Vang mãi bản hùng ca toàn thắng

Những ngày tháng 4 lịch sử, bản hùng ca đại thắng Mùa xuân năm 1975 lại vọng về, âm vang náo nức lòng người. Kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp để mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, tự do, để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CCB thành phố Ninh Bình giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy.

CCB thành phố Ninh Bình giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy.

Ký ức về một thời hoa lửa

Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ấy đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, kết thúc vẻ vang cuộc chiến đấu gian khổ và vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với những CCB đã từng sống, chiến đấu trong những năm tháng hào hùng của dân tộc thì những ký ức, giá trị của chiến thắng 30/4 vẫn còn vẹn nguyên. Để rồi, mỗi độ tháng 4 về, họ bồi hồi nhớ về một thời tuổi trẻ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai".

CCB Hoàng Xuân Thu ở phường Phúc Thành, Thành phố Ninh Bình nhớ lại: Sinh ra và lớn lên trong lúc đất nước còn chia cắt, ở cái tuổi mười tám, đôi mươi, với khẩu hiệu "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù", tôi đã tình nguyện vào quân đội, được biên chế vào đại đội 2, tiểu đoàn 816, Trung đoàn 1 (Quân khu 3). Cuối năm 1974, đơn vị nhận lệnh vào Nam chiến đấu, chúng tôi hành quân vào Quảng Trị, sang đất bạn Lào, Campuchia về chiến trường miền Đông Nam Bộ và bổ sung vào các đơn vị đặc công.

Lúc này, tôi được biên chế vào đại đội 16, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, Bộ Tham mưu Miền B2 làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, nhận chỉ thị của cấp trên đưa xuống các đơn vị chiến đấu và mở đài canh bắt liên lạc với các tình báo viên trong nội thành. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, các đơn vị trong Lữ đoàn phải chiến đấu theo sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đánh chiếm cầu Rạch Chiếc- có vị trí quan trọng trên sông Sài Gòn để cho đại quân tiến vào.

Trận đánh mở màn từ sáng ngày 27/4, quân địch kháng cự rất ác liệt, ta với địch giành co từng mét cầu, chúng dùng xe tăng và xe bọc thép chống trả quyết liệt, đơn vị của ông phải rút ra, đến sáng ngày 29/4, quân ta phản công mới dành lại được. Ngoài cầu Rạch Chiếc, Bộ Chỉ huy chiến dịch còn giao cho đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất; làm nhiệm vụ dẫn đường cho các quân đoàn và đơn vị đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như Tổng nha Cảnh sát, Dinh Độc lập…

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân đội ta đã thần tốc tiến công vào Sài Gòn, đúng 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên phủ Tổng thống ngụy, thành phố Sài Gòn được giải phóng. Nhận được tin chiến thắng, cảm xúc như vờ òa, không thể diễn tả bằng lời, tự hào được vinh dự góp một phần nhỏ bé công sức vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, song CCB Thu vẫn không khỏi bùi ngùi tiếc thương những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Còn với CCB Nguyễn Thanh Liêm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), những năm tháng tham gia chiến đấu luôn là kí ức không phai mờ trong cuộc đời. Trận đánh nhớ nhất là vào ngày 28/4/1975, đơn vị của ông- Trung đoàn 101, Sư 325C, Quân đoàn 2 được lệnh tham gia giải phóng thành phố Cần Thơ. Đây cũng là nơi tập trung các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự mạnh của ngụy quân Sài Gòn, trung tâm chỉ huy các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, giải phóng Cần Thơ cũng là góp phần giải phóng hoàn toàn khu Tây Nam Bộ, đánh chặn đường rút lui của địch, góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông kể: Trận đánh vào Thành phố Cần Thơ rất ác liệt, nhiệm vụ của công binh chúng tôi là mở đường đưa bộ đội vượt qua kênh Phụng Hiệp, qua lộ Vòng Cung, đánh vào sân bay Trà Nóc. Mặc dù địch trên có máy bay, dưới có xe tăng, đại bác, trang bị vũ khí kỹ thuật nhưng với tinh thần quyết thắng, chúng tôi xốc tới, không run sợ, chùn bước, đánh giữa ban ngày, gùm đầu được quân địch, đưa bộ đội qua kênh… Cùng với việc Sài Gòn được giải phóng, thành phố Cần Thơ cũng được giải phóng trong ngày 30/4. "Nhân dân vẫy chào đón tiếp chúng tôi, cờ quân giải phóng kéo lên rợp trời, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc, vì mừng rỡ, vì đất nước đã được giải phóng"- CCB Liêm xúc động chia sẻ.

Viết tiếp tương lai

Ký ức về những ngày tháng đầy gian khó, hy sinh nhưng vô cùng tự hào của những chiến sỹ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa mãi là tài sản vô giá để thế hệ mai sau thêm hiểu, trân trọng quá khứ, trân trọng cuộc sống hòa bình và vững tin viết tiếp tương lai. Tiết học môn lịch sử của cô và trò lớp 12 chuyên sử, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy với chủ đề "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975" trở nên gần gũi, sống động hơn khi các em được đón các bác CCB thành phố Ninh Bình- là những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu và chứng kiến giây phút lịch sử non sông thu về một mối tới giao lưu. Qua câu chuyện thực tế chiến đấu của những nhân chứng lịch sử đã giúp các bạn học sinh hiểu hơn về một thời "mưa bom, lửa đạn" mà thế hệ ông cha đã trải qua.

Em Trần Thị Minh Duyên (Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy) chia sẻ: Được nghe câu chuyện chiến đấu của các bác CCB, em có thêm nhiều hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn về các trận đánh trong chiến dịch này, hiểu được các bác đã phải hy sinh, gian khổ như thế nào để giành độc lập, tự do cho đất nước. Em vô cùng ngưỡng mộ, tự hào về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các bác, cảm thấy may mắn vì mình được sinh ra trên mảnh đất này. Bài học quý giá nhất mà chúng em tiếp thu được từ cha anh đó là lòng yêu nước và phát huy sức mạnh đại đoàn kết. Là một học sinh, em sẽ chăm chỉ học tập thật tốt để mai sau đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Với trách nhiệm của mình, cô giáo Bùi Thị Thanh Vân (Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy) luôn tìm tòi, áp dụng các phương pháp mới vào giảng dạy học môn lịch sử như: sử dụng công nghệ thông tin, mời các nhân chứng lịch sử giao lưu, kể chuyện... giúp cho học sinh thêm yêu thích, nhớ hơn các kiến thức của môn học. Thông qua các bài giảng môn lịch sử, tôi muốn nhắn nhủ tới các em không bao giờ được phép quên quá khứ; trân trọng và biết ơn những thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta hướng tới tương lai tốt đẹp hơn mà ở đó không có chiến tranh, chỉ có hòa bình và lòng yêu thương của con người- cô giáo Vân chia sẻ.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, âm vang đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn đó, nhắc nhở mỗi người dân đất Việt về nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Với niềm tự hào, kiêu hãnh về lịch sử vẻ vang của dân tộc, trách nhiệm của chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay là phải gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hòa bình, phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

Đúng như những câu thơ mà nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng viết: "Ta lại viết bài thơ trên báng súng/ Con lớn lên viết tiếp theo cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua..."

Bài, ảnh: Thùy Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vang-mai-ban-hung-ca-toan-thang/d2022042809094530.htm