Vật vã, tốn kém vì ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí nặng nề làm nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống người dân.

Theo phản ánh của bạn đọc với Đường dây nóng Báo SGGP, gần đây, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc, chỉ số về ô nhiễm không khí (AQI) luôn ở mức rất cao; thậm chí nhiều ngày, Hà Nội là thành phố đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, với chỉ số AQI vượt ngưỡng 300 (nguy hại cho sức khỏe). Ô nhiễm không khí nặng nề làm nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống người dân.

Nhiều tác động nguy hại

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu giờ sáng ngày cuối tháng 3, số lượng người xếp hàng chờ đợi tới lượt khám bệnh đã rất đông, trong đó nhiều trường hợp mắc các bệnh hô hấp. Anh Lê Tuấn Hà (37 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) mệt mỏi cho biết, anh bị bệnh xoang lâu nay nhưng do đặc thù công việc nên vẫn thường xuyên phải di chuyển ngoài đường. “Dù tôi đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài đường nhưng nhiều hôm vẫn rất khó thở, mệt mỏi và đau nhức vùng xoang”, anh Hà chia sẻ. Theo PGS-TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.

Không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe người dân. Ảnh: MINH KHANG

Trong các thành phần của không khí bị ô nhiễm, các hạt bụi mịn PM2.5 với kích thước dưới 2,5 micromet nên con người không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, bụi mịn sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. Nghiên cứu của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế ) cho thấy, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngoài ra, việc tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch. Trong khi đó, mỗi ngày, một người bình thường phải hít thở 10.000-20.000 lít không khí hoặc nhiều hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây hại đến sức khỏe mà nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ô nhiễm không khí có thể gây mất cân bằng sinh thái, cây cối bị rụng lá, không thể đơm hoa kết trái đúng thời điểm nên có thể bị giảm sản lượng, thậm chí mất mùa.

Báo động đỏ

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số AQI được tính theo thang điểm 6, tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể: chỉ số AQI 0-50 là tốt (màu xanh); 51-100 là trung bình (màu vàng); 101-150 là kém (màu da cam); 151-200 là xấu (màu đỏ); 201-300 rất xấu (màu tím) và 301-500 là mức nguy hại (màu nâu).

Đường phố Hà Nội mặc dù là ban ngày nhưng có những thời điểm trong tháng 3 mù mịt vì ô nhiễm môi trường và bụi mịn PM2.5

Trong khi đó, qua ứng dụng Air Visual theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới cho thấy, nhiều ngày trong tháng 3, AQI của Hà Nội luôn ở mức trên dưới 200, thậm chí có lúc vượt ngưỡng 300, nên có những thời điểm, Hà Nội được xếp là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo bảng xếp hạng của AirVisual. Đồng thời, trên hệ thống quan trắc môi trường của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí nhiều khu vực tại Hà Nội ở mức xấu và rất xấu, với chỉ số AQI 152-260. Bà Đào Thị Anh Điệp, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội hiện vượt khoảng 2 lần Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là 25µg/m3 . Số ngày có chỉ số AQI ở mức kém và xấu chiếm tới hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.

Theo một số chuyên gia môi trường, nguyên nhân gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc là do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí không khuyếch tán được lên cao, nhất là bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, các yếu tố từ nguồn khí thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và hoạt động dân sinh… cũng tác động tới chất lượng không khí. Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp, khoảng 800 làng có nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô… Đây là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt giao thông là nguồn phát thải đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải.

Để cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, chính quyền địa phương và các bộ, ngành chức năng cần phải kiểm soát tốt các nguồn phát thải, kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất công nghiệp, xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định Luật Bảo vệ môi trường. “Chúng ta cần phải tăng cường kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy và đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến, thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị. Đồng thời, cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng, giao thông xanh để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”, TS Hoàng Dương Tùng đề xuất. Sở TN-MT Hà Nội mới đây đã đưa ra đề xuất giai đoạn năm 2024-2025, Hà Nội sẽ thí điểm kiểm định khí thải hàng năm với xe máy có thời gian sử dụng từ 5 năm trở lên; từ năm 2026 trở đi, xe máy sử dụng 3-5 năm trở lên phải kiểm định khí thải định kỳ để giúp giảm hơn 35% tổng lượng khí CO.

Với sự gia tăng nồng độ bụi mịn PM 2.5, trung bình mỗi năm ở Hà Nội có khoảng 1.600 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Chi phí khám chữa bệnh hô hấp, tim mạch và thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm tương đương 2.000 tỷ đồng/năm.

QUỐC LẬP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vat-va-ton-kem-vi-o-nhiem-khong-khi-post733548.html