Vàng miếng SJC chênh quá cao, ai hưởng lợi?

Suốt thời gian qua chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới luôn ở mức từ 15-20 triệu đồng/lượng. Khoản chênh lệch này rơi vào túi ai? Liệu có lợi ích nhóm ở đây?

7 tháng đầu năm 2022 đã đi qua, thị trường vàng thế giới và vàng trong nước đã liên tiếp ghi nhận sự biến động ấn tượng nhất trong lịch sử của kim loại quý. Có thời điểm giá vàng SJC vượt mức 73 triệu đồng/lượng. Khi vàng tăng giá mạnh, nhu cầu vàng miếng tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng cũng sẽ tăng theo.

Doanh nghiệp vàng làm ăn ra sao?

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết người tiêu dùng Việt Nam đã mua 14 tấn vàng trong quý II, tăng 11% so với cùng kỳ 2021. Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng xu, đạt 9,6 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ 2021. Đây là quý II tăng mạnh nhất kể từ năm 2015.

Cùng với đó, nhu cầu vàng trang sức tăng đến 28%, đạt 4,5 tấn. Nhu cầu của thị trường Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh tổng nhu cầu của thế giới quý vừa qua giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh quý II của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần tăng 56%, đạt 18.210 tỷ đồng. Riêng vàng miếng mang về cho PNJ hơn 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất kể từ năm 2017.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới duy trì ở mức cao suốt thời gian qua

Chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới duy trì ở mức cao suốt thời gian qua

Lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 48%, đạt 1.088 tỷ đồng. Công ty hoàn thành gần hai phần ba chỉ tiêu doanh thu và hơn 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ trong 6 tháng.

Có thể thấy, "cơn sốt" giá giúp mảng kinh doanh vàng nói chung được mùa khởi sắc. Đáng nói, mặc dù vàng miếng tăng trưởng mạnh, ban lãnh đạo PNJ nhiều lần khẳng định biên lợi nhuận của mảng này thấp, ảnh hưởng đến biên lãi gộp toàn công ty.

Trong khi đó, tại buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty SJC, cho biết, từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC lao dốc mạnh. Theo đó, từ mức lợi nhuận ròng hơn 300 tỷ - gần 400 tỷ đồng/năm tới hiện nay Công ty SJC chỉ đạt 74 - 80 tỷ lãi ròng mỗi năm.

“Như vậy, công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận để có quỹ lương cho người lao động. Vấn đề chênh lệch giá vàng, Công ty SJC hoàn toàn không có lợi”, bà Hằng khẳng định, đồng thời đề xuất cho thêm doanh nghiệp khác được dập vàng miếng.

Về câu hỏi: "Chênh lệch giá SJC và giá vàng thế giới quá cao. Liệu có tình trạng thao túng giá?", bà Lê Thúy Hằng khẳng định, giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.

Đồng tình, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Công ty DOJI cho biết: “Về vàng miếng SJC, đứng về phương diện kinh doanh, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại”.

Sẽ cân nhắc tác động nhiều chiều khi sửa Nghị định 24

Lý giải nguyên nhân chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, các doanh nghiệp vàng cho là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động ra sao, việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu đồng như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.

Trước một số ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, chưa cần thiết phải sửa Nghị định 24. Còn theo bà Hằng, Nghị định 24 vẫn có tác dụng lớn trong ổn định thị trường vàng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Đỗ Minh Phú nói rằng, tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời giúp chống vàng hóa nền kinh tế. Việc thực hiện Nghị định 24 giúp một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào nền kinh tế. Vì vậy, việc sửa Nghị định 24 phải đánh giá rất kỹ lưỡng.

“Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Liên quan đến đề nghị nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Việc này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro đến kinh tế vĩ mô.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/vang-mieng-sjc-chenh-qua-cao-ai-huong-loi-1087013.html