Vàng quốc tế tăng phi mã, vàng trong nước 'đủng đỉnh'

Trong khi giá vàng quốc tế tăng phi mã thì giá vàng trong nước lại 'đủng đỉnh'. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng ngoại và nội xích lại gần nhau hơn.

Đầu giờ chiều ngày 4-12, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết 73,2 triệu đồng/lượng mua vào và 74,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng ở chiều mua và 400.000 đồng ở chiều bán so với giá mở cửa sáng nay.

Trong khi SJC tăng mạnh so với đầu giờ sáng thì Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại có động thái trái ngược. Cụ thể, ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, đơn vị này cộng thêm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, đẩy giá vàng miếng lên 73,2 – 74,6 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Nhưng đến hiện tại, giá giao dịch của vàng miếng SJC tại các hệ thống cửa hàng của PNJ chỉ còn 73 – 74,2 triệu đồng/lượng, tức là giảm 200.000 đồng ở chiều mua và giảm 400.000 đồng mỗi lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua và bán cũng được các doanh nghiệp đưa về mức 1,2 triệu đồng.

Giá vàng miếng SJC diễn biến trái chiều.

Đối với các loại vàng nhẫn 9999, biên độ tăng giá chỉ dao động từ 50.000 – 150.000 đồng/lượng và giá mua bán phổ biến ở mức 61,65 – 62,8 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đang bật lên ngưỡng 2.084 USD/ounce, tăng 50 USD/ounce so với cuối tuần trước. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương 61,35 triệu đồng (chưa tính thuế, phí).

Trước đó, ngay mở đầu phiên giao dịch – giá kim loại quý đã vượt qua kỷ lục năm 2022 và “bay thẳng” lên vùng giá 2.149 USD/ounce – xác lập đỉnh cao mới của giá vàng. Tuy nhiên, mức giá cao nhất từ xưa tới nay này chỉ tồn tại được khoảng 30 phút, sau đó giảm dần đều, nhưng vẫn đạt mức tăng khoảng 1% trong phiên.

Với biên độ tăng của giá vàng thế giới trong phiên lên đến gần 1,5 triệu đồng, nhưng giá vàng miếng SJC và giá vàng 9999 có mức tăng không tương xứng đã khiến chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp đáng kể. Hiện vàng quốc tế đang thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 9999 chỉ gần 1,5 triệu đồng/lượng.

Ông Gareth Soloway, Giám đốc chiến lược thị trường tại InTheMoneyStocks.com và Chủ tịch của Verifyinvesting.com cho rằng, giá vàng thế giới tăng “sốc” chủ yếu đến từ kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất điều hành. Trong năm 2024, giá vàng có thể sẽ đạt mốc 2.534 USD/ounce bởi các nhà đầu tư luôn xem vàng là rào chắn chống lạm phát.

Theo ông David Rosenberg, Chủ tịch Rosenberg Research, khi năm 2023 kết thúc, các tín hiệu kinh tế cho thấy một năm 2024 đầy biến động. Vị chuyên gia này dự báo một cuộc suy thoái sắp xảy ra nhưng đây cũng là một giai đoạn tự nhiên trong chu kỳ kinh doanh.

Ông Rosenberg nói: “Năm tới sẽ là một năm suy thoái, nhưng không phải là ngày tận thế mà đó là một phần của chu kỳ kinh doanh. Thông thường, một người Mỹ, cứ mỗi USD kiếm được họ sẽ bỏ 10 xu vào heo đất. Bây giờ họ chỉ có thể dành ra 3 xu để bỏ vào ống heo. Ai có thể nghĩ rằng tỉ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ lại có thể rơi xuống mức 3% thu nhập sau thuế”.

Nhà kinh tế này chỉ ra rằng tỉ lệ tiết kiệm của người Mỹ đang ở mức thấp là một dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng phục hồi kinh tế tiêu dùng đang suy giảm.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vang-quoc-te-tang-phi-ma-vang-trong-nuoc-dung-dinh-post764903.html