Vành đai 3 - xung lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Cùng với ba địa phương tham gia đầu tư xây dựng đường vành đai 3, TP Hồ Chí Minh đang cân đối nguồn lực sẵn sàng xây dựng tuyến đường vành đai quan trọng này, nhằm tạo ra một trục giao thông huyết mạch cũng như xung lực phát triển cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Bình đồ của đường vành đai 3, khi hoàn thiện xây dựng sẽ kết nối giao thông TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Bình đồ của đường vành đai 3, khi hoàn thiện xây dựng sẽ kết nối giao thông TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Dự án đường vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 và Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Đường vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuyến đường đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài toàn tuyến là 91,64 km.

Dựa vào dự án tiền khả thi được lập, điểm đầu của tuyến là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An) với quy mô tám làn xe cao tốc hoàn chỉnh và đường song hành hai bên, mỗi bên tối thiểu hai làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án đường vành đai 3 là 75.777 tỷ đồng; trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 42.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh theo quy định của Luật Đầu tư công. Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 là dự án trọng điểm của quốc gia với bốn tỉnh, thành phố cùng tham gia thực hiện mang tính kết nối liên vùng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Tuyến đường vành đai 3 khi xây dựng xong sẽ kết nối với 5 tuyến đường cao tốc, giao cắt với 10 trục giao thông chính và 2 quốc lộ của các địa phương.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh nhận định: Hiện nay, các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, các tuyến quốc lộ hướng tâm (quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1) đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của thành phố. Ngoài ra, thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành khai thác (giai đoạn 1) dự kiến vào năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2023; tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành (giai đoạn 1) với quy mô bốn làn xe, dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2022, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải.

Vì vậy, việc đầu tư khép kín đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực. Đồng thời, còn là cơ sở kết nối các đô thị vệ tinh, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cũng theo ông Lương Minh Phúc, quá trình thực hiện dự án đường vành đai 3 sẽ bảo đảm hài hòa giữa các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tổ chức giao thông, khai thác quỹ đất dọc tuyến và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án.

Dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; 100% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An. “Trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung giải phóng mặt bằng để cuối năm này phấn đấu khởi công một số gói thầu quan trọng. Đến năm 2025, dự án hoàn tất để khép kín toàn bộ đường vành đai 3”, ông Phúc nhấn mạnh.

Về giải pháp đẩy nhanh các thủ tục thực hiện dự án, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, UBND thành phố kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời với các thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện dự án như: giao cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án thành phần, các công việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; có cơ chế đặc thù khi triển khai thực hiện...

Dự án đường vành đai 3 nếu sớm triển khai thực hiện, đưa vào hoạt động sẽ đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “TP Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, đẩy mạnh thiết kế đô thị toàn diện, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai...”

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/vanh-dai-3-xung-luc-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-685293/