Vào 'tâm bão'

Đội Phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 thuộc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa đi truy vết trong một khu vực phong tỏa. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

LTS: Với mong muốn chuyển đến độc giả những thông tin chân thực, những chi tiết sống động về công việc thầm lặng của các “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch, phóng viên Phương Trà đã thâm nhập vào khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, sát cánh cùng đội truy vết và đội lấy mẫu để thực hiện phóng sự 3 kỳ - những câu chuyện cảm động về sự hy sinh. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Sau 6 tuần kể từ khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, Phú Yên đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc COVID-19. Xứ sở vốn yên bình gồng mình chống dịch trong chồng chất khó khăn.

Trên tuyến đầu, nơi tâm dịch, mồ hôi của các “chiến sĩ áo trắng” chưa bao giờ mặn đến thế!

Kỳ 1: Truy vết

Ngày 23/6, Phú Yên ghi nhận một ca nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng. Những bánh xe của cỗ máy phòng chống dịch lập tức chuyển động.

Từ đây, các thành viên Đội Phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa làm việc không kể đêm ngày.

Nhận lệnh, lên đường

12 giờ trưa, Luân báo: “Chị ơi, đội chuẩn bị lên đường”.

Tôi cho vào ba lô bộ đồ phòng hộ cấp 2, vội vàng đến Trạm Y tế phường 4. Trạm trưởng Nguyễn Đức Vũ cho biết vừa phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong một khu vực phong tỏa; 2 F1 đang cách ly tại khách sạn cũng có kết quả xét nghiệm dương tính. Thời điểm đó, phường đông đúc dân cư thuộc TP Tuy Hòa đã có 34 ca nhiễm, 7 địa điểm/khu vực phải “giăng dây” để phòng, chống dịch.

Đội Phản ứng nhanh có mặt, ngoài 4 thành viên “cứng” còn có các sinh viên đến từ Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng. Trưởng trạm y tế dẫn đường. Xe dừng ở phía đối diện khách sạn có 2 F1 vừa trở thành F0. Hai thành viên trong đội mặc trang phục phòng hộ, chuẩn bị bắt tay vào việc “hỏi kỹ, ghi đầy đủ”. Nhóm còn lại đến khu vực phong tỏa trên đường Duy Tân, nơi vừa có 3 người trong một gia đình mắc COVID-19. Các bạn trẻ giữ khoảng cách và đưa ra những câu hỏi, bạn đứng trước hỏi, bạn phía sau kê giấy lên lưng bạn kia, ghi chép. Người chồng nói không nhớ đã bán cá cho những ai. Cả vợ lẫn chồng đều không mặn mà với mối quan tâm của nhóm truy vết. Các bạn trẻ kiên nhẫn giải thích và tiếp tục đưa ra những câu hỏi mở, hy vọng có thêm thông tin và không bỏ sót F1. Nghe hỏi một hồi thì người vợ đổ quạu. Đây là “chuyện thường ngày ở… phố”, nhóm truy vết quen rồi.

Xong công việc tại khu phong tỏa gần chợ cá thì đến điểm phong tỏa trên đường Bạch Đằng, rồi ra An Phú. Y sĩ Lương Thị Mộng Hằng, Phó phụ trách Trạm Y tế xã An Phú đưa đến thôn Chính Nghĩa, nơi có một gia đình 6 người vừa trở thành F0. Công việc lặp lại: Điều tra dịch tễ, truy vết rồi phun hóa chất khử khuẩn, và không quên dặn cả nhà chuẩn bị đồ đạc, lát nữa xe đến đưa vào bệnh viện dã chiến.

Các thành viên Đội Phản ứng nhanh khai thác thông tin để truy vết F1. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Các thành viên Đội Phản ứng nhanh khai thác thông tin để truy vết F1. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Chuyến đi lúc nửa đêm và “kỷ niệm” mang tên Yến Nam

Bác sĩ Nguyễn Bá Luân, phụ trách Đội Phản ứng nhanh, là người đầu tiên có mặt tại quán cơm Yến Nam ở thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa lúc 0 giờ ngày 22/6. Khuya hôm đó, sau khi ráp từng mảnh ghép thông tin có được về tài xế xe tải đi từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng - bệnh nhân 12190 - và gọi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), một câu hỏi bật lên trong đầu, Luân vào google tìm kiếm. Kết quả nhanh chóng xuất hiện. Có một quán cơm tên Yến Nam gần “cửa ngõ” thành phố, giống như bệnh nhân 12190 đã mô tả trong bản thông tin do HCDC cung cấp. Vội vã đi xe máy đến nơi, bác sĩ Luân xác định và báo cáo về địa điểm này. “Nghe cháu của chủ quán kể rằng tuần trước, 2 người phục vụ trong quán bị ho, cảm sốt…, tôi thấy lạnh người”, bác sĩ Luân nhớ lại cảm giác của mình lúc đó.

Lãnh đạo địa phương và lực lượng phối hợp nhanh chóng có mặt. Khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết, Đội Phản ứng nhanh xác định 7 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân 12190; các F1 được đưa vào cơ sở cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Chủ quán cũng tiếp xúc gần với bệnh nhân 12190 khi người này ghé lại quán cơm lúc 12 giờ ngày 10/6, trên đường đi ra Đà Nẵng và 19 giờ ngày 11/6, trên đường vào TP Hồ Chí Minh. Luân hỏi chủ quán đâu, người cháu nói rằng đã đi Nha Trang, và cung cấp số điện thoại. Từng hồi chuông đổ dài trong sự chờ đợi rồi tắt ngấm. “Khoảng 2 giờ sáng, chủ quán cơm Yến Nam nghe máy. Bà ấy đang ở nhà, tại Nha Trang. Tôi hỏi: Chị đi Nha Trang làm gì vậy chị? Bà ấy nói thấy mệt nên đến bệnh viện khám, được chẩn đoán suy nhược cơ thể. Tôi nghĩ: Thôi rồi…”, bác sĩ Luân kể lại.

