Vật lộn với thông tin sai lệch về sức khỏe

Là một trong nhiều người có tham gia vào mạng xã hội như Facebook, chúng tôi thường bắt gặp những người tự xưng là 'chuyên gia' trong lĩnh vực sức khỏe.

Họ nếu đơn giản thì chỉ nói về những lợi ích của rau quả, hay tập thể dục, tập dưỡng sinh. Nhưng có nhiều người lấn sân sang lĩnh vực điều trị bệnh dù không có bằng cấp.

Thậm chí, có người nhân danh là thầy thuốc, không biết lấy cơ sở khoa học ở đâu nhưng chê bai cách điều trị, sản phẩm thuốc y học hiện đại và khuyên mọi người tin theo liệu pháp điều trị bệnh, thuốc men của mình.

Có “thầy thuốc” cho rằng, điều trị bệnh tiểu đường như các bác sĩ y học hiện đại hiện nay là “sai lầm”, là chỉ “chữa ngọn"… hãy dùng bài thuốc như thế này, thế này… thì bệnh sẽ hết.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện phải tiếp nhận nhiều ca bệnh tiểu đường đã ổn định đường huyết nhưng nghe theo lời mách bảo trên mạng, bỏ thuốc tây, uống thuốc cây cỏ khiến chỉ số cao vọt phải vào viện cấp cứu, suýt ảnh hưởng đến tính mạng.

Một “lương y” tự cho mình “thần y”, quảng cáo trên mạng, cho rằng mình chữa khỏi ung thư. Điều đáng nói là vị “thần y” mỗi lần lên mạng là… chửi nền y học hiện đại.

Có “thần y” cũng tự nhận mình từng là bệnh nhân ung thư, tự chữa khỏi bệnh và chê các phương pháp điều trị ung thư của y học hiện đại là sai lầm.

Nhưng có điều, sau mỗi lần rao giảng, vị "thần y" này lại quảng cáo bác một loại thực phẩm chúc năng hay sản phẩm được cho là “thần diệu” nào đó.

Gần đây, chúng tôi mệt mỏi vì người nhà đòi mang đứa con còn nhỏ đi gặp “thần y” quảng cáo chữa lành mọi thứ bệnh nan y trên mạng. Sau khi được chúng tôi phân tích, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) rất giỏi, hãy tin tưởng họ, nếu nghe lời quảng cáo thì cháu có thể bị bệnh nặng thêm, mẹ của đứa bé mới yên tâm để cháu điều trị ở bệnh viện này.

Vật lộn với thông tin sai lệch sức khỏe trên mạng là vấn nạn không chỉ có ở nước ta. Trên CNN cho biết: trong nghiên cứu mới đây, rất nhiều người bị tác động đến thông tin sai lệch trên mạng xã hội, kiểu như, người chết vì Covid-19 ít hơn số người chết vì tiêm vaccine Covid-19. Đáng tiếc là trong số 2.000 người tham gia khảo sát có 47% cho rằng chắc chắn tuyên bố đó (chết vì tiêm vaccin Covid-19) là sai, nhưng có 20% số người cho rằng điều đó cũng có thể đúng cũng có thể sai.

Điều này cho thấy, tác động của thông tin sai lệch về sức khỏe đến người đọc là không nhỏ, do đó, các “thần y” trên mạng vẫn có đất sống, thậm chí giàu có.

Bác sĩ phẫu thuật Mỹ Vivek Murthy đã gọi thông tin sai lệch về sức khỏe là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với cộng đồng”: “Thông tin sai lệch về sức khỏe là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây nhầm lẫn, gieo rắc sự ngờ vực, gây hại cho sức khỏe con người và làm suy yếu các nỗ lực y tế công cộng" . Ông đề nghị: “Hạn chế lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe là một mệnh lệnh đạo đức và dân sự sẽ đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội”.

Đây cũng là điều chúng tôi mong muốn, mong các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay, chấn chỉnh những hành vi tuyên truyền sai lệnh về kiến thức, cách chữa bệnh trên mạng xã hội.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vat-lon-voi-thong-tin-sai-lech-ve-suc-khoe.html