VATM: Đảm bảo an toàn cho những chuyến bay

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, VATM đã chủ động, linh hoạt đảm bảo an toàn cho những chuyến bay, bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển đảo của đất nước.

Điều hành an toàn 100% chuyến bay

Năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng phải đối mặt với những yếu tố mới, ảnh hưởng đến hoạt động của Tổng công ty như: Quản lý sự thay đổi trạng thái khi hoạt động bay tăng nhanh trở lại, tính chất phức tạp gia tăng khi các hoạt động quân sự diễn ra cùng với tần suất bay lớn, thường xuyên phục vụ điều hành bay trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhiều diễn biến bất thường đã ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo đảm hoạt động bay.

Phối cảnh Đài kiểm soát không lưu Long Thành. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Để chủ động thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu điều hành an toàn 100% chuyến bay trong vùng trách nhiệm, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, trong thời gian qua, VATM đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tiêu biểu như: Triển khai áp dụng giảm phân cách trong các khu vực kiểm soát tiếp cận và đường dài; áp dụng phương thức điều hành bay tiên tiến; tổ chức phân chia lại, tối ưu hóa trách nhiệm điều hành bay tại các khu vực có hoạt động bay cao; triển khai quản lý luồng không lưu, phối hợp triển khai A-CDM theo từng vùng trời, sân bay và thực hiện tốt công tác phối hợp cùng lực lượng phòng không, không quân góp phần bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển đảo của đất nước.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của VATM, trong năm 2022, sản lượng điều hành bay: 541.330 lần chuyến, đạt 123,1% so với kế hoạch năm 2022, bằng 184,36 % so với thực hiện năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, ước tổng sản lượng điều hành bay của Tổng công ty đạt hơn 565.000 nghìn lần chuyến, ước đạt 134% so với kết quả thực hiện cùng kỳ của năm 2022.

Chủ động thích ứng linh hoạt

Đại dịch Covid-19 bùng nổ ngay từ những tháng đầu năm 2020 đã tác động nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không, số lượng chuyến bay nội địa và quốc tế sụt giảm rõ rệt. Trước sự khó khăn về tình hình tài chính dưới tác động của đại dịch, trong 2 năm 2020-2021, nguồn vốn tích lũy và cân đối cho hoạt động đầu tư phát triển bị ảnh hưởng trong điều kiện VATM đang triển khai, thực hiện hàng loạt các dự án trọng điểm, quan trọng và ưu tiên phải hoàn thành trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Ngoài ra, công tác triển khai, thực hiện các dự án đầu tư nhằm đổi mới kỹ thuật công nghệ, nâng cấp các cơ sở điều hành bay cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, các chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam thực hiện hợp đồng; nhiều công ty, hãng sản xuất ngừng hoạt động nên một số hợp đồng đã ký mua thiết bị nhập khẩu hoặc lấy báo giá từ các nước trong vùng dịch tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí đứt nguồn cung …

Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, VATM không ngừng đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện, mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia và các lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ có đầy đủ năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay.

Đại diện lãnh đạo VATM cho biết: Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu ngày càng tăng đối với giao thông hàng không cũng kéo theo những thách thức, đặc biệt về cơ sở hạ tầng sân bay, hệ thống quản lý không lưu cũng như vận tải đa phương thức và trung tâm dịch vụ hậu cần tại các sân bay… để đảm bảo cơ sở hạ tầng đủ năng lực theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh trở lại. Chính vì vậy, trong những năm qua, VATM đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp các cơ sở điều hành bay, các hệ thống, trang thiết bị chuyên ngành quản lý bay tiên tiến, hiện đại với phạm vi thực hiện trên toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, áp dụng các phương thức bay mới, tối ưu hóa tổ chức vùng trời, áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. “Ngay sau khi đại dịch tạm được kiểm soát, VATM triển khai các dự án “Mạng giám sát ADS-B khu vực phía Nam”, đầu tư 11 trạm giám sát phụ thuộc phát quảng bá (ADS-B) trải dài tại các sân bay khu vực miền Trung và miền Nam. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý II/2023. Sau khi dự án hoàn thành, VATM có mạng ADS-B toàn quốc, cung cấp các dữ liệu giám sát phục vụ công tác điều hành bay. Dự án “Trạm VSAT khu vực miền Trung, miền Nam” - thay thế các hệ thống trạm vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ (VSAT), dự kiến hoàn thiện năm 2024; hệ thống VHF tại Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Côn Đảo nhằm mở rộng vùng phủ sóng, phục vụ tốt các hoạt động bay tại khu vực biển Đông…”- đại diện lãnh đạo VATM chia sẻ.

Trong hai năm 2022 - 2023, VATM đã tập trung quyết liệt triển khai một số công trình, dự án trọng điểm mang tính chiến lược của ngành như: Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc Dự án Cảng HKQT Long Thành; Dự án “Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên”; Dự án “Trạm Radar sơ cấp, thứ cấp Cam Ranh”, “Trạm Radar sơ cấp, thứ cấp Nội Bài”.

Ngày 29/9/2022, VATM chính thức khởi công Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty làm chủ đầu tư với tổng mức gần 3.500 tỷ đồng. Hạng mục “Cọc và đài cọc đài kiểm soát không lưu” đã được hoàn thành nghiệm thu trong tháng 7/2023. Ngày 10/8/2023, gói thầu xây dựng chính của dự án - Gói thầu XD02 “Thi công xây dựng công trình và các công việc khác” chính thức được tiến hành với đài kiểm soát không lưu có chiều cao 123m được trang bị radar trên tháp, diện tích xây dựng khoảng 80m2, đường kính thân tháp khoảng 10m, cabin kiểm soát tại sân có diện tích 150m2 và 2 cabin kiểm soát sân đỗ với mỗi diện tích cabin 70 m2. Đây là công trình có vai trò đặc biệt quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện để triển khai thực hiện.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Trong lĩnh vực hàng không, ngành quản lý hoạt động bay là một trong những trụ cột sớm có các ứng dụng số hóa thông tin (Digitization), ứng dụng công nghệ thông tin (Digitalization), thể hiện qua việc đầu tư, khai thác hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động bay trên toàn cầu và sẽ là một trong những trụ cột đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành hàng không.

Nhận thức rõ chuyển đổi số đã được xác định là cơ hội để Việt Nam nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực chuyển đổi số, VATM xác định mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào các nội dung: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; xây dựng nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Thời gian tới, VATM phấn đấu phát triển năng lực điều hành bay để đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% số chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao; bảo đảm tới năm 2025, năng lực trên toàn hệ thống đạt 1,5 triệu lần chuyến/năm. Chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo đúng chuẩn mực quốc tế được Bộ Giao thông vận tải và ICAO công nhận; từng bước chủ động tiếp cận quản lý hoạt động bay tầng thấp, tăng cường năng lực quản lý điều hành bay tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vatm-dam-bao-an-toan-cho-nhung-chuyen-bay-277530.html