Cơ quan chức năng Phú Yên cung cấp ngay thông tin cho cơ quan chức năng Khánh Hòa. Chiều cùng ngày, bà Y được đưa vào cơ sở cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, sáng hôm sau có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tại Phú Yên, những người phục vụ ở quán cơm Yến Nam cũng có kết quả xét nghiệm dương tính.

Mấy ngày sau, vào lúc 2 giờ sáng, Đội Phản ứng nhanh nhận được thông tin người đàn ông giữ xe ở chợ Màng Màng (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) dương tính với SARS-CoV-2. Hành trình đẫm mồ hôi của các “chiến sĩ áo trắng” đã bắt đầu.

Thông tin về dịch bệnh COVID-19 tại TP Tuy Hòa, tính đến 19 giờ ngày 5/8/2021. Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP Tuy Hòa

Thông tin về dịch bệnh COVID-19 tại TP Tuy Hòa, tính đến 19 giờ ngày 5/8/2021. Nguồn: Cổng thông tin điện tử TP Tuy Hòa

Giọt nước mắt trên vỉa hè hầm hập nóng

Trong đội, ngoài bác sĩ Luân còn có 3 gương mặt nữ: Ngô Thị Kim Hưng, Phạm Thị Linh và Tô Thị Minh Trúc, đều thuộc thế hệ 9X. Với họ, những ngày truy vết tại ổ dịch chợ Màng Màng quả thật không thể nào quên. Linh nhớ lại: “Cả đội làm việc không kể ngày đêm, 1 giờ sáng còn phải đập cửa từng nhà gọi người ta đi cách ly. Điều đáng buồn là nhiều bà con không hợp tác, không muốn khai ra họ đã đi đâu và những người mà họ tiếp xúc, nên việc truy vết gặp nhiều khó khăn. Có người còn chửi mắng nhân viên y tế”.

Kim Hưng nhớ như in ngày thứ 10 trong tâm dịch. Cô kể: “Sáng hôm đó, tụi em đi rất sớm, không kịp ăn sáng. Truy vết đến trưa thì nhận thêm danh sách những người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính, cả đội tiếp tục làm việc. Em đi cùng một chị ở Trạm Y tế xã Bình Kiến lên thôn Thượng Phú, truy vết xong mấy ca thì tay chân bủn rủn. Chị ấy chở em về, đến đường Nguyễn Tất Thành thấy xe của đội đỗ ở đó. Em ngồi không vững nữa, nên nói “Chị, cho em xuống chỗ này”. Chị ấy cảm thấy lo lắng, nói thôi Hưng ở đây, chị đi kiếm nước uống. Em mệt quá, nằm xuống vỉa hè, chảy nước mắt… Lúc đó, em nhớ gia đình vô cùng”.

Nhân viên y tế xã Bình Kiến đi mua nước, gặp các thành viên khác của Đội Phản ứng nhanh, cũng đang… nằm trên vỉa hè. Mặc trang phục phòng hộ làm việc liên tục dưới trời nắng nóng, ai nấy đều bị mất nước, lại đói nên kiệt sức.

Minh Trúc cũng không thể quên ngày hôm đó: “Em đi với Linh. Hôm đó trời nắng gắt, mồ hôi ướt đẫm bộ đồ phòng hộ. Quá mệt và đói, tụi em đi không nổi. Một lát sau anh Luân tới, thấy tụi em nằm trên vỉa hè, thở dốc. Anh Luân lấy nước cho uống và chở đến Trạm Y tế xã Bình Kiến. Mệt đến mức không còn sức tháo đồ phòng hộ”.

Kim Hưng nói rằng đó là lần đầu tiên họ xin tạm nghỉ trong lúc đang làm nhiệm vụ, cũng là lần đầu tiên cô khóc kể từ khi tham gia chống dịch.

Cả đội nghỉ lấy sức tại Trạm Y tế xã Bình Kiến. Khi quần áo từ ướt nhẹp vì mồ hôi chuyển sang khô, họ lại lên đường…

Linh và Hưng chưa lập gia đình, còn Trúc mới kết hôn cách đây mấy tháng. Cũng như các thành viên khác trong đội, Trúc rời nhà từ ngày 23/6, đến nay chưa về. Cô chia sẻ: “Những ngày đầu rất cực, cả đội đi từ sáng sớm tới khuya. Có hôm khuya về, nằm xuống và nghĩ “chắc không có ca nào nữa đâu”. Nhưng vừa chợp mắt một chút thì có danh sách gửi đến. Vậy là choàng dậy, đi tiếp”.

Có 3 lực lượng “tác chiến” trên địa bàn thành phố: truy vết, lấy mẫu và khử khuẩn, bên cạnh đó còn có một đội không kém phần quan trọng là đội tổng hợp và báo cáo. Tổng “quân số” lúc đông lên đến gần trăm người. Công việc lúc nào cũng dồn dập, vất vả. Tuy nhiên, bây giờ anh em đã quen việc, mọi thứ đã vào guồng, cho nên việc xử lý bớt cập rập so với lúc dịch mới bùng phát.

Bác sĩ Phan Dinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa

Kỳ 2:Nào mình cùng đi… lấy mẫu

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/262246/vao--tam-bao.html