Vatican - Một quốc gia đặc biệt

Với diện tích chỉ 0,49 km2, dân số hơn 800 người, nhưng Vatican luôn được xem là một trong những quốc gia quyền lực nhất và ẩn chứa bên trong nhiều điều thú vị.

Vatican là quốc gia có số lượng du khách cao nhất thế giới (khoảng 5 triệu lượt khách/năm) tính theo bình quân đầu người. (Nguồn: SaigonTourist)

Người đứng đầu Vatican là Giáo hoàng, người có thể trị vì trọn đời, không thể bị phế truất mặc dù ông có thể từ chức. Giáo hoàng nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Khi Giáo hoàng tại vị qua đời hoặc từ chức, một Hội đồng Hồng y toàn cầu gồm khoảng 120 thành viên dưới 80 tuổi sẽ nhóm họp tại Vatican để bầu ra Giáo hoàng trong số này.

Giáo hoàng hiện nay mang tước hiệu Francis, được bầu ngày 13/3/2013 thay Giáo hoàng Benedict XVI, vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Công giáo từ chức vì tuổi tác sau tám năm tại vị. Bên cạnh Giáo hoàng, các quan chức chính phủ chính của Vatican gồm có Quốc vụ khanh kiêm Ngoại trưởng, Thủ hiến và Chưởng ấn.

Những điều lý thú

Vatican (Vatican City State) và Tòa thánh (the Holy See) là hai thực thể riêng biệt. Tòa thánh là đại diện cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao trong khi Vatican chỉ vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh.

Từ năm 1506, Tòa thánh có bộ phận lính gác người Thụy Sỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cá nhân của Giáo hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phận lính gác này chỉ mang tính nghi lễ và việc bảo đảm an ninh của Tòa thánh được giao cho lực lượng lính gác dân sự. Vatican không có quân đội, việc phòng vệ Tòa thánh do Italy đảm nhiệm.

Khác với các quốc gia thông thường, Tòa thánh có nền kinh tế khá đặc thù với ba nguồn thu chính từ ngân hàng, đóng góp tự nguyện của du khách và các khoản đầu tư ở các ngân hàng, tổ chức tài chính toàn cầu. Các khoản thu này dùng để chi cho hoạt động của Giáo triều, các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh và các ấn phẩm báo chí. Ngoài ra, hàng năm có các cuộc quyên góp ở các giáo phận để Giáo hoàng dùng làm từ thiện, cứu trợ nhân đạo và trợ giúp Giáo hội các nước đang phát triển.

Vatican không áp bất kỳ khoản thuế nào đối với mọi hoạt động liên quan đến kinh tế trong phạm vi lãnh thổ của mình. Nhân viên của Vatican không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế xăng dầu hay thuế hàng hóa mua tại Vatican.

Vatican, thủ đô của Tòa thánh là nơi tập trung các công trình kiến trúc, mỹ thuật có giá trị nghệ thuật và lịch sử của nhân loại. Quảng trường và Thánh đường Peter, nhà nguyện Sistine là nơi trưng bày những kiệt tác điêu khắc, hội họa của các bậc thầy kiến trúc lừng danh như Michelangelo, Raphael, Maderno... Thư viện Vatican và những bộ sưu tập của viện bảo tàng Vatican có tầm quan trọng rất lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa. Vatican cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu trên thế giới. Năm 1984, Vatican trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất đến nay được UNESCO công nhận toàn bộ lãnh thổ là Di sản Văn hóa thế giới.

Cơ quan đối ngoại của Tòa thánh là Bộ Quan hệ với các Nhà nước. Tòa thánh hiện có quan hệ ngoại giao với 183 nước, có hơn 100 cơ quan đại diện thường trú trên toàn cầu và tham gia nhiều tổ chức, liên minh, diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có 33 cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế và 10 cơ quan, tổ chức khu vực với tư cách thành viên chính thức. Tại Liên hợp quốc, Tòa thánh hưởng quy chế quan sát viên thường trực từ năm 1964.

Quan hệ giữa Tòa thánh và các nước có ba hình thức phổ biến là Sứ thần (Apostolic Nuncio) gồm thường trú và kiêm nhiệm, là quan hệ đầy đủ nhất giữa Tòa thánh với một nước trên cả hai mặt ngoại giao và tôn giáo. Khâm sứ (Apostolic Delegate), gồm thường trú và không thường trú, mức thấp hơn Sứ thần do chỉ quan hệ về mặt tôn giáo. Phái viên của Giáo hoàng (Legate), thay mặt Giáo hoàng đến một nước hoặc Giáo hội địa phương giải quyết vấn đề nhất định thường là các sự kiện hay lễ kỷ niệm đặc biệt của Công giáo.

