Vay ngân hàng bị 'ép' mua bảo hiểm, làm cách nào để ngăn chặn tận gốc?

Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Một trong những vấn đề nổi bật là đề xuất các quy định mới nhằm kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhiều người vay vốn ngân hàng nhưng bị ép mua thêm bảo hiểm như một điều kiện 'ngầm'.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) nêu ý kiến yêu cầu có quy định ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ hành vi của nhân viên.

Tham gia góp ý về bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 10 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết thời gian vừa qua đã có nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Đề xuất triệt tận gốc việc bán bảo hiểm kèm cho vay được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

Đề xuất triệt tận gốc việc bán bảo hiểm kèm cho vay được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

Thực tế cho thấy có ngân hàng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin về lãi suất, mức phí, mức lãi phạt, loại hình, mục đích sản phẩm. Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do quá dài và nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, tại Điều 10 dự thảo Luật chưa có chế định, cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng và nên xem xét, bổ sung quy định. Bên cạnh đó cũng cần có quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc ứng xử trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên các nguyên tắc công bằng, trung thực và đạo đức.

Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng trong mối quan hệ giữa khách hàng với các tổ chức tín dụng thì hầu hết trường hợp khách hàng đều ở góc độ yếu thế, kể cả về kiến thức cũng như về các điều kiện khác.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm cần cấm triệt để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Bởi vì vấn đề này sẽ gặp tình trạng xung đột lợi ích và thực tiễn đã chứng minh. Ông Thịnh cho biết, mức chiết khấu 70-80% cho doanh thu phí bảo hiểm 2 năm đầu đối với bảo hiểm nhân thọ là mức rất hấp dẫn. Các bên rất khó có thể cưỡng lại mong muốn có được lợi nhuận cao nên việc kiểm soát rất khó khăn.

Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) trong vài năm qua đã trở thành mảnh đất màu mỡ, mang về doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Đây được coi là một cách “kiếm thêm” phổ biến của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Người đi vay tiền ở ngân hàng thường bị nhân viên ép phải mua kèm bảo hiểm, tạo tâm lý ức chế. Tùy vào ngân hàng và mức vay, khách hàng có thể bị dồn mua bảo hiểm nhân thọ, ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì có thể lên tới cả trăm triệu tiền phí/năm. Khoản tiền nộp vào bảo hiểm nhân thọ được xem như "phí bôi trơn" khi vay. Vấn đề này khiến người vay vốn bị mất thêm một khoản tiền, ngay cả khi họ có đầy đủ tài sản thế chấp và điều kiện vay vốn theo quy định. Có không ít trường hợp phải đi vay ngân hàng vì đang trong hoàn cảnh khó khăn tài chính, bị ép mua thêm bảo hiểm vừa tạo thêm gánh nặng, vừa gây tâm lý vô cùng bức xúc cho các khách hàng này.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều nội dung mới. Trong đó có quy định cấm tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Cùng với đó, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan việc tư vấn của nhân viên tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có). Ngoài ra, doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng phải ghi âm quá trình tư vấn cho khách hàng.

Tuy nhiên, Thông tư 67 được một số chuyên gia nhận định là chưa đủ nghiêm và chưa triệt được tận gốc vấn đề. Nhân viên ngân hàng vẫn có thể có cách “lách luật” để bán kèm bảo hiểm cho khách.

Kim Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/vay-ngan-hang-bi-apos-ep-apos-mua-bao-hiem-lam-cach-nao-de-ngan-chan-tan-goc-1096839.html