Văn nghệ sĩ với Báo Công an TPHCM: 47 năm gắn bó, đồng hành

Từ những ngày đầu tiên ra mắt bạn đọc đến nay, Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã hỗ trợ, gắn bó và đồng hành cùng giới văn nghệ sĩ. Kỷ niệm 47 năm ngày ra số báo đầu tiên (15/6/1976 - 15/6/2023), nhiều nghệ sĩ gửi những lời chúc mừng, tri ân và tình cảm đến với tòa soạn báo cùng tập thể CBCS - CNV đã làm nên tờ báo được xem là mang đến những giá trị tinh thần to lớn cho cộng đồng, trong đó nổi bật là công tác xã hội và thiện nguyện.

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương: 47 năm biết bao kỷ niệm

Ở tuổi 86, trò chuyện với Báo Công an TPHCM nhân dịp tờ báo kỷ niệm 47 năm ngày thành lập, NSND Kim Cương chia sẻ đây là tờ báo mà bà đã gắn bó và có rất nhiều ân tình. "Nói sao cho hết tình cảm của Kim Cương với tờ báo Công an TPHCM. Suốt quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của Kim Cương và đoàn kịch, Báo Công an TPHCM có vai trò hỗ trợ rất lớn. Từ anh Huỳnh Bá Thành, anh Trần Tử Văn... đến các thế hệ sau đã luôn kịp thời có mặt để giúp đưa các thông tin chính xác của đoàn kịch đến khán giả. Đặc biệt, tờ báo có lượng độc giả rất lớn, nên khi giới nghệ sĩ cần đính chính những tin đồn thất thiệt, đều tìm tới báo. Tòa soạn Công an TPHCM là chỗ dựa vững chắc của nghệ sĩ chúng tôi, để qua đây độc giả tiếp nhận được những thông tin chính thức".

NSND Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Bà là người tiên phong sáng lập một trong những đoàn kịch nói của Sài Gòn - "Đoàn kịch Kim Cương". NSND Kim Cương còn là tác giả, đồng thời là đạo diễn sân khấu của 70 vở kịch nổi tiếng như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Người tình trễ xe, Sắc hoa màu nhớ, Huyền thoại mẹ, Người mua hạnh phúc, Trà Hoa Nữ...

Ngoài thành tựu diễn xuất, Kim Cương còn nổi tiếng với công tác thiện nguyện. Nhiều năm nay, nghệ sĩ gạo cội vẫn luôn dốc hết sức cho các hoạt động thiện nguyện. Mỗi dịp cuối năm, bà tất bật khắp nơi để vận động quyên góp cho chương trình "Nghệ sĩ tri âm" trao quà cho các nghệ sĩ nghèo neo đơn, nhân viên hậu đài. Bà còn chung tay giúp đỡ, chăm sóc những đứa trẻ mồ côi do Covid-19. Bà còn sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ các con em nghệ sĩ đang túng thiếu.

Nhạc sĩ Phan Long: Với tôi, Báo Công an TPHCM là người bạn đồng hành

Nhạc sĩ Phan Long trưởng thành từ quân đội. Ông rời ghế trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) để nhập ngũ. Nhạc sĩ có nhiều sáng tác cách mạng được đông đảo khán giả thuộc nằm lòng như: Mẹ, Tượng đài người thanh niên xung phong... Ông chia sẻ: "Với tôi, Báo Công an TPHCM là người bạn đồng hành của nhiều lứa tuổi, trong đó có tôi. Bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ báo chí, Báo đã làm được rất nhiều trong công tác xã hội, trong đó nổi bật là từ thiện.

Tôi có một kỷ niệm với Báo Công an TPHCM, đó là được tham gia chuyến đi thực tế sáng tác tại Ngã Ba Đồng Lộc do báo tổ chức. Chuyến đi sáng tác ấy còn có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Trần Long Ẩn... với rất nhiều câu chuyện cảm động. Đối với tôi nói riêng và bạn đọc nói chung, tờ báo rất thân thương, gần gũi".

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: Tờ báo gần gũi với đời sống văn nghệ

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương gắn bó cả cuộc đời, dành trọn thanh xuân với công tác thanh niên. Năm 1991, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương giữ nhiệm vụ là Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật rồi Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên đến khi nghỉ hưu vào năm 2017. Anh có rất nhiều ca khúc về thanh niên, tuổi trẻ như Con đường đến trường, Khung trời mơ ước, Như cơn gió vô tình, Mùa hè sinh viên... Nhiều ca khúc của anh được chọn làm bài hát chính thức trong các dịp lễ hội lớn như Sài Gòn 300 năm, Thanh niên vì ngày mai, Khi Tổ quốc cần...