Mối quan hệ từ lịch sử

Theo sách “Biên niên lịch sử Cổ Trung Đại Việt Nam” của Nhà xuất bản Hà Nội năm 1987, các nhà nghiên cứu cho rằng Tòa Thánh đã liên lạc với Việt Nam từ thời Lê sơ cuối thế kỷ XVI.

Sau năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có Giáo hội Công giáo.

Sau năm 1975, tuy hai bên chưa thiết lập quan hệ chính thức nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn cho phép Giáo hội Công giáo Việt Nam quan hệ với Vatican về phương diện tôn giáo theo nguyên tắc chung, vừa tôn trọng tự do, tín ngưỡng của công dân, tôn trọng các mối quan hệ của Giáo hội, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, với chủ trương, chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế, tháng 7/1989, lần đầu tiên đoàn đại diện Vatican thăm Việt Nam, có các cuộc tiếp xúc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và thăm một số giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Từ năm 1990, hàng năm, Tòa thánh cử đoàn cấp Thứ trưởng Ngoại giao thăm Việt Nam trao đổi các vấn đề mục vụ của Giáo hội. Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam-Vatican với cơ chế họp thường niên và luân phiên ở hai nước.

Đến nay, hai bên đã tổ chức 10 vòng họp. Cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski đồng chủ trì đã diễn ra tại Vatican ngày 31/3 vừa qua.

Tại cuộc họp, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Tòa thánh đạt nhiều tiến triển thời gian qua, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam và Tòa thánh, cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại điện không thường trú, Đặc phái viên Tòa thánh. Hai bên cũng thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam. Trước đó, từ tháng 1/2011, Tòa thánh bắt đầu bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam gồm 3 giáo tỉnh là TP. Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội, 27 giáo phận, 2 hồng y, 6 tổng giám mục, 41 giám mục tại chức, khoảng 3.000 giáo xứ với hơn 8.000 linh mục, 31.400 tu sĩ nam nữ thuộc hơn 200 dòng tu – tu hội – tu đoàn, trên 7,2 triệu giáo dân (khoảng gần 8% dân số cả nước) và 11 cơ sở đào tạo chức sắc (1 học viện, 9 đại chủng viện và 1 cơ sở 2 của Đại chủng viện Xuân Lộc tại Đà Lạt).

Hướng tới tương lai

Trong lịch sử quan hệ hai bên, đặc biệt nổi lên là các cuộc gặp giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với Giáo hoàng tại Tòa thánh Vatican. Tháng 11/2007, nhân chuyến thăm Italy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh, chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp dựa trên cơ sở những nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Ngày 11/12/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp tục khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Đặc biệt là cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican tháng 1/2013. Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng đón tiếp người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức nguyên thủ quốc gia.

Trong buổi tiếp, Tổng Bí thư đánh giá cao chỉ dẫn của Giáo hoàng Benedcit XVI với Công giáo Việt Nam “người giáo dân tốt cũng là công dân tốt”, mong muốn Giáo hoàng, Tòa thánh Vatican tiếp tục chỉ dẫn Công giáo Việt Nam tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Bên cạnh đó, còn có các cuộc gặp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Francis năm 2014 và cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với Giáo hoàng Francis tháng 10/2018...

Về phía Vatican, từ chuyến thăm đầu tiên của đoàn Tòa thánh năm 1989, đến nay các đoàn chức sắc cao cấp của Vatican đến Việt Nam thường xuyên hơn. Kể từ năm 2011, Đặc phái viên của Vatican đã vào Việt Nam 41 lần...

Qua các chuyến thăm, các đoàn Vatican cảm nhận được về đời sống đạo tự do, sôi động của Công giáo Việt Nam, hiểu hơn về Giáo hội Công giáo Việt Nam và về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam. Thông qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi, hai bên ngày càng hiểu nhau hơn, tôn trọng những vấn đề hai bên cùng quan tâm trao đổi. Có thể khẳng định rằng, đối thoại là phương thức thích hợp nhất để cùng giải quyết các vấn đề. Tiềm năng và thiện chí sẵn có sẽ tạo cơ sở cho việc xác lập và nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai bên trong thời gian tới.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vatican-mot-quoc-gia-dac-biet-235156.html