Vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng: Phải mạnh mẽ lên tiếng vì chúng ta!

Hành vi quấy rối tình dục ở bất kỳ hình thức nào cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý bị hại; hệ thống pháp luật có đầy đủ để răn đe và xử lý các hành vi quấy rối tình dục.

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có tuyến bài: “Quấy rối tình dục: Những câu chuyện ám ảnh”, “Vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng: Lời người trong cuộc” nói về việc quấy rối tình dục xảy ra trong môi trường công cộng như nơi làm việc, đường phố, công viên, phương tiện công cộng... đang ngày càng phổ biến. Từ đó trở thành nỗi sợ hãi của nhiều người - nhất là với giới nữ.

Vấn đề trên nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều câu chuyện cũng được bạn đọc chia sẻ khi vô tình trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục.

Chuyện không của riêng ai

Bạn đọc Nguyễn Hà chia sẻ: “Công ty cũ của tôi thường chụp hình tập thể mỗi khi có dịp đặc biệt. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu mỗi lần chụp, sếp tôi thường đứng cạnh tôi, ôm eo, tay đặt lên hông hoặc kéo sát người, thậm chí hôn lên tóc. Tôi rất khó chịu, xấu hổ nhưng không dám đẩy ra. Thiết nghĩ các bạn trẻ đừng chịu đựng giống tôi, cứ bày tỏ quan điểm không đồng ý vì cơ thể là của mình”.

Hành vi "quấy rầy" đồng nghiệp nữ nơi công sở. Ảnh minh họa

Nói về vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng, bạn đọc Loan Phạm viết: “Quấy rối tình dục không chỉ đơn thuần là đụng chạm, có thể là lời nói, ánh mắt không chuẩn mực... Quý mến và quấy rối là hai định nghĩa khác nhau, không ai quý mến người khác mà sờ đầu, sờ đùi, đụng chạm cơ thể”.

Từ phương diện của một phụ huynh, chị Trần Thủy cho biết: “Tôi là mẹ của hai bé gái, mặc dù luôn dạy con cách bảo vệ bản thân nhưng rất sợ khi con ra ngoài, qua nhà hàng xóm, ở trường,... không được an toàn. Thiết nghĩ xã hội cần mạnh tay hơn trong vấn đề này, ngay trên các phương tiện truyền thông cũng xuất hiện khẩu dâm như việc chiếu phim hài, có nhiều nội dung nói bóng gió về tình dục, quấy rối, xem chuyện này là trò cười, với tôi đây là thứ hài tục tĩu, sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ”.

Hành vi quấy rối tình dục dù ở hình thức nào cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý người bị hại. Ảnh minh họa.

Quấy rối tình dục là vi phạm pháp luật

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, cho biết quấy rối tình dục là một trong những hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu và hệ lụy nghiêm trọng đến người bị quấy rối.

Cũng theo ThS Lưu, quấy rối tình dục không dừng lại ở việc lệch lạc các chuẩn mực, quy tắc giao tiếp ứng xử mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, được thể thực hiện dưới dạng hành vi tác động đến thể chất như sờ mó, tiếp xúc cơ thể, cấu véo, thậm chí tấn công.... hoặc thông qua lời nói khiếm nhã, có ngụ ý về tình dục,... Thậm chí ở hình thức tinh vi hơn như thông qua ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm...

“Hành vi quấy rối ở bất kỳ hình thức nào cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý người bị hại. Nếu nhẹ sẽ khiến nạn nhân khó chịu, tự ti, xấu hổ và không muốn tiếp xúc với những người xung quanh. Diễn tiến nặng hơn có thể khiến họ bị ám ảnh, lo âu và những rối nhiễu tâm lí khác” - ThS Lưu nói.

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường Đại học Văn Lang.

Khi bị quấy rối tình dục, nạn nhân cần thể hiện thái độ lên án hành vi quấy rối một cách nghiêm túc. Tiếp theo, nhanh chóng tránh xa những nơi (những người) đang thực hiện hành vi quấy rối với bản thân. Ngoài ra, nếu có đầy đủ căn cứ về những hành vi thiếu chuẩn mực này thì người bị quấy rối có thể nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Lưu giữ chứng cứ, đưa thủ phạm ra ánh sáng

Khi bị quấy rối tình dục, nạn nhân nên giữ sự bình tĩnh, không hoảng sợ vì nếu sợ sệt thì đối tượng sẽ tấn công mạnh mẽ hơn. Hãy thể hiện sự chống đối quyết liệt hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người xung quanh. Không nên im lặng chịu trận vì vô tình bạn sẽ tạo cơ hội để đối tượng tiếp tục thực hiện những hành động đồi bại.

Đối với nạn nhân là trẻ em, với tâm lý lo sợ nên nạn nhân thường im lặng hoặc một thời gian sau mới kể lại cho người thân nghe hoặc trình báo công an. Lúc này các dấu vết, các chứng cứ vật chất thường không còn nữa. Các vụ án có bị hại là trẻ em thường gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, nhân chứng và lời khai.

Do đó, khi gặp vấn đề bị quấy rầy liên quan đến tình dục, bị hại và gia đình cần phối hợp với các cơ quan liên quan để cung cấp đầy đủ nhất các tình tiết xảy ra. Đồng thời, người thân của bị hại lắng nghe, quan sát mô tả của bị hại để cùng cơ quan có thẩm quyền tiến hành giám định, xác định chứng cứ. Bên cạnh đó, lưu giữ các dấu vết như lông, tóc, sợi, dịch, máu, quần áo, kịp thời yêu cầu tiến hành giám định pháp y hoặc có thể trích xuất camera tại nơi công cộng, nhà nghỉ, nhà riêng...

Ở nước ta, hệ thống pháp luật đã có đầy đủ những quy định về biện pháp răn đe cũng như xử lý các hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để mọi người nhận diện được những lời nói, hành vi có tính chất gợi dục, quấy rối.

Đồng thời, cần tiếp tục khuyến khích nạn nhân lên tiếng và các cơ quan chức năng cần vào cuộc, giải quyết vấn đề một cách tích cực và quyết liệt để tránh trường hợp thương tâm xảy ra.

Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-nan-quay-roi-tinh-duc-noi-cong-cong-phai-manh-me-len-tieng-vi-chung-ta-post787289.html