Chia sẻ về tờ Công an TPHCM, Phạm Đăng Khương nói: Báo Công an TPHCM là tờ báo mạnh về lượng độc giả, nhận được hưởng ứng từ đông đảo người xem nhiều năm qua. Từ những năm 1985 - 1990 tôi đã đọc tờ báo này, đó là khi tờ báo ban đầu ra 4 trang, do anh Huỳnh Bá Thành thực hiện.

Mỗi lần báo ra là tôi phải mua một tờ, để đọc những thông tin an ninh trật tự, biết chuyện ngoài xã hội. Những số báo khi ấy cập nhật thông tin an ninh trật tự, các sự cố bão lũ, giao thông. Đó là những thông tin thiết thực cho đời sống xã hội. Báo không chỉ viết về điển hình Công an, mà còn gần gũi với đời sống văn nghệ, giới thiệu và quan tâm đến đời sống văn hóa nghệ thuật. Hiện nay trang báo cuối tuần còn có đăng thơ. Những nội dung này giúp tiếp cận nhiều tầng lớp độc giả.

Nghệ sĩ cải lương Linh Huyền: Luôn biết ơn Báo Công an TPHCM

11 tuổi đã theo học nhạc sĩ tài hoa Út Trong - được làm thế hệ học trò cuối cùng mà nghệ sĩ Út Trong giao phó vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa, hơn 30 năm qua nghệ sĩ cải lương Linh Huyền thành danh ở nhiều lĩnh vực: đào chánh, soạn giả, MC, bà bầu sân khấu... Và ở trong bất kỳ vai trò nào, niềm đam mê với cải lương chưa bao giờ vơi trong chị.

Là học trò cưng được nhạc sĩ Út Trong dìu dắt, Linh Huyền trưởng thành và hiểu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo trong bộ môn nghệ thuật này. Nữ nghệ sĩ mở lớp "Học ca cải lương online" để không chỉ học trò trong nước mà ngay cả người nước ngoài cũng có thể đăng ký theo học. Trong kinh nghiệm mười năm giảng dạy cho nhiều thế hệ trẻ hát cải lương, đã có những học sinh của Linh Huyền là người Nhật, Pháp và Úc. "Bảo tàng cải lương online" là dự án thú vị và đầy tâm huyết của Linh Huyền. "Bảo tàng cải lương online" là nơi lưu giữ tư liệu văn thơ, ca ngâm, hò vè, điển tích, âm nhạc... góp phần hình thành cải lương đi theo chiều phát triển lịch sử xã hội Việt Nam. Ở đó, có những di vật, hiện vật, hình ảnh liên quan đến nghệ thuật ca, vũ, nhạc, kịch truyền thống tức cải lương cũng được lưu trữ nơi đây.

Đặc biệt, những bài nói chuyện về lịch sử cải lương và những thước phim phỏng vấn nghệ sỹ là các tư liệu hiếm dành cho thế hệ trẻ được tự do thăng hoa ý tưởng sáng tạo trong tư duy của mình với nghệ thuật. "Bảo tàng cải lương online" còn là nơi để nghệ sĩ được giao lưu trực tiếp cùng khán giả qua chương trình "Nói chuyện cải lương". Khán giả được xem phát sóng trực tiếp tác phẩm. Trước mắt, là chuỗi chập cải lương trào phúng của các soạn giả Xuân Phát, Viễn Châu, Phi Thoàn... như: Đắc kỷ ho gà, Điêu Thuyền đá banh, Chú Thoòng lãnh vợ... với dàn nghệ sĩ như Việt Anh, Tấn Beo, Linh Huyền, Linh Trung, Tấn Giáo, Dũng Nhí... Ở đó, khán giả đặt câu hỏi và các nghệ sĩ cũng trả lời trực tuyến.

Cũng với mong muốn giữ gìn bộ môn nghệ thuật cải lương miền Nam, Linh Huyền mời các nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Thị Minh Ngọc, Thanh Hằng, Quang Thành... cùng thực hiện chương trình "Út Trong Award" dành cho các giọng ca cải lương trẻ.

Trò chuyện cùng Báo Công an TPHCM nhân dịp tờ báo kỷ niệm 47 năm ngày thành lập, Linh Huyền cho biết, cô luôn biết ơn Báo Công an TPHCM vì đã âm thầm dõi bước theo cải lương, để đưa tin kịp lúc cho khán giả mộ điệu tham quan "Bảo tàng cải lương online", nối những cánh tay, cùng giữ gìn văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam.

HOÀI GIANG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/47-nam-gan-bo-dong-hanh_148750.html