Vàng tăng phi mã, chứng khoán thất thường, lãi suất giảm, bỏ tiền vào 'giỏ' nào?

Thị trường tài chính quý I/2024 chứng kiến nhiều biến động mạnh. Giá vàng liên tục lập kỷ lục, thị trường chứng khoán trải qua nhiều phiên tăng giảm thất thường, lãi suất ngân hàng cũng không còn hấp dẫn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về việc nên đầu tư vào đâu để bảo toàn vốn và gia tăng lợi nhuận.

Thị trường liên tục biến động

Thị trường vàng trong nước và quốc tế đều trải qua biến động mạnh trong quý I/2024 do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vĩ mô. Giữa tháng 3, giá vàng miếng trong nước bật tăng chạm mốc 82,5 triệu đồng/lượng, vượt đỉnh lịch sử 80 triệu đồng hồi cuối năm 2023 để xác lập mức giá cao nhất lịch sử. Theo báo cáo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá vàng bình quân quý I/2024 tăng 18,23%.

Thị trường vàng, chứng khoán có nhiều diễn biến phức tạp thời gian qua

Trước diễn biến này, vàng nhẫn trở thành mặt hàng được nhiều nhà đầu tư săn lùng. Trong quý I, có thời điểm vàng nhẫn chạm ngưỡng 72 triệu đồng/lượng, người người nhà nhà đổ xô đi mua vàng khiến mặt hàng này rơi vào tình trạng khan hiếm.

Lý giải về việc giá vàng liên tục lập đỉnh, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, lãi suất tiết kiệm đang duy trì mức thấp nhất so nhiều năm trở lại đây; thị trường bất động sản không ổn định, thị trường trái phiếu có nhiều hoài nghi của người dân nên chưa tạo sự an tâm đầu tư khiến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và giá tăng cao.

“Năm 2024, trong môi trường lãi suất thấp, kinh tế có sự phục hồi nhất định thì việc gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư kém hiệu quả nhất. Chứng khoán, bất động sản, thậm chí là trái phiếu doanh nghiệp, sẽ cho hiệu suất đầu tư tốt hơn”

Giám đốc khối Đầu tư Dragon CapitalLê Anh Tuấn

Gần đây nhất, NHNN đã tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng nhằm tăng cung, can thiệp kịp thời mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giúp thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thị trường quý I/2024, xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động của đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì. Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn chưa cho thấy động thái điều chỉnh lãi suất mới và mức lãi suất bình quân hiện vẫn đang là 4,7% cho kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng tư nhân thậm chí còn đưa lãi suất về thấp hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng quốc doanh. Một số ngân hàng cho biết, lãi suất huy động rất có thể tạo đáy trong quý I này.

Ngân hàng Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc phải đối mặt trong viêc điều hành chính sách tiền tệ trong 3 tháng đầu năm. Đó là triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao nên tạo thách thức lớn cho việc điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

“Năm nay, tỷ giá chỉ tăng ở mức 3%, tức tỷ giá sẽ hạ nhiệt nửa cuối năm. Nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND đang duy trì độ mất giá tương đương với Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won (Hàn Quốc) và Baht (Thái Lan). Chúng tôi kỳ vọng, xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 - 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý I/2024 tích cực hơn và được dự báo còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá của ngân hàng sẽ giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024”.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV

Trong quý I/2024, tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25.000 nghìn đồng/USD và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới.

Ở thị trường chứng khoán, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội, VN-Index kết thúc quí I/2024 tăng mạnh 13,64% so với cuối năm 2023. Đây cũng là quý I có kết quả tốt nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên việc NHNN phát hành tín phiếu trở lại sau 04 tháng tạm dừng cũng khiến cho nhà đầu tư cẩn trọng.

Động lực dẫn dắt thị trường tăng điểm tích cực trong quí I/2024 đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu VN30. Tuy nhiên, trong tháng 3, đà tăng của nhóm ngân hàng đã chứng lại khi chỉ tăng nhẹ 0,7%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình VNMID tăng khá với mức 12,27% trong quý 1, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ VNSML tăng thấp nhất.

Trong quý I cũng đã diễn ra Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành TTCK mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

Gần đây, tỷ giá tăng mạnh đang được đánh giá là yếu tố có tác động tiêu cực đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trên thị trường diễn ra trong nhiều tuần, ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số của VN-Index. Áp lực giảm điểm mạnh lại tiếp diễn khi thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc và đã xuống dưới mốc 1.200 điểm. Điều này nằm ngoài dự báo của nhiều công ty chứng khoán.

Có tiền đầu tư vào đâu?

Giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong thời gian gần đây, được xem là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng của vàng có thể chững lại trong thời gian tới do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất.

Với thị trường chứng khoán, kênh đầu tư này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như thanh khoản thấp, định giá cổ phiếu cao. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư vào kênh này và nên ưu tiên những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, triển vọng kinh doanh khả quan.

Hiện nay, lãi suất huy động của ngân hàng đang có xu hướng giảm, khiến việc đầu tư vào kênh tiết kiệm này không còn thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn dài vẫn có thể mang lại lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư.

Ông Ngô Thành Huấn, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT đánh giá, 2 năm gần đây, giá vàng tăng hấp dẫn nhưng trong khoảng thời gian 10 năm trở lại thì vàng SJC chỉ tăng bình quân 4%. Mức này còn thấp hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm. Vàng có thể sẽ được neo giữ ở vùng giá tốt trong năm 2024 nhưng sang năm 2025, khi kinh tế tăng trưởng vàng có thể sẽ giảm hoặc đi ngang.

Với câu hỏi “nên đầu tư vào “giỏ” nào?”, một số chuyên gia cho biết, quyết định này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khẩu vị rủi ro, mục tiêu đầu tư và thời gian đầu tư của mỗi người.

Đối với nhà đầu tư ưa thích sự an toàn, nên ưu tiên vàng và các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn dài. Đối với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, có thể cân nhắc đầu tư vào chứng khoán với chiến lược đầu tư dài hạn và phân bổ danh mục đầu tư hợp lý. Đối với nhà đầu tư có nhu cầu thanh khoản cao, có thể lựa chọn các sản phẩm quỹ thị trường tiền tệ hoặc trái phiếu ngắn hạn.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần lưu ý phân bổ rủi ro hợp lý bằng cách đầu tư vào nhiều kênh khác nhau. Thay vì tập trung tất cả vốn đầu tư vào một kênh duy nhất (ví dụ như chỉ mua vàng hoặc chỉ đầu tư chứng khoán), nhà đầu tư nên chia nhỏ số tiền đó và đầu tư vào nhiều kênh khác nhau (chẳng hạn như vàng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản...). Như vậy, khi thị trường biến động, một số kênh đầu tư có thể gặp rủi ro và thua lỗ, lúc này, nếu đã phân bổ tài sản hợp lý, những kênh đầu tư khác vẫn có thể mang lại lợi nhuận, giúp bù đắp cho khoản thua lỗ và bảo toàn vốn cho nhà đầu tư.

“Đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp. Phải lưu ý rằng, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”

Chuyên gia Kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Phùng Xuân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/vang-tang-phi-ma-chung-khoan-that-thuong-lai-suat-giam-bo-tien-vao-gio-nao-122321.html