VĐV bơi lội Olympic chật vật tìm việc, chia sẻ 3 điều để được nhận khi không có kinh nghiệm

Kinh nghiệm làm việc là một trở ngại đặc biệt phổ biến đối với những sinh viên mới tốt nghiệp và nhân viên mới vào nghề nhưng theo Niic Fink, chúng ta vẫn có thể tìm việc dù không có kinh nghiệm.

Nic Fink, vận động viên bơi lội của đội tuyển quốc gia Mỹ từng vô địch nội dung bơi ếch nam 100m tại Olympics Tokyo 2020.

Dù gặt hái được nhiều thành công, Nic Fink biết rằng sẽ không thể thi đấu mãi mãi, vì vậy anh ấy muốn tự lập cuộc sống sau khi bơi lội. Điều đó không hề dễ dàng, vì hầu hết kinh nghiệm làm việc của anh đều chỉ trong bể bơi, không phải văn phòng.

Fink chia sẻ: “Không phải tôi hối tiếc về sự nghiệp bơi lội của mình, nhưng tôi nghĩ điều đó hơi cản trở sự phát triển của tôi một chút sau khi tôi nghỉ bơi”.

Ngoài thời gian thi đấu, nhiều đồng đội của Fink làm huấn luyện viên bơi lội hoặc công việc liên quan. Tuy nhiên, anh muốn làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật.

Fink theo học chuyên ngành kỹ thuật tại Đại học Georgia và có bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại Học viện công nghệ Georgia. Dù vậy, anh không có kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này nên khi tìm việc làm, vận động viên 30 tuổi cũng gặp phải nghịch lý về kinh nghiệm làm việc như những người khác.

Anh tự nhận xét hồ sơ của mình không mạnh so với các ứng viên dày dạn kinh nghiệm hơn, nhưng cuối cùng vẫn trúng tuyển vị trí trợ lý quản lý dự án, công ty dịch vụ Quanta Utility Engineering.

Nic Fink, vận động viên bơi lội của đội tuyển quốc gia Mỹ

Nic Fink, vận động viên bơi lội của đội tuyển quốc gia Mỹ

Nic Fink đã chia sẻ 3 điều giúp anh vượt qua được nghịch lý xin việc

Tuyệt đối trung thực

Đôi khi, phỏng vấn xin việc có thể khiến bạn trả lời vòng vo để thể hiện điểm mạnh, che giấu điểm yếu khiến nhà tuyển dụng không hài lòng. Nhưng Fink nói rằng sự trung thực là điều đã giúp anh có được công việc kỹ sư.

Fink nói: “Tôi đã hoàn toàn trung thực trong quá trình tuyển dụng. Tôi biết lịch trình huấn luyện bơi bận rộn cộng với sự thiếu kinh nghiệm của mình có thể là một điều khăn đối với một số nhà quản lý tuyển dụng. Nhưng thay vì bỏ qua những cạm bẫy đó, tôi đã công khai thừa nhận chúng và thuyết phục nhà tuyển dụng cho tôi một cơ hội. Tôi có thể cân bằng cả hai khá tốt”.

Tận dụng những thứ vô hình

Bơi lội không chỉ mang đến cho Fink tốc độ, sức mạnh và sự bền bỉ mà còn các kỹ năng vô hình khác trong suốt quá trình học hỏi, tập luyện. Anh giải thích, kỹ năng từ bơi lội cũng có ích trong môi trường kỹ thuật, chẳng hạn quản lý thời gian hay giao tiếp thông qua giao lưu với truyền thông.

Anh nói: “Các môn thể thao chuyên nghiệp đã dạy cho tôi mức độ quyết tâm và động lực mà không phải ở đâu cũng có”.

Những kỹ năng vô hình đó có thể được học ở bất cứ đâu, không chỉ bơi lội Olympic. Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và giao tiếp, cũng như cống hiến cho sự xuất sắc có thể diễn ra trong bất kỳ ngành nghề hoặc công việc nào. Và các chuyên gia nghề nghiệp nói rằng những người sở hữu kỹ năng quản lý thời gian, giao tiếp hay quyết tâm sẽ giúp ứng viên cạnh tranh hơn khi đi xin việc.

Giữ kỹ năng sắc bén

Có một công việc trong một lĩnh vực nhất định không phải là cách duy nhất để có được kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.

Ngay cả trước khi Fink quyết định lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật, anh đã tham gia vài khóa học trên mạng khi không phải luyện tập. Chúng đủ để anh mài dũa kỹ năng của mình. Sau này, Fink nhận thức được phải quay lại trường học để lấy bằng cao hơn, song việc tự học giúp anh duy trì các mục tiêu của mình.

T. Linh (Theo CNBC)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vdv-boi-loi-olympic-chat-vat-tim-viec-chia-se-3-dieu-de-duoc-nhan-khi-khong-co-kinh-nghiem-d192682.html