'Vàng' từ rừng xanh

PTĐT - Khi sắc xuân gần về đến những cánh rừng cũng là lúc người dân ở nơi có đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh miệt mài ươm giống, chăm sóc, bảo vệ cây rừng, làm cho rừng Đất Tổ ngày càng thêm xanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng chè của hộ ông Nguyễn Văn Xuân, khu 4, xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng chè của hộ ông Nguyễn Văn Xuân, khu 4, xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi đến khu 4, xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng thăm mô hình kinh tế rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, ông Xuân phấn khởi nói: “Gia đình tôi đổi đời là từ rừng, tiền làm nhà, tiền mua đồ dùng sinh hoạt cũng nhờ rừng. Trước đây, dù bươn trải nhiều nghề nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn khó khăn. Cơ hội thực sự đến với gia đình khi được chính quyền địa phương, các ngành liên quan tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế đồi rừng gắn với sản xuất, bảo vệ rừng, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng cây lâu năm kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng keo, bạch đàn. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng tán rừng thưa để trồng sắn, chè… và trồng bưởi, chăn nuôi theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Từ kinh tế đồi rừng và chăn nuôi, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng”.

Sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng ở xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

Sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng ở xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

Ông Nguyễn Mạnh Thế- Phó Chủ tịch UBND xã Ca Đình cho biết: Hiện nay toàn xã có trên 700ha rừng với trên 400 hộ có diện tích rừng. Năm 2020, xã trồng được trên 60ha rừng tập trung, trồng 3.000 cây phân tán, thu hoạch 6.000m3 gỗ, củi, thu nhập khoảng 10 tỷ đồng. Có được những cánh rừng trải dài này là nhờ chỉ đạo, tổ chức triển khai của cấp ủy, chính quyền xã và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Trước đây, do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên bà con chưa mặn mà với việc trồng rừng. Do đó, lãnh đạo xã và trưởng các khu dân cư đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp khu, hệ thống loa truyền thanh của xã... để giúp người dân hiểu rõ những lợi ích trong phát triển rừng trồng. Nhờ vậy, bà con đã có nhận thức đúng đắn và tích cực trồng cây gây rừng. Nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá từ trồng rừng. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn trên 3,7%. Rời Ca Đình, chúng tôi đến với mô hình của ông Hoàng Minh Tuấn khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn có trên 13ha đất rừng sản xuất, gia đình ông đã đầu tư trồng hàng vạn cây keo. Theo ông Tuấn, cây keo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây và phát triển rất nhanh. Sau nhiều năm trồng, chăm sóc, gia đình ông đã khai thác và thu về trên 500 triệu đồng. Số tiền trên được ông dùng để quay vòng tiếp tục đầu tư vào trồng rừng, còn lại ông mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Nhờ trồng rừng giờ đây gia đình ông đã có kinh tế ngày càng phát triển.Thực tế tại các địa phương cho thấy, phong trào trồng rừng đã phát triển mạnh. Hàng ngàn hộ nông dân trên khắp các địa bàn trong tỉnh từ nghèo khó đã vươn lên khá giả nhờ trồng rừng, phát triển nông, lâm kết hợp... từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.

Cơ sở chế biến gỗ ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cơ sở chế biến gỗ ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Với tiềm năng, nguồn nhân lực dồi dào, người dân có trình độ, kinh nghiệm trồng rừng, tỉnh luôn chú trọng khuyến khích trồng rừng thâm canh theo hướng tập trung với quy mô lớn. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành nông nghiệp, các địa phương đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để rừng ngày càng được bảo vệ, phát triển tốt hơn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh trên 171 nghìn ha, trong đó rừng đặc dụng gần 16 nghìn ha, rừng phòng hộ gần 32 nghìn ha, rừng sản xuất trên 123 nghìn ha; độ che phủ rừng đạt gần 40%. Năm 2020, toàn tỉnh trồng mới trên 9.800ha rừng tập trung, trong đó trồng trên 9.700ha rừng sản xuất. Chương trình chuyển hóa trồng rừng gỗ lớn được triển khai với gần 500ha, đạt trên 82%. Cùng với trồng rừng, công tác bảo vệ rừng được chú trọng. Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR từ tỉnh đến xã được kiện toàn. Hàng năm đều xây dựng các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô hanh; chỉ đạo tổ chức các cuộc diễn tập chữa cháy rừng quy mô cấp huyện, cấp xã nhằm tuyên truyền sâu rộng ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cho người dân. Nhờ vậy, rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng được bảo vệ, phát triển tốt hơn.Chuẩn bị đón mùa xuân mới, những người trồng rừng được nghỉ ngơi sau một năm hăng say lao động và chuẩn bị bước vào mùa trồng rừng tiếp theo. Đi giữa tiết trời se lạnh, nhìn những vạt rừng nối tiếp nhau trải dài tít tắp mà lòng tôi như ấm lại và có niềm tin vững chắc là rừng xanh sẽ mang đến ấm no cho mỗi gia đình.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202101/vang-tu-rung-xanh-174706