn có cơ hội khám phá những làng nghề truyền thống thú vị nơi đây. Và làng nghề bánh phồng Phú Mỹ là một trong những điểm đến ngày càng thu hút du khách bởi sự độc đáo của nó.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ tọa lạc tại ấp Thượng 3, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang. Ngôi làng nằm cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 40km và cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 38km.

Để đi đến làng bánh phồng Phú Mỹ, nếu xuất phát ở khu vực trung tâm thành phố Long Xuyên, du khách hãy đi thẳng đường quốc lộ 91, đi qua bến phà Năng Gù, sau đó tiếp tục đi dọc theo đường quốc lộ 954. Khi đến khu vực cầu Miếu Đôi và UBND xã Tân Hòa, du khách rẽ trái đi vào đường Trần Văn Thành là sẽ đến được thị trấn Phú Mỹ. Tại đây, du khách có thể hỏi đường người dân hướng đi tới làng nghề bánh phồng Phú Mỹ.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ tọa lạc tại ấp Thượng 3, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang.

Tương tự, nếu đi từ trung tâm thành phố Châu Đốc, du khách cũng chỉ cần đi thẳng ra đường quốc lộ 91, phía bến phà Năng Gù, rồi tiếp tục đi theo chỉ dẫn như trên là sẽ đặt chân được đến làng bánh phồng nức tiếng của xứ cù lao này.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ từ khi thành lập đến nay đã gần 100 năm. Theo các cụ cao niên trong làng, khi người dân bắt đầu biết trồng lúa nếp cũng chính là lúc làng bánh phồng ra đời. Vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, trong làng chỉ có bốn gia đình sản xuất bánh phồng chủ yếu để bỏ mối cho những người bán xôi. Hoặc mỗi khi đến các dịp lễ, tết, cúng giao thừa, người dân nơi đây cũng thường làm nhiều bánh phồng để bán.

Tiếp nối những hộ gia đình trước, ngày càng có nhiều hộ dân trong làng làm bánh phồng, từ đó, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ ngày càng mở rộng và phát triển. Theo thời gian, nơi đây đã trở thành một trong những làng nghề nổi tiếng tại tỉnh An Giang.

Hiện nay, trong làng có trên 50 hộ gia đình làm bánh với khoảng 300 lao động.

Hiện nay, trong làng có trên 50 hộ gia đình làm bánh với khoảng 300 lao động. Trong đó, những hộ gia đình có truyền thống làm bánh phồng nổi tiếng có thể kể đến như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Trần Văn Tâm, Ngô Thị Dờn,... Những con hẻm trong ấp Thượng 3 thuộc thị trấn Phú Mỹ từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngơi tiếng quết nếp nhịp nhàng, thứ mùi thơm nức mũi từ những chiếc bánh phồng mới lan tỏa trong không gian, níu giữ bước chân du khách thập phương.

Bánh phồng Phú Mỹ là loại bánh đặc sản truyền thống có hương vị đặc trưng riêng, bởi nó được chế biến từ nguồn nếp riêng do chính địa phương sản xuất có tên gọi “nếp Phú Tân”. Nhờ nguồn nguyên liệu đặc biệt này mà những chiếc bánh phồng tại làng nghề có độ béo, ngọt, thơm lừng vô cùng khác biệt so với bánh ở những địa phương khác. Đây cũng là bí quyết đặc biệt giúp làng nghề bánh phồng Phú Mỹ tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Làng nghề sản xuất bánh phồng quanh năm, vì vậy, du khách có thể ghé thăm nơi đây bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tết đến xuân về chính là thời điểm bận rộn và náo nhiệt nhất của làng nghề này. Vào khoảng thời gian này, hộ gia đình nào cũng tất bật với những công đoạn làm ra chiếc bánh phồng nức tiếng phục vụ cho thực khách gần xa. Vậy nên, nếu muốn ngắm nhìn làng nghề bánh phồng Phú Mỹ với diện mạo tràn đầy sức sống nhất thì du khách hãy ghé thăm nơi đây vào những ngày cận Tết nhé.

Trải qua thời gian, người dân địa phương đã phát triển và sáng tạo thêm rất nhiều loại bánh phồng khác nhau, tiêu biểu có thể kể đến các loại như: bánh phồng sữa đường cát trắng, bánh phồng mè đường mía hay bánh phồng mè sữa nước cốt dừa,...

Trải qua thời gian, người dân địa phương đã phát triển và sáng tạo thêm rất nhiều loại bánh phồng khác nhau, tiêu biểu có thể kể đến các loại như: bánh phồng sữa đường cát trắng, bánh phồng mè đường mía hay bánh phồng mè sữa nước cốt dừa,... Trong số đó, bánh phồng sữa và bánh phồng mè được đánh giá là hai loại bánh phồng ngon nhất của làng nghề và đây cũng là hai loại bánh được đặt mua nhiều nhất trong các dịp lễ, tết. Vì đa phần được làm theo đơn đặt hàng nên người dân nơi đây không bao giờ phải lo lắng về tình trạng bánh bị tồn đọng, không bán được. Thậm chí, có nhiều cơ sở trong làng còn bán được cho các du khách nước ngoài hoặc bà con Việt kiều với số lượng khá lớn.

Chị Nguyễn Thị Nụ, một chủ hộ gia đình làm bánh phồng tại làng nghề bánh phồng Phú Mỹ cho biết: “Trong làng tôi, hầu như các hộ gia đình đều làm bánh phồng để bán, thứ bánh này bán rất chạy đặc biệt vào những dịp Tết, mọi người đều làm không xuể. Bánh phồng hiện tại có rất nhiều vị cho khách hàng lựa chọn, họ thường mua để ăn chơi hoặc ăn cùng xôi đều rất ngon, thơm và bùi.”

