Vang mãi bản hùng ca trên chiến trường sông, biển

Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường cách đây nửa thế kỷ (27-6-1973 - 27-6-2023) là thắng lợi to lớn của quân, dân ta trên chiến trường sông, biển, trong đó bộ đội hải quân đóng vai trò nòng cốt.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 kiểm tra an toàn trước hải trình làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: N.Hà

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 kiểm tra an toàn trước hải trình làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: N.Hà

Kỷ niệm 50 năm chiến công vĩ đại này là dịp tiếp tục khẳng định tài thao lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân; sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (QCHQ). Đây còn là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến hải quân cũng như thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam.

* Cược tính mạng, vượt gian nguy

Là nhân chứng được mời dự hội thảo khoa học Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc 1967-1973 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm diễn ra ngày 26-6 do QCHQ và Viện Lịch sử quân sự tổ chức, trung tá Đặng Đức Năng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân (hiện ngụ tại TP.Hải Phòng) trong bài kỷ yếu hội thảo viết lại, ngày 28-7-1967, địch bắt đầu thả thủy lôi 4 cửa sông ở Bắc Quân khu 4 gồm: cửa sông Mã (tỉnh Thanh Hóa), cửa Hội (tỉnh Quảng Nam), cửa Gianh và cửa Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình). Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho Đội 8 cử ngay một tổ vào Quân khu 4 nghiên cứu hiện trường những nơi địch thả thủy lôi và làm nhiệm vụ tiền trạm để đưa lực lượng đội 8 vào thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 3-3-1967, tổ công tác khẩn trương lên đường. Vào đến tỉnh Nghệ An, làm việc với Quân khu 4 thì được biết bộ đội Công binh Quảng Bình đã vớt được 2 quả thủy lôi có hình dáng khác nhau gần khu vực bến phà Gianh. Tổ công tác đề nghị Quân khu 4 điện vào tỉnh Quảng Bình yêu cầu giữ nguyên hiện trường chờ tổ công tác vào nghiên cứu tháo gỡ. Ngày hôm sau, tổ công tác vào Quảng Bình, khi đến sông Gianh được biết 2 quả thủy lôi đã được chở ra Nghệ An, vì khu vực phà Gianh đang bị máy bay địch đánh phá ác liệt, không thể bảo đảm giữ nguyên hiện trường…

Trung tướng NGUYỄN VĂN BỔNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy QCHQ cho biết, nhân tố quyết định giúp quân dân ta giành thắng lợi và làm nên chiến công to lớn này chính là dự báo chiến lược, tầm nhìn sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân.

Sau khi xin ý kiến chỉ đạo từ QCHQ, tổ nhận được chỉ thị tìm cách tháo gỡ thủy lôi bằng được nguyên vẹn để đưa chúng ra Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu. Ngày 16-3-1967, tổ đã triển khai tháo gỡ thủy lôi theo yêu cầu phải giữ nguyên vẹn, các đồng chí trong tổ công tác trước hết xác định tư tưởng sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Tổ tiến hành tháo gỡ bằng dụng cụ là bộ đồ sửa chữa xe đạp thô sơ, biết là nguy hiểm nhưng trong bối cảnh đó, không còn cách nào khác. Người trực tiếp tháo gỡ phải thực hiện tuần tự các bước như đã thống nhất. Tháo được ốc nào phải hô to con ốc ấy để người quan sát, ghi chép đầy đủ, rõ ràng, phòng nếu thủy lôi nổ để người ở xa còn biết…

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Năng kể lại: “Ngày 16-3-1967, tổ công tác đã hoàn thành việc tháo gỡ nguyên vẹn 2 quả thủy lôi của địch mang ký hiệu MK-50 và MK52. Đây cũng chính là điều kiện để nhiều lớp tập huấn nhanh cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này và sau tháo gỡ, 2 quả thủy lôi được chuyển ra QCHQ nghiên cứu tiếp tục tìm cách quan sát, rà phá, tháo gỡ lập nên chiến công ngày 27-6-1973, các cửa sông, biển miền Bắc được khơi thông luồng lạch đúng phương châm “Đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi”.

Đại tá Nguyễn Đình Giảng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) cho hay, chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường có ý nghĩa đặc biệt về ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, mãi là niềm tự hào của thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam, trong đó có CBCS Lữ đoàn 171 anh hùng (tiền thân là Trung đoàn 171) - đơn vị được giao nhiệm vụ rà quét thủy lôi, mở luồng trọng điểm những năm 1972-1973 tại Hải Phòng.

