Vang danh rượu Đường Xuồng

Rượu Đường Xuồng ở ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) là đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau khi được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, thương hiệu rượu Đường Xuồng được nâng tầm giá trị, thị trường ngày càng phát triển.

Hòa Xuân là ấp thuần nông của xã Định Hòa, có nghề truyền thống sản xuất rượu Đường Xuồng. Hiện Hợp tác xã Đường Xuồng ở xã Định Hòa có 8 hộ dân chuyên sản xuất rượu Đường Xuồng.

“Năm 2012, rượu Đường Xuồng được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu tập thể của huyện. Tuy nhiên, thời gian này các hộ gia đình có nghề làm rượu chỉ sản xuất nhỏ lẻ và tiêu thụ tại địa phương. Đến năm 2014, Hợp tác xã rượu Đường Xuồng được thành lập, có 20 thành viên”, ông Nguyễn Văn Kim - Giám đốc Hợp tác xã Đường Xuồng nói.

Theo ông Kim, men của rượu Đường Xuồng được làm từ bột gạo, bột nếp, vị thuốc bắc và thuốc nam. Rượu sau khi được chưng cất, đưa vào máy lọc loại bỏ độc tố và tạp chất, hương thơm dịu, uống không bị sốc, không gây đau đầu, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Với cách ủ men truyền thống tự làm, rượu sau khi được chưng cất, hèm còn lại không bị nhừ mà vẫn giữ nguyên hạt gạo nếp.

Hợp tác xã rượu Đường Xuồng sản xuất hai loại là rượu nếp trắng và rượu nếp than. Đến nay, sản phẩm rượu Đường Xuồng có mặt ở nhiều nơi như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai…

Ông Nguyễn Văn Kim - Giám đốc Hợp tác xã Đường Xuồng kiểm tra mẫu mã sản phẩm rượu Đường Xuồng được đưa vào đóng chai.

Ông Nguyễn Văn Kim - Giám đốc Hợp tác xã Đường Xuồng kiểm tra mẫu mã sản phẩm rượu Đường Xuồng được đưa vào đóng chai.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hợp tác xã Đường Xuồng đã thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rượu Đường Xuồng, góp phần xác định thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ giá bán tăng thêm từ 15% đến 20%, tạo điều kiện cho khách hàng nhiều nơi tiếp cận; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Để đảm bảo chất lượng rượu, trước khi cung cấp ra thị trường tiêu thụ và giúp cho Hợp tác xã Đường Xuồng phát triển nghề gia truyền với loại rượu ngon này, năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ máy lọc rượu kinh phí 170 triệu đồng.

Máy lọc này được hợp tác xã lọc rượu miễn phí cho các thành viên. Giá rượu Đường Xuồng bán lẻ trên thị trường 80.000 đồng/chai 750m loại rượu nếp trắng, 120.000 đồng/chai 75ml loại rượu nếp than. Mỗi ngày hộ thành viên Hợp tác xã Đường Xuồng sản xuất khoảng 200 lít rượu, bình quân mỗi hộ doanh thu từ 200-300 triệu/năm.

Bà Danh Thị Thu Phương, thành viên Hợp tác xã Đường Xuồng chia sẻ: “Từ khi tham gia vào hợp tác xã, kinh tế gia đình tôi khá ổn định, các thành viên trong gia đình đều có việc làm. Trước đây, các con tôi phải đi làm ăn xa, nhưng kiếm tiền không được bao nhiêu. Khi được giới thiệu về Hợp tác xã Đường Xuồng, tôi đã dành số vốn sẵn có để gia nhập hợp tác xã, nhờ vậy mấy năm nay kinh tế gia đình trở nên khá giả”.

“Việc quản lý nhãn hiệu tập thể là rất cần thiết để tránh rượu giả kém chất lượng. Bên cạnh đó, bảo hộ nhãn hiệu tập thể là một phương pháp sản xuất kinh tế tập thể có hiệu quả. Có được nhãn hiệu tập thể, hợp tác xã ký kết nhiều hợp đồng kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên”, ông Lê Văn Một, thành viên hợp tác xã cho biết.

Năm 2019, UBND tỉnh Kiên Giang trao bằng công nhận nghề truyền thống nấu rượu nếp Đường Xuồng cho xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/vang-danh-ruou-duong-xuong-18156.html