'Vàng xanh' trên đất Bảo Yên

Vài năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Bảo Yên đã phát triển mô hình trồng cây đàn hương trắng. Đây là cây bán ký sinh, mới du nhập từ Ấn Độ, được trồng xen canh với các loại cây trồng khác. Được ví như 'vàng xanh', cây đàn hương trắng đang mở ra kỳ vọng mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân Bảo Yên.

Anh Lê Đình Nam "đi ngược" xu thế để trồng cây đàn hương ở xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên.

Qua lời giới thiệu của cán bộ địa phương, chúng tôi tìm gặp anh Lê Đình Nam - người đầu tiên đưa cây đàn hương trắng về trồng tại thôn 9 Mai Đào, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên. Tự nhận mình là người “ít học” nhưng lại đam mê làm kinh tế, anh Nam kể: Năm 2016, trong quá trình tìm kiếm các loại cây trồng mới để phát triển kinh tế, tôi đã biết đến cây đàn hương trắng Ấn Độ, được mệnh danh là “vàng xanh” của thiên nhiên. Sau đó, tôi tìm cách liên hệ với Tiến sĩ Vũ Thoại (Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm - ISAF) - người có nhiều năm học tập, làm việc tại Ấn Độ và đã đưa cây đàn hương trắng về Việt Nam trồng thử nghiệm.

Được Tiến sĩ Vũ Thoại giúp đỡ, anh Nam đã tạm dừng dự án trồng cam để đưa 500 cây đàn hương trắng về trồng thử nghiệm, xen canh trên diện tích canh tác cam của gia đình. Anh Nam cho biết: “Đàn hương trắng là cây bán ký sinh, cần có cây chủ để phát triển nên việc trồng xen canh tại vườn cam là quyết định hợp lý. Hơn nữa, cam là cây trồng nhanh bị thoái hóa nên không có tính bền vững, vài năm sau cần có cây trồng khác thay thế”.

Theo anh Nam, giữa lúc nông dân trong xã đổ xô đi trồng quế thì quyết định trồng cam của anh trước đó đã là “hiện tượng lạ”, đi ngược lại xu thế của người dân trong vùng. Sau đó, quyết định trồng cây đàn hương trắng - loại cây trồng quá mới mẻ cũng bị người dân trong vùng cho là “khùng” vì họ bảo trồng ra chẳng biết bán cho ai.

Thế nhưng, với quyết tâm “đi ngược với xu thế”, vườn cây đàn hương trắng của anh Nam phát triển rất tốt, thân sớm hình thành lõi gỗ, cây sớm ra hoa và đậu quả. Sau 4 năm trồng thử nghiệm, những cây đàn hương trắng của anh Nam đã được một số đơn vị cung cấp cây xanh, cây cảnh liên hệ và mua với giá trung bình 2 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, anh Nam cũng chỉ bán một số lượng ít để lấy vốn quay vòng sản xuất.

Ở thời điểm hơn 7 năm sau khi trồng lứa cây đầu tiên, vườn đàn hương trắng của anh Nam đã cho hoa, đậu rất nhiều quả. Hiện mỗi năm, vườn cây đàn hương trắng cho thu hoạch khoảng 4 tạ hạt khô, cung cấp cho ISAF để ép tinh dầu. Mỗi kg hạt đàn hương được anh Nam bán giá 200 nghìn đồng, thu về gần 80 triệu đồng/năm.

Anh Nam cho biết: Ngoài sản phẩm chính là lõi gỗ được thu ở năm thứ 12 - 15 sau khi trồng, trong suốt vòng đời của cây đàn hương trắng, người trồng có thể thu các sản phẩm phụ như hạt để ép tinh dầu hoặc búp non để làm trà. Trong khi đó, lõi gỗ đàn hương trắng là sản phẩm chính, có giá trị kinh tế cao, được đơn vị thu mua cam kết tiêu thụ với giá tối thiểu 500 nghìn đồng/kg.

“Sở dĩ đàn hương trắng được ví như “vàng xanh” bởi cây trồng này có thể ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp chế biến. Lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp, sản xuất mỹ phẩm cao cấp. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm, chăm sóc da, làm đẹp. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để chiết xuất tinh dầu…”.

Anh Lê Đình Nam, thôn 9 Mai Đào, xã Thượng Hà.

Từ hiệu quả của lứa cây ban đầu, hiện tại anh Nam đã mở rộng mô hình lên tới 3.500 cây đàn hương trắng. Đồng thời, xây dựng vườn ươm để cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật cho những hộ dân khi họ có nhu cầu. Với giá trị của đàn hương trắng và sự liên kết hợp tác cùng ISAF, anh Nam rất yên tâm phát triển cây trồng này và kỳ vọng cây đàn hương trắng sẽ trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện Bảo Yên và các địa phương khác trong tỉnh.

Thấy mô hình trồng cây đàn hương trắng của anh Nam hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thượng Hà và các xã lân cận đã tìm đến học hỏi, mua giống về trồng thử nghiệm. Ông Trần Văn Hiển, bản Minh Hải, xã Minh Tân cho biết: Sau khi tìm hiểu và biết giá trị của cây đàn hương trắng, gia đình tôi cũng trồng thử nghiệm hơn 1.000 cây. Do trồng xen canh với thanh long, sưa đỏ, một số cây thuốc nên đàn hương phát triển tốt, không ảnh hưởng đến các cây trồng khác. Mặc dù mới trồng đàn hương được gần 3 năm nhưng mỗi năm ông Hiển cũng đã có thêm vài triệu đồng từ việc thu hái búp để làm trà.

“Chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vì đàn hương trắng là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nếu thành công có thể mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân khu vực nông thôn”.

Ông Trần Văn Hiển, bản Minh Hải, xã Minh Tân. -

Được biết, ngoài anh Nam, ông Hiển thì hiện nay có hàng chục hộ dân tại xã Thượng Hà, xã Minh Tân và các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên đã tiếp cận và trồng thử nghiệm cây đàn hương trắng, kỳ vọng đem lại nguồn thu nhập lớn sau vài năm phát triển.

Với giá trị kinh tế cao, sự kỳ vọng của nông dân vào cây đàn hương trắng là có cơ sở. Tuy nhiên, đàn hương trắng vẫn là cây trồng mới, chưa được quy hoạch vùng trồng và liên kết phát triển bền vững nên việc mở rộng diện tích cây trồng này cần có sự nghiên cứu, tính toán phù hợp. Từ lúc này, ngành chức năng cần sớm có đánh giá, định hướng cụ thể để nông dân không đánh mất cơ hội làm giàu, nhưng cũng không lâm vào tình cảnh trồng ra sản phẩm rồi “chặt bỏ” vì không biết bán cho ai.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vang-xanh-tren-dat-bao-yen-post370805.html