“Có thể nói, những ngày đầu bắt tay vào trục vớt, tháo gỡ thủy lôi là những ngày đầy cam go, thử thách, CBCS đơn vị phải “đánh cược” bằng chính mạng sống... Bằng lòng quả cảm, sự mưu trí, sáng tạo, ngày 13-5-1972, CBCS cùng các đơn vị phối hợp đã tháo gỡ thành công quả thủy lôi đầu tiên mang ký hiệu MK-52 tại khu vực Tây Bắc Đèn Nơm - lối vào cảng Hải Phòng. Đặc biệt, Tàu 412 thuộc lữ đoàn đã phá nổ thành công quả thủy lôi MK-52 ở cửa Nam Triệu vào đêm 27-7-1972 đã tạo tiền đề cho bộ phóng từ kiểu quấn dây tiếp tục được lắp đặt cho các tàu của lực lượng khác làm nhiệm vụ rà phá thủy lôi cải tiến MK-52” - đại tá Nguyễn Đình Giảng nhấn mạnh.

Qua 13 tháng hoạt động, chiến đấu tại mặt trận chống địch phong tỏa cửa biển Hải Phòng, Trung đoàn 171 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Rà quét, tháo gỡ, phá nổ 152 quả thủy lôi, bom từ trường, dẫn dắt 63 lượt tàu vận tải trong và ngoài nước ra, vào cảng Hải Phòng an toàn, góp vào chiến công to lớn ngày
27-6-1973.

* Chính quy, hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển

Theo trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy QCHQ, chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường có ý nghĩa vô cùng to lớn; đồng thời khẳng định tư tưởng dám đánh, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng của quân, dân ta…

Trong chiến công chung đó, HQND Việt Nam đóng vai trò nòng cốt chủ lực. Trước âm mưu, ý đồ của đế quốc Mỹ, HQND Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực, bảo đảm chủ động ngay từ đầu trong cuộc chiến chống phong tỏa. Các đơn vị HQND đã phối hợp, hiệp đồng với nhiều lực lượng… Từ đó tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trong cuộc chiến chống phong tỏa (như tổ chức huấn luyện; lực lượng quan sát, phát hiện đánh dấu các vị trí bãi thủy lôi, bom từ trường, công binh trục vớt, tháo gỡ, nghiên cứu chế tạo thiết bị rà phá; mở luồng, dẫn dắt tàu vào tránh…).

Hình ảnh của thủy lôi, bom từ trường bị rà quét, tháo gỡ (Ảnh: Tư liệu)

Hình ảnh của thủy lôi, bom từ trường bị rà quét, tháo gỡ (Ảnh: Tư liệu)

Quá trình chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, đi đầu trong tháo gỡ tìm ra cấu tạo, tính năng kỹ thuật của thủy lôi, bom từ trường, để từ đó chế tạo các thiết bị rà phá có hiệu quả. Phát huy vai trò nòng cốt, Bộ đội Hải quân đã chủ động phối hợp với các lực lượng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường hiệu quả như: HDL-9, HT-5, máy phóng từ 311, 480, PĐ-67… tạo cơ sở rà phá thành công thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ.

Thượng tá Phạm Ngọc Quý, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 171 cho rằng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh địch phong tỏa của Trung đoàn 171 năm xưa, Lữ đoàn 171 ngày nay quyết tâm không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh các phương án chiến đấu, các trận đánh cơ bản, bảo đảm theo kịp với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự hiện đại. Đẩy mạnh nghiên cứu đối tượng tác chiến, chiến trường, vận dụng sáng tạo cách đánh chống phong tỏa trong điều kiện mới. Khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng rà quét, phá hủy chướng ngại thủy lôi của địch, khơi thông các tuyến hàng hải, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta cơ động tiến công...

“Trong lịch sử nước ta đã có một “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại bằng không quân của kẻ thù thì HQND Việt Nam cũng tự hào vì đã có một “Điện Biên Phủ dưới nước”, làm thất bại chiến lược phong tỏa đường biển bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ” - thượng tá Phạm Ngọc Quý nhấn mạnh.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/vang-mai-ban-hung-ca-tren-chien-truong-song-bien-3169924/