Chiếc bánh phồng Phú Mỹ có hình dạng nhỏ xinh khiến nhiều người tưởng rằng quy trình làm ra nó đơn giản. Nhưng thực chất, để làm ra một chiếc bánh phồng, phải trải qua khá nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo của người làm bánh. Từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế…đến giã nếp, cán bánh sau đó phơi bánh, mọi thứ đều được làm thủ công.

Tại làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, thông thường người dân địa phương sẽ bắt đầu công đoạn đầu tiên vào lúc 1 giờ sáng.

Tại làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, thông thường người dân địa phương sẽ bắt đầu công đoạn đầu tiên vào lúc 1 giờ sáng. Lúc này, nếp sẽ được cho vào nồi để nấu chín. Mùi thơm lừng của nếp lan tỏa khắp đường làng ngõ xóm.

Khi gà gáy cũng là lúc nếp chín và được cho vào cối xay nhuyễn. Những chiếc cối xay kêu rầm rập, nhịp nhàng. Xay nếp đến khi nhuyễn thành bột, người thợ làm bánh sẽ chia nhỏ bột ra rồi cán đều thành những lớp mỏng. Nếu ở khâu quết bánh cần sức mạnh của những chàng trai khỏe mạnh thì ở khâu cán bánh rất cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo của chị em phụ nữ. Chiếc bánh có độ dày mỏng như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào công đoạn cán bánh.

Trước khi trời sáng, những lớp bánh sẽ được chuẩn bị sẵn sàng để khi mặt trời vừa ló rạng, bánh sẽ được mang đi phơi. Người dân địa phương cho biết, ánh nắng buổi sáng sớm sẽ giúp bánh có độ dẻo thơm hợp lý, để bánh không bị vỡ, bị khô. Sau đó, bánh sẽ được mang đi nhúng vào nước đường rồi phơi khô thêm lần nữa. Những nguyên liệu phụ như đậu, mè, sữa…sẽ được lần lượt cho vào bánh tùy theo từng công đoạn.

Ngày nay, cơ giới hóa đã phần nào thay thế sức lao động của con người trong khâu cán và quết bánh, giúp tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, cũng tạo ra thành phẩm là những chiếc bánh phồng có độ dày đều nhau hơn.

Ngày nay, cơ giới hóa đã phần nào thay thế sức lao động của con người trong khâu cán và quết bánh, giúp tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, cũng tạo ra thành phẩm là những chiếc bánh phồng có độ dày đều nhau hơn. Bánh phồng sau khi đã phơi khô sẽ được đem đi nướng để bán. Thoạt đầu, những chiếc bánh chỉ nhỏ như cái đĩa nhưng khi nướng lại phồng lên to đùng như cái quạt nan, vừa mềm, vừa xốp, đậm vị ngọt của đường, vị béo của nếp, mùi thơm của mè, sữa, đậu phộng, đậu nành…Các cụ cao niên trong làng cho biết, nướng bánh phồng được xem như môn nghệ thuật mà mọi cô gái về làm dâu Phú Mỹ đều phải thực hiện được.

Bánh phồng nướng thường được dùng để gói ăn với xôi, ăn chơi hoặc làm vỏ kẹo chuối. Ngày nay, bánh phồng đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về tại làng Phú Mỹ. Tuy nghề làm bánh phồng có chút vất vả khi người làm bánh phải thức khuya, dậy sớm nhưng với tình yêu nghề mãnh liệu, người dân nơi đây đã tạo ra những chiếc bánh phồng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

Anh Lê Anh Tuấn, một du khách đến từ Cần Thơ chia sẻ: “Tôi từng đi du lịch An Giang và ghé thăm làng nghề làm bánh phồng này. Khi bước vào làng, một mùi hương thơm phức ngào ngạt tỏa ra khiến tôi vô cùng thích thú. Vào hỏi ra thì mới biết là mùi hương của nếp làm bánh phồng. Loại bánh này ăn có vị ngọt bùi, thơm thơm rất độc đáo”.

Hiện nay, trên thị trường, bánh phồng Phú Mỹ có giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/chục, tùy theo từng loại bánh.

Khi đi du lịch An Giang, nếu ghé thăm làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, du khách sẽ cảm nhận được không khí tưng bừng, nhộn nhịp tại nơi đây. Đi dọc những con đường quanh làng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh nhà nhà đều phơi bánh phồng trắng xóa trước sân, trong ngõ, thậm chí có nhà còn tận dụng không gian rộng rãi trên mái nhà,... Hương nếp thơm ngan ngát bay lên từ những căn bếp hai bên đường hòa cùng chút hanh hanh của buổi sáng sớm, mang đến một hương vị đặc trưng cho làng nghề này mà không nơi nào có được.

Hiện nay, trên thị trường, bánh phồng Phú Mỹ có giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/chục, tùy theo từng loại bánh. Trong những triển lãm hoặc tại các hội chợ tại An Giang, TP. Hồ Chí Minh hay Cần Thơ, trên các gian hàng ẩm thực truyền thống của tỉnh An Giang thường được trưng bày rất nhiều bánh phồng với đầy đủ chủng loại.

Vào cuối năm 2006, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề truyền thống. Vì vậy, nếu có dịp tới An Giang du lịch, du khách nên ghé thăm làng nghề bánh phồng Phú Mỹ để khám phá quy trình làm bánh độc đáo tại nơi đây và mua những chiếc bánh thơm ngon về làm quà cho người thân, bạn bè.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-an-giang-tham-lang-nghe-banh-phong-phu-my-tram-tuoi-post285738.html