Văn Lãng: Triển vọng từ mô hình trồng lúa nếp Mèng thương

Năm 2022, huyện Văn Lãng đã triển khai mô hình sản xuất lúa nếp Mèng thương theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân và góp phần bảo tồn được giống lúa bản địa của huyện.

Mèng thương là giống lúa nếp bản địa của huyện Văn Lãng và thường được người dân gieo trồng vào vụ mùa hằng năm. Với nhiều ưu điểm vượt trội về hương vị thơm ngon, độ mềm dẻo, gạo nếp Mèng thương được rất nhiều người ưa chuộng. Trước đây, giống lúa này chỉ được bà con trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình với diện tích khoảng 2 ha. Tuy nhiên, để góp phần bảo tồn giống lúa và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã triển khai mô hình trồng lúa nếp Mèng thương theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoàng Việt với diện tích 10 ha.

Người dân thôn Khun Pinh, xã Hoàng Việt ghi chép nhật ký chăm sóc lúa nếp mèng thương theo quy trình VietGAP

Người dân thôn Khun Pinh, xã Hoàng Việt ghi chép nhật ký chăm sóc lúa nếp mèng thương theo quy trình VietGAP

Anh Phùng Văn Đại, thôn Khun Pinh, xã Hoàng Việt cho biết: Vụ mùa năm 2022, được xã tuyên truyền, gia đình tôi đã tham gia mô hình trồng lúa nếp Mèng thương theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 7 sào. Sau quá trình trồng và thu hoạch, tôi nhận thấy năng suất của giống lúa mèng thương đạt gần 2,5 tạ thóc khô/sào, cao hơn từ 0,5 đến 1 tạ so với quy trình canh tác truyền thống mà gia đình tôi thường áp dụng. Ngoài cho năng suất cao thì cách chăm sóc theo quy trình VietGAP còn cho chất lượng, mẫu mã gạo tốt hơn. Từ sau vụ mùa năm 2022 đến nay, gia đình tôi đã bán được gần 6 tạ gạo nếp, với giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, thu về trên 18 triệu đồng. Với năng suất và giá bán cao như vậy, vụ mùa năm nay, gia đình tôi sẽ tiếp tục gieo cấy lúa nếp Mèng thương và áp dụng theo quy trình VietGAP.

Ông Lô Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt cho biết: Vụ mùa năm 2022, mô hình trồng lúa nếp mèng thương theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên địa bàn xã với diện tích 10 ha. Toàn xã có 90 hộ tham gia mô hình. Theo đó, tất cả các hộ đều được hỗ trợ vật tư nông nghiệp và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Qua triển khai mô hình cho thấy, giống lúa nếp mèng thương được trồng theo quy trình VietGAP cho năng suất cao hơn từ 5 đến 10% so với cách chăm sóc truyền thống của người dân. Từ hiệu quả quả của mô hình, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng lúa nếp Mèng thương theo tiêu chuẩn VietGAP.

Được biết, để triển khai mô hình đạt hiệu quả, trong năm 2022, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), chính quyền xã Hoàng Việt tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 900 lượt người tham gia. Cùng đó, phòng đã hỗ trợ 100% phân bón, vật tư phục vụ sản xuất và biển chỉ dẫn cho các hộ tham gia mô hình; đồng thời, phối hợp với chính quyền xã theo dõi, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, giống lúa nếp Mèng thương được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu được sâu bệnh. Cụ thể, năng suất đạt gần 7 tấn thóc khô/ha, cao hơn từ 0,5 đến 1 tấn, tương đương tăng từ 5 đến 10% so với quy trình canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng tốt hơn và được bán ra thị trường với mức giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, cao hơn từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg so với các giống lúa nếp khác.

Không chỉ cho năng suất tốt, giống lúa nếp Mèng thương được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp người dân tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc. Theo đó, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ phân có giá thành thấp hơn so với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà công dụng phòng, chống nấm bệnh không bị giảm đi. Bên cạnh đó, việc có kỹ thuật và thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây giúp người dân kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo.

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: Từ hiệu quả bước đầu, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích, hướng đến phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, phòng đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phấn đấu xây dựng gạo nếp Mèng thương thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong năm 2023.

Có thể thấy, mô hình trồng lúa nếp Mèng thương theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả tích cực. Mô hình này không chỉ góp phần bảo tồn giống lúa bản địa của huyện Văn Lãng mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/577506-van-lang-trien-vong-tu-mo-hinh-trong-lua-nep-meng-thuong.html